Ngày 08/4/2021, Quốc hội đã phê chuẩn bổ nhiệm ông Hồ Đức Phớc - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Kiểm toán Nhà nước giữ chức Bộ trưởng Bộ Tài chính nhiệm kỳ 2021-2026. Nhân dịp này, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đã dành cho Tạp chí Tài chính (TCTC) bài trả lời phỏng vấn chia sẻ về cảm xúc của ông khi đảm đương nhiệm vụ mới, đồng thời Bộ trưởng cũng chỉ rõ những thuận lợi, thách thức cũng như nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của ngành Tài chính trong giai đoạn tới.
TCTC: Xin chúc mừng Bộ trưởng đã được Thủ tướng Chính phủ giới thiệu, được Quốc hội tín nhiệm phê chuẩn giữ cương vị Bộ trưởng Bộ Tài chính. Xin Bộ trưởng chia sẻ cảm xúc của mình khi tiếp nhận nhiệm vụ mới đầy vinh dự nhưng trọng trách cũng rất nặng nề?
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc:
Trước tiên, tôi thấy rất vinh dự và trân trọng biết ơn Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, cảm ơn Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã tin tưởng đề xuất và được Quốc hội tín nhiệm phê chuẩn tôi làm Bộ trưởng Bộ Tài chính. Tôi hiểu rằng, đây vừa là vinh dự nhưng cũng vừa là trách nhiệm to lớn mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân tin tưởng giao cho tôi trong giai đoạn hiện nay.
Để hoàn thành nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó, bản thân tôi luôn xác định ở vị trí công tác mới, phải không ngừng cố gắng tìm tòi, học hỏi, rèn luyện nâng cao tinh thần đoàn kết, chủ động, quyết liệt để cùng với Ban Cán sự Đảng, tập thể Lãnh đạo Bộ và toàn thể cán bộ công chức, viên chức, người lao động trong toàn ngành Tài chính đoàn kết, đồng lòng, chung sức thực hiện nhất quán, hiệu quả sự chỉ đạo, lãnh đạo của Đảng, Nhà nước về công tác tài chính – ngân sách nhà nước (NSNN). Đồng thời, chủ động phối hợp với các bộ, ngành, các cấp chính quyền địa phương, cộng đồng doanh nghiệp (DN) để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao và xây dựng phát triển đất nước.
Tìm hiểu về truyền thống của ngành Tài chính, tôi biết rằng, ngành Tài chính rất vinh dự và tự hào được Bác Hồ nhiều lần đến thăm, dành những lời dạy bảo quý báu về nhiệm vụ của Ngành. Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với công tác tài chính được thể hiện một cách toàn diện trên các quan điểm về những vấn đề trọng yếu của tài chính, về sử dụng tài chính. Những lời dạy ân cần, sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là kim chỉ nam đối với các thế hệ lãnh đạo và mỗi cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ngành Tài chính qua các thời kỳ.
Đặc biệt, Thủ tướng Phạm Văn Đồng là Bộ trưởng Tài chính đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, nhiều lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã từng là Bộ trưởng Bộ Tài chính, Ngành và bản thân tôi tự hào về truyền thống, vì vậy, nhận nhiệm vụ mới, bản thân tôi luôn nghĩ phải lãnh đạo Ngành hoàn thành xuất sắc toàn diện nhiệm vụ, xứng đáng với truyền thống của Ngành, đồng thời, hy vọng rằng, với kinh nghiệm từng đảm nhận nhiều cương vị công tác nhất là nhiệm vụ Tổng Kiểm toán Nhà nước, trực tiếp thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công... sẽ giúp cho tôi có thêm sự tự tin, kiến thức, kinh nghiệm trong quản lý điều hành ở lĩnh vực tài chính quốc gia.
TCTC: Đã từng trải qua nhiều vị trí công tác, làm quản lý từ địa phương tới Trung ương, về nhận nhiệm vụ mới đứng đầu Bộ Tài chính - Bộ đa ngành, đa lĩnh vực, Bộ trưởng nhận thấy thuận lợi và khó khăn thách thức gì đang đặt ra trước mắt?
