Chiều 15/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức phiên chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực của Bộ NN-PTNT. Việc tháo gỡ “thẻ vàng IUU” của Ủy ban châu Âu (EC) đối với thủy sản được rất nhiều ĐBQH quan tâm.
Các ĐBQH đều đặt ra câu hỏi, Việt Nam liệu có thể đạt mục tiêu gỡ thẻ vàng IUU trong lần đánh giá thứ 4 của EC vào tháng 10 tới đây không?
Trả lời chất vấn của ĐBQH, Bộ trưởng NN-PTNT Lê Minh Hoan cho biết, trữ lượng thủy sản vùng biển nước ta có 3,95 triệu tấn, nhưng đã khai thác 3,8 triệu. Theo EC, với cường độ khai thác đó, tài nguyên thủy sản sẽ suy giảm.
Về giải pháp. Bộ trưởng khẳng định, cùng với khai thác thì phải nuôi trồng.
Khi đẩy mạnh được nuôi trồng, sẽ chuyển những đội tàu từ hơn 120.000 chiếc xuống hơn 90.000 chiếc. Ông dẫn chứng thêm, ở Thái Lan, ngư trường chỉ bằng 70% so với Việt Nam nhưng họ có đội tàu chỉ 40.000 chiếc.
Bộ trưởng nhấn mạnh, ưu tiên nuôi trồng thủy sản không chỉ giải quyết nguồn thủy sản cho ngư dân mà còn chuyển đổi nghề nghiệp. Cùng với đó, phải có doanh nghiệp đầu tư.
Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng nhìn nhận vấn đề này đang vướng quy hoạch về không gian biển và liên quan đến vấn đề an ninh, quốc phòng, du lịch. Bộ trưởng cho biết, tháng 12 tới đây, Bộ Chính trị sẽ bàn về quy hoạch không gian biển, từ đây sẽ có quy hoạch nuôi trồng ở trên biển. "Đây là biện pháp giải quyết cho bà con giảm khai thác hoặc tự nguyện giảm khai thác", Bộ trưởng chia sẻ.
Nói về việc khó kiểm soát các tàu cá, Bộ trưởng phân tích do tính chất của ngư trường, cá di chuyển theo mùa nên các tàu đánh bắt theo luồng cá di chuyển. Sau khi đánh bắt, tàu sẽ về địa phương có cảng gần nhất, chứ không trở về địa phương nơi mà họ đăng ký.
"Bằng công nghệ số chúng tôi đang chỉ đạo để các tàu cá tuân thủ quy luật di chuyển, dịch chuyển để quản lý, truy xuất nguồn gốc", Bộ trưởng nêu giải pháp.
Bộ trưởng cũng khẳng định, gỡ thẻ vàng IUU không phải mục tiêu duy nhất mà phải giữ gìn trữ lượng và tính đa dạng sinh học đại dương, biển của Việt Nam.
"Nếu gỡ được mà tính bền vững không giữ được thì gỡ thẻ vàng này người ta lại áp dụng thẻ vàng khác", Bộ trưởng Hoan chia sẻ.
Bộ trưởng dẫn lại hai câu nói của Cao ủy EU về Môi trường, Đại dương và Nghề cá: "Nếu chúng tôi không áp đặt thẻ vàng thì Việt Nam còn khai thác kiệt quệ tài nguyên, khi đó ai là người thiệt thòi? Việt Nam thiệt thòi hay EU thiệt thòi? Thứ hai, các ông có thấy công bằng hay không khi người vi phạm và người không vi phạm được như nhau".
Bộ trưởng phân tích, so sánh với Philippines hoặc Thái Lan, cấu trúc ngành hàng của các quốc gia này bền chặt hơn Việt Nam, từ ngư dân tới doanh nghiệp được xây dựng hệ sinh thái ngành hàng. Các quốc gia này sử dụng các biện pháp rất mạnh, như giữa biển khơi đánh đắm tàu vi phạm quy định, chứ không chỉ phạt như Việt Nam.
Phía EC cũng tin tưởng về quyết tâm của Việt Nam khi triển khai "kế hoạch 180 ngày cao điểm chống khai thác IUU"; việc xây dựng Luật Thủy sản và nghị định thi hành Việt Nam đều tham khảo những góp ý từ EC.
Nhưng Bộ trưởng cũng thẳng thắn nêu, EC không tin tưởng về việc thực thi ở cấp địa phương và nhấn mạnh "đây là vấn đề khó khăn, nhất là với tỉnh ven biển nên phải phối hợp hành động".
"Ta hay nghĩ rằng người ta nghèo mà phạt nặng quá thì tội nghiệp người ta. Nhưng chúng ta không biện minh cái nghèo với EU được nữa. Họ cần chúng ta hành động", Bộ trưởng nói.
Ở Việt Nam, gần 60% vi phạm ở các địa phương vẫn chưa được xử lý, Bộ NN-PTNT sẽ chuyển danh sách địa phương nào thường xuyên có tàu vi phạm tới Thủ tướng.
Bộ trưởng khẳng định, đã đến lúc phải xử lý nghiêm, nếu không sẽ không đủ sức răn đe, không có sự thay đổi.