Sáng 8/7, Bộ Nội vụ tổ chức Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà điểm lại những thành tựu nổi bật nhất của ngành Nội vụ trong 6 tháng qua.
Theo Bộ trưởng, toàn ngành đã nỗ lực xây dựng và hoàn thiện hệ thống, thể chế chính sách trên lĩnh vực công vụ, công chức, lĩnh vực cải cách tiền lương, tổ chức bộ máy, cải cách hành chính và các nhiệm vụ quản lý nhà nước…
Điểm nhấn rõ nét trong nửa đầu năm 2024 là từng địa phương cũng nỗ lực tham mưu cho ngành Nội vụ, nhất là phục vụ cho việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, đóng góp cho sự ổn định và phát triển hệ thống chính trị cấp cơ sở.
“Đây là điểm nhấn rất rõ, hết sức tích cực trong 6 tháng qua”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Thứ đến, cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương hết sức quyết liệt tập trung sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã.
Đến nay, theo Bộ trưởng, các địa phương đang ở giai đoạn tăng tốc để về đích. Trong đó, có nhiều địa phương đã có tốc độ rất nhanh, kịp thời để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định.
Cùng với đó, là sự tập trung cao cho việc tiếp tục sắp xếp các đơn vị sự nghiệp, đặc biệt là ở Trung ương và một số địa phương.
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà khẳng định, việc tham mưu thực hiện cải cách chính sách tiền lương là phần việc gian nan nhất, khó khăn nhất và cũng là thành công ngoạn mục nhất của ngành. Trong đó, Bộ đã tham mưu Bộ Chính trị, Chính phủ, Quốc hội về việc thực hiện cải cách chính sách tiền lương theo lộ trình “từng bước hợp lý, thận trọng, bao trùm và hiệu quả”.
"Đến phút 89, vẫn chưa biết việc cải cách tiền lương sẽ thực hiện theo phương án nào, nhưng cuối cùng, đã theo phương án mà ngành tham mưu. Đây không chỉ là niềm vui của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và các đối tượng có liên quan mà còn là thắng lợi lớn của toàn ngành Nội vụ", Bộ trưởng bày tỏ.
Còn cán bộ né tránh, đùn đẩy trách nhiệm
Trong báo cáo sơ kết công tác 6 tháng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trương Hải Long lưu ý, bên cạnh những kết quả đạt được, ngành Nội vụ nhìn nhận vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục.
Cụ thể, công tác triển khai thực hiện một số văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực nội vụ chưa kịp thời; công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn triển khai các chính sách mới đã ban hành còn hạn chế; công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị dù được cải thiện nhưng chưa đáp ứng yêu cầu đề ra.
Bên cạnh đó, việc triển khai sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã một số địa phương còn chậm; việc sắp xếp đơn vị sự nghiệp công lập và đẩy mạnh tự chủ đạt kết quả hạn chế nên số viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước khó giảm 10% theo Nghị quyết của Trung ương và quyết định giao của Bộ Chính trị.
“Vẫn còn tình trạng cán bộ, công chức, viên chức… có biểu hiện né tránh, đùn đẩy công việc, sợ trách nhiệm, không dám tham mưu đề xuất xử lý công việc, không thực hiện công việc thuộc thẩm quyền theo chức năng, nhiệm vụ được giao dẫn đến chậm tiến độ, giảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và niềm tin của doanh nghiệp, người dân”, Thứ trưởng Trương Hải Long nói.