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc:
Đảm nhận vị trí Bộ trưởng Bộ Tài chính - một bộ quản lý nhà nước đa ngành, đa lĩnh vực là vinh dự, tự hào song cũng là trách nhiệm hết sức lớn lao đối với cá nhân tôi. Nhận nhiệm vụ trong bối cảnh mới, tôi nhận thấy có rất nhiều thuận lợi, trước hết là sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành và cấp ủy, chính quyền các địa phương; sự đồng hành của DN và người dân trong triển khai thực hiện nhiệm vụ tài chính – NSNN; thuận lợi từ những thành quả phát triển kinh tế - xã hội của các nhiệm kỳ trước để lại, thành tích lớn lao quốc tế ghi nhận.
Đặc biệt, sự đoàn kết, đồng lòng, tận tuỵ, chuyên nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Tài chính qua các thế hệ với truyền thống hơn 75 năm xây dựng và phát triển sẽ là tiền đề vững chắc, động lực to lớn để tập thể Ban cán sự đảng, Lãnh đạo Bộ và toàn ngành Tài chính vượt qua khó khăn, thách thức, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi kể trên, việc thực hiện nhiệm vụ tài chính – NSNN vẫn còn đối mặt với một số khó khăn, thách thức. Đó là việc củng cố chính sách tài khóa, cân đối thu - chi NSNN, quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn lực tài chính quốc gia cho phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, kiểm soát chặt chẽ lạm phát, đảm bảo an toàn nợ công, giữ ổn định, phát triển, minh bạch các thị trường, thúc đẩy thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển DN, tập trung nguồn lực thực hiện 3 đột phá chiến lược đặc biệt là cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, hoàn thiện thể chế và phát triển khoa học công nghệ, giữ ổn định phát triển nền tài chính quốc gia trong bối cảnh chịu tác động của đại dịch Covid-19, biến đổi khí hậu, thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn diễn biến phức tạp, gây bất lợi đến sự phát triển kinh tế - xã hội và việc thực hiện các nhiệm vụ tài chính - NSNN.
Bối cảnh đó đòi hỏi ngành Tài chính phải có sự quyết tâm, nỗ lực rất lớn để hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ tài chính - NSNN, góp phần tích cực thực hiện “nhiệm vụ kép” - vừa phòng chống dịch bệnh, vừa duy trì phục hồi và phát triển các hoạt động kinh tế - xã hội, đảm bảo đời sống nhân dân. Từ đó đóng góp vào thành công chung của đất nước trong việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, Kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội 5 năm 2021-2025...
TCTC: Để hoàn thành nhiệm vụ và trọng trách được giao, trong giai đoạn tới, toàn ngành Tài chính cần tập trung những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nào, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc:
Bộ Tài chính là bộ quản lý nhà nước đa ngành, có vai trò đặc biệt quan trọng trong quản lý nhà nước lĩnh vực tài chính của quốc gia. Các chính sách tài khóa, chính sách tài chính ngoài đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, thì vấn đề cốt yếu, trọng tâm vẫn là đảm bảo các cân đối vĩ mô của nền kinh tế, bảo đảm sự an toàn và bền vững của nguồn lực tài chính quốc gia.
Các chính sách tài khóa phải tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi để người dân, DN hăng hái sản xuất kinh doanh tạo ra của cải vật chất, góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế - xã hội. Chính sách triển khai phải thu hút được nguồn lực xã hội, thu hút đầu tư, phát triển công nghệ, phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.
