Sáng nay (27/4), tại Phú Thọ, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai (PCTT) tổ chức hội nghị PCTT khu vực miền núi phía Bắc năm 2021.
Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết, đây là lần đầu tiên ông chủ trì hội nghị ở ngoài địa phận Hà Nội trên cương vị Bộ trưởng Bộ NN&PTNT.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan. Ảnh: C.T |
Ông Hoan chia sẻ, ông ước mơ quê hương Đồng Tháp có ngọn núi nhỏ, còn ra đây đồi núi bạt ngàn, nên thơ, nhưng bỗng một lúc lại sạt lở. Mọi vùng miền, nếu nhìn vào kỳ quan thấy nó đẹp, nếu nhìn vào rủi ro thấy bất trắc khó lường.
Bộ trưởng cho hay, cách đây ít ngày ông có xem một bộ phim tài liệu có tựa đề "Thiên nhiên và con người" trên truyền hình, nói về mối quan hệ giữa loài người và thiên nhiên. Thiên nhiên có muôn loài cùng sinh sống, trong đó có loài người. Loài người thông minh nhất, tiến bộ nhất, nhưng loài người lại góp phần làm "mẹ thiên nhiên" nổi giận.
Theo Bộ trưởng, cụm từ "phòng chống" được nói nhiều trong các lĩnh vực, như phòng chống ma túy, phòng chống tác hại của thuốc lá, phòng chống thiên tai...
“Khi có thiên tai chúng ta xúm lại chống, sau đó xử lý, nhưng khi thiên tai qua đi, chúng ta lại quên.
Chúng ta phải tìm được giải pháp căn cơ hơn, cho thế hệ con cháu được sống an toàn hơn. Những hạ tầng nào phải tiếp tục đầu tư, chỗ nào xung yếu cần khắc phục, cần có chiến lược dài hạn trên nền tảng của công nghệ…”, ông Hoan nói.
Theo ông, nếu có chiến lược, giải pháp căn cơ lâu dài thì chúng ta sẽ giảm thiểu được thiệt hại do thiên tai.
Bộ trưởng cũng nhắc lại thông điệp của lãnh đạo Đảng, Nhà nước là không lấy môi trường để đổi lấy phát triển kinh tế.
"Tôi nói vấn đề này không có ý phê bình địa phương nào, mà muốn nói lên chủ trương của lãnh đạo Đảng, Nhà nước là không đánh đổi môi trường lấy kinh tế.
Các địa phương cần tính toán giữa lợi ích trước mắt và lâu dài. Vì phát triển bền vững phải dựa trên 3 trụ cột, đó là tăng trưởng kinh tế, giải quyết được các vấn đề xã hội và giữ được môi trường", ông Hoan nhấn mạnh.
Dự báo thiên tai năm 2021 khó lường
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT, năm 2020, tại khu vực miền núi nước ta, tình trạng mưa lớn kéo dài đã gây ra tình trạng sạt lở đất, lũ quét đặc biệt nghiêm trọng, diện rộng ở nhiều nơi, gây thiệt hại lớn về người và tài sản.
Trong những tháng đầu năm 2021, trong khu vực đã xảy ra một số đợt rét đậm, rét hại, giông lốc, sét, mưa đá, đặc biệt là mặc dù chưa bước vào mùa mưa, song một số địa phương đã xảy ra hiện tượng lũ ống, lũ quét gây thiệt hại về người và tài sản, đây là điều hiếm gặp, báo hiệu một năm thiên tai diễn biến khó lường trong khu vực.
Thiên tai tại khu vực từ đầu năm đến nay đã làm 3 người chết, 1 người bị thương; 320 nhà bị hư hại, tốc mái; 1.086 con gia súc bị chết, thiệt hại về kinh tế ước tính là 25 tỷ đồng.
Ông Mai Văn Khiêm – Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia nhận định, trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 7, khu vực Bắc Bộ sẽ có khả năng xuất hiện những trận giông mạnh xảy ra kèm lốc, sét, mưa đá ở nhiều tỉnh, thành phố.
Từ tháng 4-10, tổng lượng mưa phổ biến xấp xỉ so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ, riêng tháng 4, 5 và các tháng 8, 9 tổng lượng mưa có xu hướng cao hơn trung bình nhiều năm cùng thời kỳ khoảng 10-20%.
Tháng 11 và tháng 12, bước sang giai đoạn ít mưa trên khu vực. Mưa lớn ở khu vực sẽ tập trung nhiều vào thời điểm tháng 6-9, đề phòng mưa lớn cục bộ trong thời đoạn ngắn, nguy cơ cao gây lũ quét và sạt lở đất đá.
Mùa mưa lũ năm 2021, đỉnh lũ trên các trên các lưu vực sông khu vực Bắc Bộ phổ biến ở mức bão động 1 – báo động 2 (BĐ1-BĐ2), riêng thượng lưu sông Thao có khả năng xuất hiện lũ ở mức BĐ2- BĐ3.
Các đợt lũ vừa và lũ lớn sẽ tập trung trong các tháng 8-9. Nguy cơ lũ quét và sạt lở đất xuất hiện sớm tại vùng núi khu vực Tây Bắc và Việt Bắc…
Bài phát biểu của Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan tại hội nghị phòng chống thiên tai, xem TẠI ĐÂY
Nắng nóng ở miền Bắc không gay gắt và kéo dài như năm ngoái
Nắng nóng ở Bắc Bộ và miền Trung sẽ tập trung vào giai đoạn tháng 6-8. Tuy nhiên không gay gắt và kéo dài như năm 2020.
Hương Quỳnh