Thay mặt lãnh đạo Bộ TT&TT, tôi xin chúc mừng đồng chí Tô Dũng Thái nhận nhiệm vụ Chủ tịch Tập đoàn VNPT. Đây là vinh dự, nhưng cũng là trách nhiệm rất nặng nề. Xin chia vui và cũng chia sẻ với đồng chí tân Chủ tịch. Tâm trạng của một người lãnh đạo có trách nhiệm khi nhận nhiệm vụ mới thì bao giờ cũng là vừa mừng vừa lo. Nhận vị trí cao hơn thì lo nhiều hơn.
Ngành viễn thông đang đi ngang mấy năm nay. Không có tăng trưởng luôn là nỗi lo lớn nhất của người đứng đầu một doanh nghiệp. Bởi lẽ, một tổ chức không tăng trưởng là một tổ chức thụt lùi, vì kinh tế vẫn tăng trưởng 6-8%. Một tổ chức không tăng trưởng là một tổ chức không đặt ra thách thức mới, không có hưng phấn khai phá một vùng đất mới, và vì vậy mà bao trùm là không khí ảm đạm.
Tạo ra không gian mới cho VNPT lúc này là thách thức lớn nhất với tân Chủ tịch. Không gian mới này lại phải đủ lớn và đủ xa để VNPT có thể đi một chặng đường dài. Không gian mới cho một tập đoàn lớn như VNPT thì không phải ngàn tỷ, cũng không phải chục ngàn tỷ, mà phải là trăm ngàn tỷ và lớn hơn. Không gian mới này cũng không phải cho 1 năm, cho 5 năm hay 10 năm mà phải dài hơn.
Không ít người đã từng nghĩ 3G là không gian mới so với 2G, 4G là không gian mới so với 3G hay sắp tới 5G là không gian mới so với 4G đối với nhà mạng. Không phải như vậy. Chiếc ô tô chạy tốc độ 100km/h và chiếc ô tô chạy 150km/h thì vẫn là chiếc ô tô thôi.
Dữ liệu là một loại tài nguyên mới, một loại đất đai mới. Canh tác trên đất đai này sẽ tạo ra giá trị. Càng nhiều dữ liệu thì càng nhiều đất đai. Lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, con người không chỉ tiêu xài tài nguyên mà còn tạo ra tài nguyên. Vậy thì hạ tầng dữ liệu có phải một không gian mới không? Hạ tầng xử lý dữ liệu có phải không gian mới không? Cloud Computing có phải hạ tầng của nền kinh tế số không? Và nếu vậy thì nó lớn cỡ nào? Chắc chắn phải lớn hơn hạ tầng alô rồi.
Kinh tế số là sử dụng công nghệ số như một loại công cụ sản xuất mới để tạo ra sản phẩm trong mọi lĩnh vực. Mọi doanh nghiệp sẽ đều là doanh nghiệp công nghệ. Mỗi người dân cũng sẽ sử dụng công nghệ số để sáng tạo, để tạo ra sản phẩm. Vậy ai sẽ là người cung cấp các công cụ sản xuất này cho hàng triệu doanh nghiệp, hàng trăm triệu người dân? Liệu có phải doanh nghiệp viễn thông không? Không có ai đang ở vị trí tốt hơn nhà mạng để làm việc này: Cung cấp công nghệ số như là một dịch vụ. Thị trường này có lớn không? Công cụ sản xuất của một nền kinh tế thì chưa bao giờ là nhỏ cả. Nó sẽ xung quanh 10% GDP. Trong khi doanh thu của viễn thông alô và data đang chỉ xung quanh 3% GDP.
Hai ví dụ trên đây thì có thể gọi là không gian mới cho nhà mạng.
Hạ tầng số là hạ tầng chiến lược quốc gia. Hãy làm rõ khái niệm này để tìm không gian mới cho VNPT.
Một doanh nghiệp nhỏ thì ngày mai là quan trọng. Một doanh nghiệp lớn như VNPT thì 3-5-10 năm tới mới là quan trọng. Phải suy nghĩ, phải chuẩn bị, phải đầu tư cho 3-5-10 năm tới. Và đây sẽ là việc của Chủ tịch VNPT.