Yêu cầu đặt ra đối với ngành Tài chính trong giai đoạn tới là tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, tinh thần quyết tâm, nỗ lực quyết liệt, sáng tạo, vượt khó để hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, góp phần hiện thực hóa mục tiêu vì một Việt Nam hùng cường và thịnh vượng. Để đạt được mục tiêu đó, tôi cho rằng, cần tập trung vào một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:
Thứ nhất, hoàn thiện, triển khai đồng bộ hệ thống chính sách về kinh tế tài chính, tài chính kế toán, kiểm toán, cải cách hành chính, tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển; Khơi thông và phân bổ các nguồn lực tài chính theo tín hiệu thị trường, tập trung thu hút vốn đầu tư nước ngoài, kết nối chuỗi cung ứng toàn cầu; Thực hiện đầy đủ các cam kết FTA trước đây, đồng thời chủ động triển khai các FTA thế hệ mới, phát huy nội lực, huy động nguồn lực xã hội phát triển đất nước.
Tiếp tục hoàn thiện pháp lý về quản lý NSNN, bảo đảm vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương; Tăng cường cơ chế phân cấp, phân quyền, ủy quyền theo hướng Chính phủ quản lý các cân đối lớn, giữ vai trò định hướng phát triển chung cho cả nước. Xây dựng cơ chế quản lý tài chính ngân sách phù hợp với trình độ phát triển kinh tế của năm đô thị trung tâm: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ và các tỉnh trong cả nước.
Thứ hai, cơ cấu lại thu NSNN, phát triển hệ thống thu hiện đại, nâng cao hiệu quả, hiệu lực thu, chi NSNN, tập trung khắc phục thất thu thực tế và thất thu tiềm năng. Thực hiện đẩy mạnh công nghệ thông tin, dữ liệu số, hoá đơn điện tử, trí tuệ nhân tạo trong công tác thu ngân sách, cải thiện dư địa chính sách tài khóa, nâng cao sức chống chịu của nền tài chính quốc gia trong quản lý, điều hành nền kinh tế, phù hợp với trình độ phát triển, hội nhập quốc tế trong tình hình mới, tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại, áp dụng công nghệ thông tin trong công tác hải quan, cải cách thủ tục hành chính thúc đẩy xuất nhập khẩu phát triển, thuận lợi.
Thứ ba, đẩy mạnh cơ cấu lại chi NSNN trên cơ sở phân định rõ vai trò, chức năng của Nhà nước và thị trường. Đồng thời, triển khai quản lý ngân sách trung hạn; gắn kết chặt chẽ chi đầu tư với chi thường xuyên; mở rộng việc áp dụng các nguyên tắc thị trường trong quản lý, cung ứng dịch vụ hành chính, sự nghiệp công, quản lý, khai thác, sử dụng tài sản công; cải thiện mạnh mẽ hiệu quả, hiệu lực chi tiêu công. Quản lý chặt chẽ bội chi ngân sách và nợ công, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, tăng cường ổn định vĩ mô; đảm bảo nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững.
Thứ tư, quyết liệt thực hiện các mục tiêu Nghị quyết số 19-NQ/TW của Trung ương về về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Phấn đấu hoàn thành các mục tiêu giảm tối thiểu bình quân cả nước 10% đơn vị sự nghiệp công lập; có tối thiểu 20% đơn vị tự chủ tài chính và 100% đơn vị sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác có đủ điều kiện hoàn thành chuyển đổi thành công ty cổ phần...
Thứ năm, khẩn trương hoàn thiện cơ chế cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại DN, nhất là vấn đề xác định giá trị quyền sử dụng đất, tài sản cố định, thương hiệu; Tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát, kiểm toán, không để xảy ra thất thoát vốn, tài sản nhà nước trong quá trình sắp xếp, cổ phần hóa, quản lý và sử dụng vốn nhà nước.
Đến năm 2025, hoàn thành việc sắp xếp lại khối DNNN, tinh gọn số lượng, tập trung nguồn lực đầu tư nhà nước vào các DNNN có vị trí quan trọng, hoạt động hiệu quả gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh; Xử lý cơ bản xong những yếu kém, thua lỗ, thất thoát của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hiện nay...
