Kính thưa đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam,
Kính thưa các đồng chí lãnh đạo Trung ương và địa phương,
Thưa Ban lãnh đạo Tập đoàn Công nghệ CMC,
Thưa các quý vị đại biểu, các đồng chí và các bạn,
Cách đây 36 năm, năm 1986, ngành Bưu điện bước vào đổi mới lần 1, đó là số hoá mạng lưới viễn thông, với mục tiêu phổ cập điện thoại. Ngành Bưu điện đã đi đầu trong công cuộc đổi mới của đất nước và đổi mới thành công. Giấc mơ mỗi người dân Việt Nam có một chiếc điện thoại đã thành hiện thực.
Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ ba với đại diện là chiếc máy tính, công nghệ thông tin (CNTT) và Internet đã thâm nhập vào và làm thay đổi ngành Bưu điện. Bưu điện trở thành Bưu chính Viễn thông và CNTT. Xuất hiện một mục tiêu mới là phổ cập Internet. Đến hôm nay, gần như 100% người trưởng thành Việt Nam đã được phổ cập Internet.
Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với đại diện là công nghệ số và chuyển đổi số (CĐS) một lần nữa lại làm thay đổi ngành Bưu điện. Bưu chính Viễn thông và CNTT trở thành Bưu chính Viễn thông, CNTT và CĐS. Xuất hiện một khái niệm mới là hạ tầng số. Hạ tầng số là hạ tầng viễn thông băng rộng cộng với hạ tầng điện toán đám mây, hạ tầng Internet kết nối vạn vật, hạ tầng cung cấp công nghệ như dịch vụ, hạ tầng các nền tảng số. Hạ tầng số không chỉ là hạ tầng thông tin liên lạc mà còn là hạ tầng của nền kinh tế số. Sự chuyển đổi từ hạ tầng thông tin liên lạc thành hạ tầng của nền kinh tế số là sự chuyển đổi mang tính lịch sử. Sự chuyển đổi này là cuộc đổi mới lần 2 của ngành Bưu điện.
Việt Nam chúng ta là nước trong nhóm đầu về CĐS. Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách về CĐS. Năm 2019, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 52-NQ/TW về chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong đó nhấn mạnh nội hàm chuyển đổi số và phát triển kinh tế số. Năm 2020, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Chuyển đối số quốc gia. Đầu năm 2021, Đại hội Đảng lần thứ XIII nhấn mạnh định hướng phát triển đất nước dựa trên chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số. Giữa năm 2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược Chính phủ số. Năm 2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược kinh tế số và xã hội số.
Ngày 26/7/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định 48/2022/NĐ-CP, quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ TT&TT. Trong cơ cấu tổ chức xuất hiện 3 đơn vị mới liên quan trực tiếp đến cuộc cách mạng số. Đó là Cục Chuyển đổi số quốc gia, Cục Công nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông, Vụ Kinh tế số.
Tất cả những định hướng trên phải dựa trên hạ tầng số. Và hạ tầng số phải đi trước, phải được đầu tư trước. Một trong những hạ tầng quan trọng nhất của hạ tầng số là hạ tầng điện toán đám mây, hay còn gọi là Data Center. Dữ liệu lớn và xử lý dữ liệu lớn sẽ là ngành công nghiệp rất lớn. Việt Nam muốn đi đầu về CĐS thì phải là một trung tâm số của thế giới, với hạ tầng điện toán đám mây thứ hạng quốc tế do Việt Nam xây dựng, với nhiều tuyến cáp quang biển quốc tế do Việt Nam xây dựng, với thị trường số Việt Nam năng động và quy mô lớn, với sự hội tụ về Việt Nam của nhân tài số toàn cầu và nhân lực số Việt Nam thật dồi dào.
Hôm nay, chúng ta có mặt tại đây để chứng kiến sự ra mắt của một Data Center chuẩn quốc tế, quy mô lớn của Tập đoàn Công nghệ CMC. Bộ TT&TT đánh giá cao sự tiên phong đi đầu của CMC trong xây dựng hạ tầng số đẳng cấp quốc tế. Và kêu gọi các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng điện toán đám mây, vì đây là hạ tầng quan trọng nhất của kinh tế số. Vào năm 2025, thị trường điện toán đám mây sẽ lớn hơn thị trường viễn thông. Sự đầu tư của chúng ta cho điện toán đám mây là rất chưa tương xứng, chưa bằng 1/10 so với đầu tư viễn thông. Dữ liệu Việt Nam là tài nguyên và tài sản Việt Nam thì phải được lưu trữ và xử lý tại Việt Nam hoặc được sự cho phép của Việt Nam. Chủ quyền số quốc gia liên quan mật thiết tới hạ tầng số Việt Nam. Không có hạ tầng số Việt Nam thì sẽ không có chủ quyền số Việt Nam. Với hạ tầng Cloud hiện đại, giá cả và chất lượng cạnh tranh như CMC Data Center Tân Thuận thì các doanh nghiệp Việt Nam đang thuê Cloud nước ngoài hãy chuyển về dùng Cloud Việt Nam. Cloud nước ngoài đang chiếm tới 80% thị trường trong nước. Người Việt Nam thì hãy ưu tiên dùng hàng Việt Nam!
Doanh nghiệp thì phải có lợi nhuận để tồn tại. Nhưng sau lợi nhuận sẽ là gì? Không lẽ lại là lợi nhuận. Một doanh nghiệp vĩ đại là một doanh nghiệp hoạt động có lợi nhuận để thực hiện một sứ mệnh. Doanh nghiệp Việt Nam thì hãy nhận lấy một sứ mệnh Việt Nam để cho đất nước này hoá rồng, hoá hổ, để Việt Nam thành nước phát triển có thu nhập cao vào giữa thế kỷ XXI, để Việt Nam hùng cường thịnh vượng và không có kẻ thù nào dám đến xâm phạm. Bộ TT&TT mong muốn Tập đoàn Công nghệ CMC là một doanh nghiệp như vậy. Và các doanh nghiệp công nghệ số khác cùng có khát vọng này thì ngành Thông tin và Truyền thông Việt Nam có thể sánh vai cường quốc năm châu vào năm 2030.
Xin trân trọng cảm ơn các đồng chí!
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng