Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân trả lời VietNamNet về "số phận" của các sở ngành đã được hợp nhất, sáp nhập khi Nghị định mới của Chính phủ không quy định việc sáp nhập sở ngành. Ông nói:
Trong thời gian tới, Ban Tổ chức Trung ương sẽ tổ chức tổng kết việc thí điểm sáp nhập, hợp nhất 8 sở ngành tại một số địa phương. Qua tổng kết sẽ đánh giá, phân tích những mặt được, mặt còn hạn chế của việc thí điểm rồi mới đưa ra quyết định có tiếp tục thực hiện việc sáp nhập, hợp nhất sở ngành nữa hay không.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân |
Sau khi có thông báo kết luận của Bộ Chính trị về việc dừng thí điểm sáp nhập, hợp nhất sở ngành, các địa phương đã dừng thực hiện việc này và tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh theo Nghị định số 24/2014 ngày 4/4/2014. Và bây giờ các địa phương tiếp tục thực hiện việc này theo Nghị định 107 Chính phủ vừa ban hành.
Đối với các địa phương đã thực hiện sáp nhập, hợp nhất, trong thời gian từ nay đến khi Ban Tổ chức Trung ương tổ chức tổng kết thí điểm, các sở ngành này vẫn hoạt động bình thường, chưa tách ra ngay.
Việc thực hiện thí điểm hợp nhất một số sở ngành được thực hiện từ cuối năm 2019. Theo đó, các địa phương đăng ký thực hiện thí điểm hợp nhất 8 sở ngành thành 4. Cụ thể: Sở Tài chính với Sở Kế hoạch Đầu tư; Sở Giao thông Vận tải với Sở Xây dựng; Sở Nội vụ với Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Thành ủy; Thanh tra cấp tỉnh với Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Thành ủy.
Sau khi Bộ Nội vụ ra thông báo đề nghị các địa phương đăng ký thí điểm, tính đến đầu năm 2020 có một số tỉnh, thành gửi văn bản về Bộ Nội vụ đăng ký.
Cụ thể, Quảng Ninh và Yên Bái đăng ký hợp nhất Sở Nội vụ với Ban Tổ chức; đăng ký hợp nhất Thanh tra tỉnh với Ủy ban kiểm tra có tỉnh Đăk Nông; đăng ký hợp nhất Sở Giao thông với Sở Xây dựng có 2 tỉnh Đắk Nông và Yên Bái.
Ngoài ra còn có một số tỉnh đã thực hiện hợp nhất, sáp nhập trước đó gồm: Lào Cai sáp nhập Sở Giao thông Vận tải với Sở Xây dựng; Bạc Liêu hợp nhất Sở Văn hóa- Thể thao và Du lịch với Sở Thông tin và truyền thông, Sở Khoa học công nghệ với Sở Giáo dục; hợp nhất Ban Tổ chức với Sở Nội vụ; Thanh tra với Ủy ban kiểm tra có tỉnh Hà Giang...
Theo báo cáo mới nhất của Bộ Nội vụ, so với thời điểm trước khi ban hành Nghị quyết 18 Trung ương 6, khóa XII (2017), đến nay số cơ quan chuyên môn cấp tỉnh (sở ngành) giảm 5 tổ chức; phòng thuộc cơ quan chuyên môn giảm 973 tổ chức; chi cục giảm 127 tổ chức; phòng thuộc chi cục giảm 1.179 tổ chức; tổ chức hành chính khác thuộc UBND cấp tỉnh giảm 12 tổ chức.
Các sở ngành được tổ chức theo Nghị định 107 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 24/2014 ngày 4/4/2014 quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương: - 17 sở được tổ chức thống nhất ở tất cả tỉnh thành: Nội vụ; Tư pháp; Kế hoạch Đầu tư; Tài chính; Công Thương; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Giao thông Vận tải; Xây dựng; Tài nguyên và Môi trường; Thông tin và Truyền thông; Lao động Thương binh và Xã hội; Văn hóa Thể thao Du lịch; Khoa học và Công nghệ; Giáo dục và Đào tạo; Y tế; Thanh tra tỉnh; Văn phòng UBND. - 4 sở đặc thù được thành lập tùy theo điều kiện của từng địa phương: Ngoại vụ, Ban Dân tộc, Sở Quy hoạch Kiến trúc và sở Du lịch. |
Thu Hằng
Chính phủ "chốt" không sáp nhập bất cứ sở ngành nào
Nghị định mới của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương không có quy định nào về việc sáp nhập sở ngành.