Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta đã bày tỏ hy vọng với những người đồng cấp ASEAN việc sớm bắt đầu thảo luận về tài liệu có tính ràng buộc pháp lý để quản lý hành xử của các quốc gia tuyên bố chủ quyền tại khu vực tranh chấp Biển Đông.
>> Cố vấn Mỹ: Cần quy tắc ràng buộc về Biển Đông
>> Biển Đông trong chuyến thăm TQ của Tổng bí thư
>> Việt - Trung giữ gìn hòa bình Biển Đông
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta. Ảnh AP |
Ở đảo Bali của Indonesia trong chuyến thăm ba ngày, ông Panetta đã đề cập tới vấn đề tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông trong một cuộc gặp không chính thức. Sau các cuộc hội đàm không chính thức với ông Panetta, các bộ trưởng quốc phòng ASEAN sẽ gặp nhau ở Nusa Dua của Bali.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã đánh giá cao việc thông qua những hướng dẫn để quản lý hành xử ở Biển Đông trong cuộc họp cấp bộ trưởng ASEAN - Trung Quốc hồi tháng 7. Hướng dẫn này nhằm thực hiện Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông mà ASEAN và Trung Quốc đã ký kết năm 2002.
Tiếp theo việc phê chuẩn các hướng dẫn, ASEAN có kế hoạch đưa ra một bộ quy tắc ứng xử khu vực - sẽ là tài liệu có tính ràng buộc pháp lý. "Tôi hoan nghênh thỏa thuận tháng 7 giữa ASEAN và Trung Quốc về việc thực hiện các hướng dẫn cho tuyên bố 2002", ông Panetta nói với những người đồng cấp ASEAN. "Tôi ủng hộ các bạn duy trì động lực này và tiếp tục làm việc hướng tới bộ quy tắc ứng xử có tính ràng buộc. Tôi biết rằng Tổng thống Obama sẽ quan tâm để lắng nghe quan điểm của các bạn tại hội nghị thượng đỉnh Đông Á", ông nhấn mạnh.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đề cập tới hội nghị thượng đỉnh tháng 11 giữa các nhà lãnh đạo ASEAN cùng người đồng cấp từ Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, New Zealand, Nga, Hàn Quốc và Mỹ.
Mỹ đã kêu gọi bộ quy tắc ứng xử và nhấn mạnh tới tự do hàng hải trên các lộ trình vận chuyển biển trong khu vực. "Như chúng tôi nhấn mạnh trước đây, quan điểm của Mỹ về an ninh hàng hải là rõ ràng: chúng tôi có một lợi ích quốc gia trong tự do hàng hải, trong phát triển kinh tế và thương mại không cản trở và trong sự tôn trọng luật pháp quốc tế", ông Panetta nói. "Tôi cũng sẽ nhấn mạnh rằng, trong khi chúng tôi không có vị trí về cạnh tranh tuyên bố chủ quyền, chúng tôi vẫn hy vọng rằng, với sự quan tâm của giải pháp hòa bình, tất cả các bên sẽ làm rõ tuyên bố chủ quyền hàng hải của họ trong điều kiện phù hợp với luật pháp quốc tế cũng như tôn trọng Công ước Luật Biển".
Các thành viên ASEAN bao gồm Brunei, Malaysia, Philippines, Campuchia, Indonesia, Myanmar, Lào, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.
Một nhà ngoại giao ASEAN tham dự cuộc họp với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cho hay, một nhóm làm việc của tổ chức này sẽ bắt đầu thảo luận về bộ quy tắc ứng xử vào ngày 12/11 ở Bali, trước thềm hội nghị thượng đỉnh Đông Á. "Chúng tôi sẽ đưa ra một quan điểm chung của ASEAN về bộ quy tắc ứng xử", nhà ngoại giao cho biết. ASEAN hy vọng có thể đi tới ký kết bộ quy tắc trong năm tới nhân dịp kỷ niệm 10 năm tuyên bố Biển Đông.
Kể từ hôm thứ sáu, ông Panetta đã bắt đầu chuyến công du 8 ngày tới Indonesia, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Thái An (theo Kyodo)