Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng cam kết cuối tháng 6, đầu tháng 7 các trung tâm đăng kiểm sẽ hoạt động bình thường khi trả lời chất vấn các ĐBQH chiều 7/6.
Còn hai tỉnh chưa mở lại được trung tâm đăng kiểm
Chiều 7/6, nêu câu hỏi chất vấn, đại biểu Đặng Bích Ngọc (đoàn Hòa Bình) cho biết, thời gian qua, nhiều trung tâm đăng kiểm đóng cửa khi cơ quan công an khởi tố, điều tra vụ án liên quan đến các trung tâm này.
“Việc các trung tâm đăng kiểm đóng cửa gây bức xúc và khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, qua tiếp xúc cử tri, người dân kiến nghị tạo điều kiện mở lại các trung tâm đăng kiểm. Giải pháp của Bộ trưởng để sớm mở lại các trung tâm?”, đại biểu đoàn Hoà Bình nêu câu hỏi.
Trả lời câu hỏi trên, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng cho biết, cả nước hiện chỉ còn 2 tỉnh là Bắc Kạn và Hòa Bình chưa mở lại được trung tâm đăng kiểm. Với Hòa Bình, ông Thắng cho biết, đã trực tiếp làm việc với Bí thư Tỉnh uỷ và Giám Sở GTVT về việc mở lại trung tâm đăng kiểm.
Theo đó, Bộ GTVT đã hỗ trợ đào tạo một cán bộ do tỉnh Hoà Bình giới thiệu, rồi thi tuyển, cấp chứng chỉ để về giữ cương vị lãnh đạo Trung tâm đăng kiểm. Bộ GTVT cũng phối hợp với sở địa phương bố trí đăng kiểm viên.
“Sẽ sớm mở lại trung tâm đăng kiểm này vì không còn vướng gì nữa. Cái khó nhất là lãnh đạo thì đã lo được rồi”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nói.
Cuối tháng 6 hoạt động đăng kiểm trở lại bình thường
Tranh luận với Bộ trưởng, đại biểu Nguyễn Trường Giang (đoàn Đắk Nông) cho rằng, với cơ chế hiện nay rất khó duy trì các trung tâm đăng kiểm. Do vậy, theo ông phải đổi mới cơ chế tài chính, đăng kiểm là dịch vụ công Nhà nước không làm thì tạo điều kiện cho doanh nghiệp thực hiện.
Đại biểu Trần Thị Kim Nhung (đoàn Quảng Ninh) cho rằng, nguyên nhân thiếu hụt nhân viên đăng kiểm hiện nay có trách nhiệm của Bộ GTVT mà Bộ trưởng chưa chỉ ra.
“Ở đây có phải là không chủ động hay chưa phối hợp với các bộ, ngành liên quan trong việc đưa ra phương án ứng phó, thay thế trước khi dẫn đến tình huống tạm dừng hoạt động”, bà Dung nói.
Trả lời câu hỏi tranh luận, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng cho biết, những vụ việc xảy ra trong hoạt động đăng kiểm vừa qua hết sức nghiêm trọng và đã gây ra hệ luỵ, Nhân dân và doanh nghiệp phải chờ đợi, rất vất vả, đi ngược đi xuôi nhưng không đăng kiểm được.
Ông Thắng cho biết, thời gian qua có 600 lãnh đạo, đăng kiểm viên, cán bộ công chức, viên chức bị khởi tố. Có tới 106 trung tâm đăng kiểm bị đóng cửa. Chính vì thế, vừa qua, Bộ GTVT phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành, đặc biệt là Bộ Công an để tập trung tháo gỡ.
Bộ trưởng GTVT cho biết, vừa nhận nhiệm vụ, ông đã chủ động việc nghiên cứu để làm thế nào điều chỉnh các quy định đăng kiểm cho phù hợp với thông lệ quốc tế, đặc biệt là tiết kiệm chi phí, thời gian cho người dân. Đồng thời rà soát lại toàn bộ hoạt động đăng kiểm để vừa hiện đại, vừa thông thoáng.
“Trong đó có việc miễn đăng kiểm lần đầu cho xe mới và giãn chu kỳ đăng kiểm. Chắc chắn việc này sẽ giảm chi phí, thời gian cho người dân và doanh nghiệp”, ông Thắng nói.
Ông Nguyễn Văn Thắng cho hay, cả nước chỉ có khoảng 2.000 đăng kiểm viên nhưng vụ việc vừa qua đã làm hụt mất gần 1/3. Để tuyển dụng được một đăng kiểm viên mất rất nhiều thời gian, qua nhiều bước đào tạo mất cả năm trời. Khi vụ vi phạm đăng kiểm xảy ra, Bộ GTVT đã đề nghị Bộ Công an, Bộ Quốc phòng hỗ trợ lực lượng, huy động đăng kiểm viên trên toàn quốc về các trạm đang thiếu hụt, mời gọi đăng kiểm viên mới nghỉ hưu quay lại, họ phải làm việc ngoài giờ, không có ngày nghỉ.
Hiện nay, Cục Đăng kiểm cũng đã tuyển dụng được 350 đăng kiểm viên. Sắp tới, Bộ GTVT trình Chính phủ điều chỉnh lại Nghị định 139, nguồn nhân lực đăng kiểm thời gian tới sẽ đầy đủ.
Bộ trưởng khẳng định: “Chúng tôi cam kết chỉ cuối tháng 6, đầu tháng 7 các trung tâm đăng kiểm sẽ hoạt động bình thường”.
Chuyển 6 bộ hồ sơ về cấp giấy phép lái xe sang công an để điều tra
Nêu câu hỏi chất vấn, đại biểu Nguyễn Thị Huế (đoàn Bắc Kạn) quan tâm đến công tác quản lý đào tạo, sát hạch, cấp đổi giấy phép lái xe.
Theo bà Huế, vấn đề này còn nhiều hạn chế như đào tạo vượt số lượng được cấp phép; học và thi sát hạch còn hình thức; còn tình trạng cấp giấy phép lái xe cho người nghiện ma túy và người không đủ năng lực hành vi, không đủ sức khỏe.
“Đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp để chấm dứt tình trạng trên nhằm nâng cao chất lượng công tác này?”, đại biểu Huế nêu câu hỏi.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, khi Bộ GTVT thanh tra toàn diện công tác đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe trong 63 tỉnh, thành đã thấy có vấn đề về chất lượng đào tạo, tổ chức, thi (kể cả lý thuyết và thực hành), cấp giấy phép cho cả người nghiện.
“Khi phát hiện ra việc này, tôi đã chỉ đạo thanh tra bộ xử lý nghiêm và đã chuyển 6 hồ sơ sang cơ quan công an để điều tra làm rõ”, ông Thắng nói và cho biết, Bộ GTVT đã khẩn trương siết chặt quản lý để thời gian tới “dứt khoát không để xảy ra tình trạng đào tạo, cấp giấy phép lái xe cho các đối tượng nghiện”.