Một doanh nghiệp bình thường thì lợi nhuận là quan trọng. Một doanh nghiệp vĩ đại thì sau lợi nhuận là gì mới là điều quan trọng. Doanh nghiệp muốn tồn tại thì phải có lợi nhuận, nhưng lợi nhuận không phải mục tiêu cuối cùng của doanh nghiệp. Mục tiêu cuối cùng của doanh nghiệp là thực hiện một sứ mệnh đối với đất nước, với nhân loại. Vậy sứ mệnh của VNPT là gì? Và đây cũng là việc của Chủ tịch Tập đoàn.
Doanh nghiệp nhà nước thì đầu tiên là để thực hiện chiến lược quốc gia, đi đầu, đi trước, là đầu tàu trong thực hiện chiến lược quốc gia. Thị trường thì mạnh trong ngắn hạn, nhà nước thì phải mạnh trong dài hạn. Và doanh nghiệp nhà nước là công cụ vật chất để nhà nước thực thi sức mạnh dài hạn của mình. Với VNPT thì là thực hiện chiến lược ngành TT&TT. Năm 2021 là năm ra đời các chiến lược quốc gia về: Hạ tầng số, Chính phủ số, Kinh tế số và xã hội số, An toàn thông tin, Công nghiệp công nghệ số. Xác định phần của mình trong các chiến lược quốc gia nói trên cũng là việc của Chủ tịch Tập đoàn. VNPT mà không nhận thì Chính phủ cũng sẽ giao, Bộ cũng sẽ giao. Nếu không như vậy thì VNPT đâu phải là doanh nghiệp nhà nước.
Giải quyết tốt mối quan hệ giữa Chủ tịch và Tổng giám đốc trong một doanh nghiệp nhà nước có ý nghĩa quyết định. Hai người này có lúc là một và có lúc là hai. Họ là một khi nói đến mục tiêu chung của công ty, họ là một khi cùng vì lợi ích chung của công ty, họ là một khi đại diện cho sự đoàn kết của cả công ty. Họ là hai khi bổ sung cho nhau để làm tốt việc sản xuất kinh doanh của công ty. Chủ tịch thì tập trung vào chiến lược, vào việc tạo cơ chế mới, động lực mới, vào việc giám sát và cảnh báo sớm để bảo vệ Tổng giám đốc. Tổng giám đốc thì tập trung vào thực thi. Sự thất bại của VNPT thì luôn là trách nhiệm của cả hai. Thực thi kém luôn có trách nhiệm của Chủ tịch. Vì thực thi kém có thể do chiến lược sai, hoặc chiến lược đúng nhưng giải pháp trong chiến lược lại không phù hợp. Thực thi kém có thể do không tạo được cơ chế mới, động lực mới phù hợp để thực thi chiến lược. Thực thi kém cũng có thể do công cụ giám sát, cảnh báo không kịp thời để điều chỉnh Tổng giám đốc.
VNPT là một doanh nghiệp lớn và quan trọng của ngành TT&TT. Bộ TT&TT có trách nhiệm định hướng chiến lược cho VNPT, giao các nhiệm vụ quốc gia cho VNPT, tạo môi trường và chính sách để các doanh nghiệp trong ngành cạnh tranh lành mạnh cùng phát triển. Bộ là nơi khi VNPT khó khăn gì thì tìm tới. Không chỉ vậy, VNPT phải đầu tư thoả đáng cho bộ phận nghiên cứu thể chế, chính sách, công nghệ, dịch vụ để đề xuất với Bộ TT&TT những vấn đề mới giúp cho ngành phát triển, cũng tức là giúp cho đất nước phát triển.
