- TQ mua vải từ VN rồi xuất ngược sang Myanmar lấy thương hiệu TQ, chè mua về đóng gói và mang thương hiệu nước họ... Đây là những ví dụ Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho rằng "nguy hiểm", khi trong thống kê thương mại với VN, TQ thường không tính giá trị xuất khẩu qua đường tiểu ngạch nên bị thấp đi.
Tham gia giải trình các vấn đề ĐBQH nêu tại phiên thảo luận kinh tế xã hội ngày 8/6, Bộ trưởng KH&ĐT Bùi Quang Vinh giải trình khá sâu phân tích chi tiết của ĐB Mai Hữu Tín (Bình Dương) liên quan giá trị xuất nhập khẩu giữa VN và TQ chênh lệch lớn.
Ông đồng ý các con số mà ĐB Tín nêu hoàn toàn chính xác nhưng cho rằng lý giải chưa đúng dù thừa nhận việc hải quan xử lý chưa tốt hàng buôn lậu, gian lận thương mại.
Bộ trưởng cho rằng, chênh lệch số liệu lớn như ĐB nêu không hoàn toàn suy luận như vậy. Hiện nay hầu hết xuất nhập của VN với các nước đều có chênh lệch chứ không riêng giữa TQ với VN. Như với Singapore năm ngoái, con số thống kê xuất nhập khẩu của VN với Singapore là 9,8 tỷ USD còn VN thống kê 16 tỷ USD. Hay như với Nga, ta thống kê 3,5 tỷ USD, còn Nga nêu 4,5 tỷ USD.
TQ mua vải, chè VN xuất nước khác đề mác TQ
Bộ trưởng cho hay có 3 nguyên nhân chính. Thứ nhất, do thống kê các nước khác nhau. Thứ hai hàng hóa của VN xuất vào mỗi nước không tính giá trị xuất khẩu qua đường tiểu ngạch, không phải là buôn lậu mà có qua hải quan, TQ không tính con số đó.
Ví dụ, VN năm 2014 tính xuất khẩu nông sản chủ yếu gạo 2,14 tỷ USD, TQ cũng
mặt hàng này nhưng chỉ ghi nhận 0,7 tỷ USD. Trong 7 triệu tấn gạo xuất khẩu
của VN thì trị trường TQ nhập 2,5 triệu tấn chiếm gần 30% nhưng nhập chủ yếu qua
đường tiểu ngạch.
Giá trị hàng VN xuất khẩu sang TQ phía bạn tính thấp đi, ngược lại giá trị xuất
khẩu từ TQ sang VN lại được tính cao lên do tính theo nguyên tắc xuất xứ hàng
hoá (C/O).
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cũng nêu ví dụ khác VN xuất khẩu 40.000 tấn vải nhưng lại báo cáo chỉ có 4.000 tấn do xuất theo tiểu ngạch, trong khi xuất khẩu vải ta sang TQ nhiều xong họ đóng gói xuất nước khác không lấy thương hiệu VN mà lấy thương hiệu TQ và tính là C/O và xuất sang Myamar.
Tương tự chè VN được mua về rồi lại đóng gói và mang thương hiệu của nước họ. Có những nước cũng giả sản xuất thương hiệu hàng hoá uy tín của VN như phích nước Rạng Đông được các thương lái đặt hàng số lượng lớn tại TQ rồi xuất ngược trở về VN.
"Đó là điều nguy hiểm mà chúng ta cũng đang phải đối mặt" - Bộ trưởng cho hay.
XEM BỘ TRƯỞNG BÙI QUANG VINH PHÁT BIỂU:
Thứ ba là cách tính giá trị giá hải quan giữa các nước cũng đang rất khác nhau do cách tính thuế khác nhau. Từ những phức tạp này nên dẫn tới chuyện số liệu thống kê của các nước đưa ra khác nhau. Điều này đã được các nước nhìn nhận và đưa ra giải pháp để thu hẹp khoảng cách chênh lệch này, song thực tế lại rất khó.
"Nói thế để thấy không phải toàn bộ hàng xuất của VN sang TQ và ngược lại là hàng cấm. Đúng là có chuyện giá trị hàng xuất của chúng ta qua TQ còn nhiều hơn con số thống kê thực tế nêu do bà con xuất qua đường tiểu ngạch, 40 năm quản lý thương mại biên giới nên tôi rất thấu hiểu điều này" - Bộ trưởng giải trình.
Thừa nhận có chênh lệch số liệu thống kê, có gian lận thương mại, có buôn lậu..., nhưng Bộ trưởng Vinh cho rằng, không thể nhìn vào con số giá trị này để nêu ra khoảng cách giữa hàng nhập - xuất.
Đã giải ngân 2 tàu đóng cho ngư dân
Trong phần giải trình thêm, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho biết việc triển khai nghị định 67 triển khai thực hiện 16 nghìn tỉ đồng cho biển đảo, trong đó có hỗ trợ ngư dân đóng tàu. Trước các thắc mắc về tiến độ giải ngân vốn chậm, ông cho biết, đến nay đã ký hợp đồng đóng 52 tàu, đang giải ngân 525 tỷ đồng, 2 tàu đã giải ngân xong, 10 tàu giải ngân trên 50%.
Phó Thủ tướng trần tình việc đóng tàu công suất lớn thường mất từ 7 tháng - 1 năm nên tiến độ thực hiện như trên không phải quá chậm. Ông cho rằng, nghị định 67 có hiệu lực từ 25/8/2014. Như thế tới 21/5 năm nay mới gần 9 tháng, cũng đủ để đóng 1 con tàu.
Ông dẫn thêm từ báo cáo của Bộ NN&PTNT cho hay chính sách đã đi đúng hướng, người dân đăng ký tàu lớn, tàu vỏ thép trên 50%. Trong đó tàu dịch vụ hậu cần nghề cá là 78 chiếc.
XEM PHÓ THỦ TƯỚNG GIẢI TRÌNH VỀ CÁC VẤN ĐỀ KINH TẾ:
X.Linh - T.Hằng - C.Hoàng - H.Nhì - Đ.Yên - M.Thăng