'Điểm nghẽn' đầu tư hạ tầng

Chiều nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị đánh giá kết quả 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thích ứng với biến đổi khí hậu. 

{keywords}
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị đánh giá kết quả hai năm triển khai thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu. Ảnh: VGP

Báo cáo, đề xuất với Chính phủ tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể nhìn nhận giao thông vận tải đóng vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển mọi mặt.

“Giao thông vận tải phải đi trước mở đường, là mạch máu của nền kinh tế. Giao thông vận tải phát triển đến đâu, kéo các ngành kinh tế phát triển theo”- ông Thể nhận xét.

Theo Bộ trưởng Thể, với mục đích phát triển vùng ĐBSCL theo chỉ đạo của TW, Bộ đã tiến hành tái cơ cấu lại ngành giao thông vận tải và quan tâm nhiều hơn đến vận tải thủy, đặc biệt là tuyến đường sắt kết nối TP.HCM với Cần Thơ.

“Trong 2 năm thực hiện nghị quyết của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu, chúng tôi đã hoàn thành các dự án và đưa vào sử dụng. Điển hình như khánh thành cầu Vàm Cống, cầu Cao Lãnh”- ông Thể thông tin.

Bên cạnh đó, ông Thể cho biết đã tham mưu với Chính phủ, Quốc hội và bố trí được 10.600 tỷ đồng để thực hiện một số dự án mới như quốc lộ 30, quốc lộ 57, quốc lộ 53, cầu Mỹ Thuận 24...

Tuy nhiên, ông Thể cho rằng kết quả 2 năm qua vẫn chưa hài lòng vì giao thông vận tải khu vực này vẫn đang làm 'điểm nghẽn' rất lớn ảnh hưởng đến sự phát triển của TP.HCM và ĐBSCL. 

{keywords}
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng, đầu tư hạ tầng là "điểm nghẽn" cho sự phát triển bền vững của TP.HCM và ĐBSCL 

Kỳ vọng 'cất cánh' ở ĐBSCL

Người đứng đầu ngành giao thông cả nước cho biết, giai đoạn sắp tới sẽ tham mưu với Chính phủ một số lĩnh vực ưu tiên và ông kỳ vọng 'cất cánh' khu vực ĐBSCL.

Đối với đường bộ, Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cam kết sẽ kết nối tốt ĐBSCL với TP.HCM thông qua 5 dự án lớn gồm: dự án cao tốc TP.HCM- Cần Thơ đang triển khai và Bộ sẽ đẩy mạnh, giám sát, đôn đốc để kết thúc sớm dự án này.

Dự án thứ 2 là tập trung nâng cấp quốc lộ 60 với trọng tâm là xây dựng cầu Rạch Miễu 2, cầu Đại Ngãi để hình thành tuyến phía đông kết nối ĐBSCL với TP.HCM. 

Dự án đường N2 xuyên Đồng Tháp Mười kết nối với tứ giác Long Xuyên đang quá tải. Và hai dự án đường vành đai 3 và vành đai 4 tại TP.HCM giúp kết nối Đông - Tây TP.HCM. Không chỉ vậy, hai tuyến này còn hỗ trợ kết nối cho các tỉnh ĐBSCL, các tỉnh Đông Nam Bộ để tránh vận tải đi qua trung tâm TP góp phần kéo giảm ùn tắc.

Yếu tố thứ 2, Bộ trưởng Thể cho biết sẽ tập trung phát triển các đường ngang để kết nối các tỉnh ĐBSCL với Campuchia và sẽ phát huy các trục dọc. 

{keywords}
Hạ tầng phát triển chậm khiến đường cửa ngõ miền Tây lên TP.HCM thường xuyên ùn tắc vào các dịp nghỉ lễ

Hiện nay, Bộ đã triển khai đường N1, N2 và đường mòn Hồ Chí Minh, quốc lộ 1, cao tốc…Do đó, trong thời gian tới Bộ sẽ quan tâm đến quốc lộ 62 nối Long An qua cửa khẩu Bình Điền sang Campuchia, đường quốc lộ 30 nối An Hữu với Cao Lãnh để kết nối với tuyến Cao Lãnh- Rạch Sỏi với tuyến cao tốc TP.HCM - TP. Cần Thơ. Hai tuyến này có vai trò rất quan trong trong phát triển kinh tế xã hội, quốc phòng an ninh.

Phát triển nâng cấp quốc lộ 91 để hình thành trục cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng. Và cuối cùng là đường hành lang ven biển kết nối TP Rạch Giá với cửa khẩu Xà Pía sang Campuchia.

Ngoài ra, ông Thể cũng cho rằng đường thủy lợi thế rất lớn nhưng chưa khai thác đúng tiềm năng. Do đó, trong thời gian tới Bộ sẽ tham mưu chính phủ để nâng cấp tuyến kênh Chợ Gạo kết nối khu vực đồng bằng với TP.HCM để giảm tải cho đường bộ.

Về đường biển, ông cho biết sẽ đề xuất hình thành cảng biển lớn ở ĐBSCL và ưu tiên cảng biển nước sâu theo hình thức xã hội hóa. Biến Cần Thơ thành trung tâm Logistics của đồng bằng.

Về hàng không, ông Thể cho biết đang tìm giải pháp tăng cường phát triển cho sân bay Cần Thơ. Hiện nay, sân bay này chỉ mới khai thác khoảng 30%. Nâng cao sân bay Phú Quốc lên 5 triệu vì hiện nay đã quá tải với lưu lượng đạt trên 2 triệu lượt. Do đó, Bộ sẽ đề xuất xây thêm 1 đường băng nữa. 

Đặc biệt, ông Thể cho biết hiện đường sắt TP.HCM - Cần Thơ, Bộ đã làm việc với các địa phương và tư vấn để tìm ra giải pháp tốt nhất báo cáo với Chính phủ. Tuyến đường sắt này sẽ góp phần chia lửa cho đường bộ, thúc đẩy kinh tế vùng với TP.HCM. 

Theo Bộ GTVT, tổng số vốn đầu tư cho kết cấu hạ tầng giao thông khu vực ĐBSCL giai đoạn 2011-2015 là 67.552 tỷ đồng (chiếm 12,2% cả nước), giai đoạn 2016-2020 là hơn 65.000 tỷ đồng (chiếm 15,5% cả nước).

Do còn hạn chế về nguồn vốn nên nhiều dự án trọng điểm giao thông kết nối nội bộ khu vực ĐBSCL với TPHCM chưa thể hoàn thành.

 

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Biến đổi khí hậu ĐBSCL đến sớm hơn kịch bản

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Biến đổi khí hậu ĐBSCL đến sớm hơn kịch bản

-Tác động của biến đổi khí hậu và thay đổi quy luật tự nhiên dòng chảy sông Mê Công khiến Đồng Bằng Sông Cửu Long chịu tác động bất lợi ở mức nghiêm trọng.

Tuấn Kiệt