Thứ sáu, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính; siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính-ngân sách, tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, công khai, minh bạch; phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Phấn đấu đến năm 2025 hoàn thành xây dựng Chính phủ điện tử, chính phủ số ở những lĩnh vực tài chính quốc gia, tài chính công trọng yếu (NSNN, thuế, hải quan, chứng khoán, quản trị vốn nhà nước tại DN…).
Thứ bảy, tập trung, chú trọng khơi dậy và huy động các nguồn lực tài chính từ xã hội, thông qua thúc đẩy phát triển các thị trường tài chính, thị trường chứng khoán, bảo hiểm, thị trường phái sinh… theo cơ chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, từ đó xây dựng nguồn lực tài chính quốc gia ngày càng phát triển lành mạnh, bền vững, phù hợp với thông lệ quốc tế, thúc đẩy hội nhập hiệu quả, nâng cao vị thế của nền kinh tế Việt Nam trên trường quốc tế.
TCTC: Trở thành người đứng đầu ngành Tài chính, Bộ trưởng gửi thông điệp gì đến đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong toàn Ngành, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc:
Đến nay, ngành Tài chính đã có bề dày truyền thống trên 75 năm xây dựng và phát triển, được dày công vun đắp qua nhiều thế hệ, luôn nỗ lực phát huy tinh thần đoàn kết, sáng tạo và nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thách thức để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao.
Đặc biệt, trong những năm gần đây, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, sự nỗ lực của toàn thể cán bộ, công chức, người lao động, ngành Tài chính đã tập trung hoàn thiện thể chế chính sách tài chính; điều hành linh hoạt và hiệu quả chính sách tài khóa, phát triển thị trường tài chính; sắp xếp lại bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh cải cách hiện đại hóa, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân, DN... Tất cả những nỗ lực của cán bộ, công chức, người lao động ngành Tài chính đã xây dựng một nền tài chính trưởng thành về mọi mặt, đóng góp quan trọng và hiệu quả vào công cuộc xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.
Trong bối cảnh đất nước ta đang đứng trước một thời kỳ quan trọng, một giai đoạn phát triển mới như lời khẳng định của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng “Chưa bao giờ đất nước ta có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày hôm nay”, nhiệm vụ của ngành Tài chính nói chung và trách nhiệm của mỗi cán bộ, công chức, viên chức và người lao động nói riêng càng trở nên đầy vinh dự, tự hào nhưng cũng nặng nề hơn bao giờ hết.
Tôi thấy rằng, thế giới luôn biến động, phát triển, đặc biệt khoa học công nghệ đang làm biến đổi phương thức quản lý truyền thống, vì vậy ngành Tài chính phải luôn đổi mới phương thức, sáng tạo trong công tác để chủ động thích ứng thực tiễn, chủ động trong quản lý thuộc lĩnh vực của mình. Ví dụ từ hồ sơ giấy chuyển qua hồ sơ số, chứng từ số, hạch toán số hoặc sự xuất hiện của thương mại điện tử, dịch vụ điện tử, facebook, grab… thì phương thức quản lý thu phải chủ động thay đổi.
Tôi mong muốn và tin tưởng, toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ngành Tài chính tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp vốn có, đoàn kết, đồng lòng, không ngừng học tập, rèn luyện, đổi mới để thực sự trở thành công cụ hữu hiệu của Đảng và Nhà nước trong việc quản lý nền tài chính quốc gia vững mạnh. Ngành Tài chính phấn đấu trở thành một ngành “uy tín, trách nhiệm, chuyên nghiệp và hiện đại”.
Tôi tin tưởng thời gian tới, Ngành sẽ quyết tâm vượt qua mọi thách thức, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ tài chính - ngân sách, củng cố tiềm lực, giữ vững an ninh, an toàn tài chính quốc gia, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đề ra.
Với tình cảm thân thiết, tôi xin chúc đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động các thế hệ trong ngành Tài chính sức khỏe, hạnh phúc và thành công!
Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!
Theo Tạp chí Tài chính