Hồi đầu năm, tại Tọa đàm khoa học với chủ đề “Tầm nhìn Nguyễn Cơ Thạch trong sự nghiệp xây dựng ngành ngoại giao toàn diện, hiện đại”, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã đánh giá cao vai trò của đồng chí Nguyễn Cơ Thạch trong việc đặt nền móng cho ngành ngoại giao Việt Nam thời kỳ Đổi mới.
Đại sứ Vũ Khoan chia sẻ, Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch là người đi tiên phong, đưa ra chủ trương quyết liệt và kịp thời nhằm khắc phục những hạn chế của công tác xây dựng ngành ngoại giao ngay khi đất nước vừa mới ra khỏi chiến tranh và đang phải đối mặt với nhiều thách thức lớn. Những chủ trương bao gồm sắp xếp lại đội ngũ cán bộ, gấp rút bồi dưỡng, đào tạo cán bộ về chuyên môn và ngoại ngữ, chú trọng đội ngũ cán bộ quản lý, cải tiến tổ chức bộ máy và phương pháp làm việc... đã được triển khai rất thành công.
Từ góc độ quan sát khác nhau, Đại sứ Nguyễn Dy Niên đã kể về những sáng kiến đổi mới mang tính đột phá của đồng chí Nguyễn Cơ Thạch trong công tác xây dựng nội bộ tại Bộ Ngoại giao. Trong đó, cơ chế tập sự cấp vụ và tập sự cấp bộ được coi là cơ chế hoàn toàn mới mẻ lúc bấy giờ, khi triển khai đã rất thành công, tạo cơ hội cho những cho cán bộ ngoại giao trẻ có năng lực được đề bạt vào các vị trí lãnh đạo, quản lý của Bộ.
Thấm đượm chủ nghĩa yêu nước và truyền thống ngoại giao hòa hiếu của dân tộc, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, nắm vững và vận dụng sáng tạo tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh, với bản lĩnh dạn dày và kinh nghiệm thực tiễn phong phú, tư duy chiến lược sắc sảo, nhạy bén nắm bắt các xu thế của thời đại và quy luật phát triển của đất nước, bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch đã góp phần quan trọng vào đổi mới tư duy đối ngoại của Đảng ta tại các Đại hội VI và VII, đặt nền móng định hình đường lối đối ngoại thời kỳ đổi mới”.
Ông chính là người có vai trò kiến tạo lộ trình bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ. Năm 1990, ông Thạch lần đầu tiên có chuyến thăm Mỹ theo lời mời của Ngoại trưởng Mỹ James Baker. Đây là cuộc gặp cấp cao đầu tiên của hai nước kể từ sau chiến tranh.
Trong giai đoạn đất nước bị bao vây, cấm vận với vô vàn khó khăn, trên cương vị “tư lệnh” ngành ngoại giao, Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch luôn trăn trở, dành tâm huyết, trí tuệ và công sức cho cuộc đấu tranh cam go về phá thế bao vây, cấm vận. |
Hơn 60 năm hoạt động cách mạng phong phú và sôi nổi, dù ở cương vị nào, lĩnh vực công tác nào, đồng chí Nguyễn Cơ Thạch luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, trọn đời phấn đấu, tận tụy phục vụ Đảng, Nhà nước và nhân dân, cống hiến to lớn cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và công cuộc Đổi mới đất nước.
Trên cương vị Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, ông đã cùng tập thể Bộ Chính trị đóng vai trò quan trọng trong xây dựng và ban hành Nghị quyết 13 của Bộ Chính trị khóa VI, đánh dấu bước chuyển chiến lược trong đường lối đối ngoại, mà đến nay Đảng ta đã kế thừa, phát triển và hoàn thiện trong thời kỳ Đổi mới.
Đó là, đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định và tranh thủ điều kiện quốc tế thuận lợi để phát triển đất nước.
Trong giai đoạn đất nước bị bao vây, cấm vận với vô vàn khó khăn, trên cương vị “tư lệnh” ngành ngoại giao, ông luôn trăn trở, dành tâm huyết, trí tuệ và công sức cho cuộc đấu tranh cam go về phá thế bao vây, cấm vận.
Dưới sự lãnh đạo trực tiếp và thường xuyên của Bộ Chính trị, cùng với các vị lãnh đạo xuất sắc của Bộ Ngoại giao thời kỳ đó, ông Nguyễn Cơ Thạch đã đóng góp rất lớn vào việc giải quyết thành công vấn đề Campuchia, bình thường hóa quan hệ với các nước lớn và các quốc gia trong khu vực, từ đó kiến tạo môi trường quốc tế thuận lợi cho công cuộc đổi mới và phát triển đất nước.
