Vấn đề soạn thảo sách giáo khoa (SGK) tiếp tục nhận được nhiều ý kiến thảo luận tại hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách cho ý kiến về luật Giáo dục (sửa đổi) hôm nay.
Tranh cãi "1 chương trình, nhiều SGK"
Phó trưởng đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Đồng Tháp Phạm Văn Hòa cho rằng dự thảo giao cho nhà trường chủ động chọn SGK, tham khảo ý kiến học sinh, phụ huynh "là rất vô lý, vì họ biết gì đâu mà hỏi ý kiến".
Phó trưởng đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Đồng Tháp Phạm Văn Hòa |
Ông Hòa thắc mắc: "Tại sao không có một chương trình một bộ SGK chung để Hội đồng thi ra đề thống nhất?" và cho rằng học nhiều sách nhưng thi chung là không nên. SGK cần ổn định qua nhiều năm để tránh lãng phí.
"Nếu không có bộ sách chung, làm sao có kỳ thi chung được?" ĐB Trần Văn Tiến cũng không đồng tình với một chương trình nhiều bộ SGK và cho rằng làm như vậy có ảnh hưởng đến học sinh, kỳ thi THPT quốc gia. Vì vậy ông nên thống nhất một loại SGK.
ĐB Phạm Thị Thu Trang đề nghị SGK do Hội đồng cấp quốc gia, Chính phủ biên soạn sử dụng được nhiều lần, áp dụng thống nhất cả nước. Trong đó, có phần mở ở một số môn để địa phương biên soạn, giảng dạy về đặc thù của địa phương. Định kỳ 5-10 năm, Hội đồng cấp quốc gia rà soát, cải tiến nâng cao để phù hợp thực tiễn.
ĐB Bùi Văn Phương lại khẳng định "1 chương trình, nhiều bộ SGK" rất phù hợp. Theo ông, sách chỉ là công cụ, phương tiện để thầy cô đưa các em tiếp cận nhanh, tốt hơn với chương trình giáo dục phổ thông. Cho nên, sách nào giúp tiếp cận nhanh và tốt hơn thì được lựa chọn.
Khi đó, nhà nước sẽ tận dụng được chất xám của tri thức trong biên soạn SGK, tránh việc một người biên soạn không có sự cạnh tranh.
Không có chuyện mỗi sách một kiểu, mỗi địa phương một kiểu
Giải trình các ý kiến của các đại biểu, Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, vấn đề này đã được thảo luận nhiều lần và QH thống nhất sẽ có nhiều bộ SGK soạn theo chương trình khung. Điều này cũng được Nghị quyết TƯ và Nghị quyết của QH nêu rõ là 1 chương trình và nhiều SGK.
Ông giải thích thêm: Sẽ có chương trình tổng thể làm pháp lệnh. Theo đó, tất cả trường học sẽ học chương trình tổng thể này qua cách viết khác nhau của các bộ SGK.
Còn 20% nội dung giao cho địa phương biên soạn. Các sách này khi viết xong đều được đưa về Bộ thẩm định để thống nhất tổng thể mới ban hành.
Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ |
Ngoài ra, còn có Hội đồng thẩm định SGK đánh giá cuốn sách đó trước khi Bộ trưởng ký cho phép ban hành.
"Không có chuyện mỗi sách một kiểu, mỗi địa phương một kiểu. Việc này có những cái tốt và cái hạn chế. Nhưng về xu hướng quốc tế là như thế, chúng ta cũng không thể làm một bộ", Bộ trưởng GD-ĐT khẳng định.
Theo ông, ý nghĩa quan trọng của quy định "1 chương trình, nhiều SGK" là để làm sao thu hút được nhiều người giỏi, nhiều người có điều kiện, đặc biệt quan trọng hơn nữa khuyến khích các giáo viên chủ động sáng tạo thiết kế bài giảng, chương trình giảng.
"Tránh trường hợp cứ dựa vào tài liệu sách giáo khoa như một tài liệu đóng khung dẫn đến cứng nhắc thầy dạy trò chép", người đứng đầu ngành giáo dục nhấn mạnh.
Bộ GD-ĐT sẽ tổ chức tuyển chọn chủ biên, tác giả viết SGK mới
Ông Nguyễn Xuân Thành, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD-ĐT) cho biết Bộ sẽ tổ chức tuyển chọn các chủ biên, tác giả để biên soạn bộ SGK do Bộ chủ trì ngay trong tháng 3 này.
Thu Hằng