Đại hội XIII của Đảng đã xác định phát triển đất nước dựa trên khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, công nghệ số và chuyển đổi số. Đất nước có cường thịnh hay không là phụ thuộc vào động lực này. Muốn vậy thì phải có nhân lực, nhất là lãnh đạo có kiến thức về công nghệ số và chuyển đổi số. Nguồn cán bộ này hiện đang rất khan hiếm. VNPT phải xác định là nơi cung cấp nguồn lực này cho đất nước, trong đo có cả cán bộ quản lý, lãnh đạo. Khi có yêu cầu là lên đường, như vừa qua đã có 1 đồng chí của VNPT về làm giám đốc sở TT&TT của tỉnh.
Muốn có cán bộ giỏi thì lãnh đạo VNPT phải nghĩ ra việc khó và giao cho nhân viên. Qua đó họ sẽ trưởng thành lên. Việc trung bình thì tạo ra người trung bình, việc khó thì tạo ra người giỏi, việc vĩ đại thì tạo ra người vĩ đại. VNPT hãy gọi tên những việc vĩ đại của đất nước, của ngành, của VNPT và hướng nhân viên của mình vào đó. Việc khó và thách thức chính là cái nôi để đào tạo nhân viên thành những nhà quản lý, lãnh đạo xuất sắc.
Anh Thái - Chủ tịch, anh Liêm - Tổng giám đốc có ít thì cũng phải một nhiệm kỳ làm lãnh đạo VNPT. Hãy theo công thức 1-3-5. Mỗi năm một dự án quan trọng, qua 5 năm là có 5 công trình quan trọng làm nền tảng phát triển VNPT. Trung bình 2 năm một dự án lớn để qua 5 năm là có 3 công trình lớn tạo ra sự thay đổi đột phá cho VNPT. 5 năm thì phải có một dự án để đời thay đổi toàn diện và căn bản VNPT. Sau 5 năm, VNPT phải có một diện mạo mới, với các không gian tăng trưởng mới, để alô không còn là nghề chính của VNPT nữa. Ngành của chúng ta đang thay đổi nhanh, rất nhanh, công thức 1-3-5 là hoàn toàn khả thi với VNPT.
Cán bộ lãnh đạo cấp cao nhất của VNPT đã được kiện toàn. Bây giờ là hành động và tạo ra kết quả. Nếu 1 năm, 2 năm, 3 năm và 5 năm tới mà VNPT không có sự thay đổi căn bản thì tức là việc bổ nhiệm anh Huỳnh Quang Liêm hồi tháng 7/2021 và anh Tô Dũng Thái ngày hôm nay là thất bại của công tác cán bộ. Và trong đó có trách nhiệm của anh Phạm Đức Long, trước đây là Chủ tịch VNPT và bây giờ là Thứ trưởng Bộ TT&TT, đã đề xuất nhân sự, của anh Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Uỷ ban quản lý vốn nhà nước đã lựa chọn và đề xuất, và của cả tôi nữa, với tư cách là Bộ trưởng của ngành TT&TT khi được tham vấn về lãnh đạo VNPT. Vậy là anh Thái, anh Liêm bây giờ trách nhiệm là rất cao vì đang cầm trong tay mình uy tín của chúng tôi.
Tôi chúc anh Tô Dũng Thái, anh Huỳnh Quang Liêm và toàn bộ VNPT đoàn kết, đồng lòng, nhiều sức khoẻ, niềm vui và thành công, đưa VNPT thành một công ty vĩ đại, góp phần to lớn vào công cuộc chuyển đổi số của đất nước, chuyển đổi Việt Nam thành một quốc gia số. Qui mô của VNPT sau 5 năm nữa ít nhất phải gấp đôi, tức là phải tăng trưởng 15%/năm. Đất nước muốn đạt mục tiêu do Đại hội XIII đặt ra thì phải tăng trưởng 7-7,5%/năm. Mà ngành ta là hạ tầng thì bao giờ cũng phải đi trước và tăng trưởng ít nhất gấp đôi tăng trưởng GDP.
Xin trân trọng cảm ơn các đồng chí!
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu về chiến lược phát triển kinh tế số, xã hội số
VietNamNet trân trọng giới thiệu toàn văn phát biểu của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng tại Diễn đàn cấp cao và Triển lãm quốc tế về Công nghiệp 4.0 sáng 6/12 vừa qua.