Những dấu ấn về đào tạo cán bộ ngành đối ngoại
Trong những năm 1980, khi đất nước bị bao vây cấm vận và rơi vào cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội sâu sắc, công tác đào tạo cán bộ trong ngành ngoại giao cũng đứng trước nhiều khó khăn, không chỉ về nguồn lực, tài chính.
Một trong những vấn đề lớn là việc đào tạo chủ yếu dựa trên lý luận, kiến thức của khối Liên Xô - Đông Âu, cung cấp những nền tảng cơ bản song còn nhiều hạn chế, không tiếp cận được nhiều thành quả chung khác của tri thức nhân loại, chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới của Việt Nam cũng như bước chuyển chiến lược của ngoại giao nước ta sang đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại.
Trong tình hình đó, tư duy mới về đào tạo cán bộ theo tầm nhìn, lý luận sáng tạo của thực tiễn cách mạng Việt Nam mà Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch khởi xướng và trực tiếp hoạch định đã tạo nên những đột phá sâu rộng, dài hạn.
Theo chia sẻ của Đại sứ Vũ Dương Huân, nguyên Giám đốc Học viện Ngoại giao, Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch đã cho triển khai hàng loạt sáng kiến giúp xây dựng, đào tạo lực lượng cán bộ nghiên cứu, như thành lập các viện nghiên cứu, ban nghiên cứu; mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nghiên cứu; sử dụng đội ngũ cán bộ trình độ cao để biên soạn giáo trình đào tạo cán bộ.
Cuối những năm 1980 khi công tác tại Tổ Tổng hợp của Vụ Châu Á 3 (Vụ Đông Nam Á- Nam Á- Nam Thái Bình Dương hiện nay), đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga đã có cơ hội tham gia chuẩn bị, tháp tùng lãnh đạo Vụ tham dự nhiều cuộc thảo luận chính sách sôi động bấy giờ về tìm giải pháp cho vấn đề Campuchia do Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch, các đồng chí Lãnh đạo Bộ trực tiếp chủ trì.
Đại sứ Nguyệt Nga chia sẻ, bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch luôn nhấn mạnh nhu cầu cấp bách đổi mới tư duy đối ngoại, trước hết là chuyển mạnh sang cách tiếp cận lợi ích quốc gia một cách đa chiều và tư duy đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ quốc tế phù hợp với tình hình mới; tầm quan trọng có ý nghĩa quyết định của công tác nghiên cứu, đặc biệt là phương pháp tư duy tổng thể và công tác đại sự ký.
Ông nhiều lần dí dỏm ví von cách tư duy hẹp, phiến diện giống như hình ảnh “bốn anh mù sờ con voi”, mỗi anh chỉ cầm một cái chân thì khoe tướng lên hình hài con voi giống cái cột đình (!). Hay như để đào một cái hố sâu, thì người ta cần phải đào rất rộng trước rồi mới đào sâu được.
Nói cách khác, muốn hiểu biết sâu về một vấn đề, một lĩnh vực hay một đối tác, thì cán bộ ngoại giao phải đọc rộng, biết rộng hơn nhiều, phải nắm được nhiều mối quan hệ, các vấn đề liên quan cũng như cần đặt vấn đề đó trong bối cảnh tổng thể tình hình kinh tế, chính trị, an ninh và thậm chí là cả về văn hóa, ở khu vực và thế giới.
Bộ trưởng cũng luôn nhắc nhở, để làm việc hiệu quả, thì phải có phương pháp làm việc khoa học và làm việc theo quy trình hợp lý – tức là phải biết chọn việc ưu tiên mà làm và khi làm thì phải biết nên làm bước nào trước, bước nào sau. Ông lý giải, ai cũng có lượng thời gian trong ngày, trong tuần như nhau, nhưng có người làm được nhiều việc hơn và thành công hơn là do người ta biết chọn ưu tiên, việc chính mà làm và phải biết buông bỏ cái phụ.
Bộ trưởng đã khuyên rằng, trong ngoại giao cũng như trong cuộc sống, chữ tín là quan trọng hàng đầu, vì vậy không bao giờ được nói dối. Các đối tác, nhất là các nhà ngoại giao và nhà báo, đều rất tinh tường, nên nếu nói dối họ thì chỉ được một hay hai lần rồi người ta cũng sẽ nhìn ra. Nhà ngoại giao phải ứng xử khéo léo song phải vừa thể hiện được sự chân thành, như vậy mới tạo được niềm tin và giữ được quan hệ lâu dài.
Chính tấm gương của Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch cùng các thế hệ cha anh đi trước và những trải nghiệm thực tiễn đã giúp cán bộ trẻ chúng tôi bấy giờ học hỏi, rèn rũa rất nhiều về bản lĩnh kiên định, tinh thần đổi mới quyết liệt, tư duy tổng thể và dài hạn, phong cách làm việc khoa học và sáng tạo, ứng xử tinh tế …
Bùi Sĩ Hoa