Người dân mong những lời nói của các vị bộ trưởng nói riêng, các quan chức nói chung sẽ đi đôi với việc làm, những việc đã bắt đầu sẽ được làm đến cùng và có ý nghĩa thực tiễn.
Từ chuyện Bộ trưởng đăng ký hiến tạng…
Người Việt với quan niệm truyền thống phương Đông “chết phải toàn thây”, còn rất xa lạ với việc hiến tạng. Chính vì thế mà suốt 5 năm qua, mới có 26 người đăng ký hiến tạng – quá ít ỏi so với dân số gần 90 triệu của đất nước.
Mặt khác, việc này không chỉ nằm trong quyết định của người có tạng hiến, mà còn nằm trong tay gia quyến của họ nữa. Chắc gì họ đã đồng ý để bệnh viện đưa thân xác người thân đi mổ xẻ.
Có thể thấy, rào cản tâm lý, quan điểm xã hội đối với vấn đề này là rất lớn.
Vị Bộ trưởng đứng đầu ngành Y - sát sườn và hiểu quá rõ nhu cầu của việc hiến mô tạng cũng đã đăng ký hiến tạng. Người dân, vốn đã không ít lần chứng kiến sự khác biệt giữa nói và làm, giữa hành động và động cơ của các quan chức, đương nhiên sẽ có những con mắt hoài nghi.
Nhưng dù nhìn nhận ra sao, thì xét từ góc độ nhân bản, đây là một việc làm tốt, một nghĩa cử cao đẹp. Và đứng từ góc độ trách nhiệm một vị bộ trưởng, đây là hành động “làm gương”, nhằm góp phần thay đổi mạnh mẽ nhận thức xã hội, có tác dụng động viên mọi người cùng tham gia, ngõ hầu cứu cuộc sống của bao bệnh nhân.
Nhìn rộng ra, chúng ta không thiếu những khẩu hiệu, những lời hô hào. Nhưng những quan chức dùng chính hành động, cuộc đời mình làm tấm gương hẳn không phải… thường gặp.
...đến chuyện chính khách làm gương, “vi hành”
Cách đây một số năm, tôi từng đọc một bài báo về một vị bộ trưởng, khi làm Bí thư tỉnh ủy đi xe đạp, ăn cơm hộp. Đây cũng là một tấm gương mà tôi tin ông làm như vậy là thật lòng, không hề “màu mè”.
Về tỉnh lẻ, chỗ làm với chỗ ở không quá xa, xe cộ ít… đi xe đạp vừa tiết kiệm cho ngân sách, vừa lợi về sức khỏe. Nhưng nếu ông đi công tác xuống huyện cách vài chục cây số mà đi xe đạp lại thì lại khác. Ông sẽ cần thời gian để giải quyết công việc của Đảng bộ chính quyền tỉnh, lại đạp xe nắng mưa, chắc gì đã đảm bảo sức khỏe để công tác. Sự giản dị, phong cách tiết kiệm phải đi đôi với tính phù hợp điều kiện thực tế, chứ nếu để nó thái quá, e lại thành phản tác dụng.
Cách đây vài năm, báo chí và MXH xôn xao hình ảnh vị Bộ trưởng đứng đầu ngành giao thông đích thân bám dây, leo xuống vực tới hiện trường một vụ tai nạn lật xe khách. Đương nhiên không phải thiếu những ý kiến rằng ông đang “biểu diễn”, “lấy lòng” hay tầm bộ trưởng phải quyết việc lớn, thay vì sa vào sự vụ.
Việc lãnh đạo ngành giao thông đích thân bám dây xuống vực tới hiện trường một vụ tai nạn lật xe khách từng gây xôn xao. Ảnh: Nguyễn Khánh/Tuổi trẻ |
Nếu đọc lại những truyện, ký… về thời con đường mòn Hồ Chí Minh huyền thoại, sẽ thấy Bộ trưởng giao thông đu dây, trèo đèo lội suối thời chiến tranh là bình thường. Nhưng mấy chục năm gần đây sau đổi mới, rõ ràng chính khách của ta đã được “sa-lông hóa” nhiều lắm.
Không chỉ một lần chính vị bộ trưởng này xuất hiện ở “điểm nóng” với phương châm “quyết tại chỗ”. Nếu ai từng có “cơ duyên” tiếp xúc với bộ máy công quyền của chúng ta, đặc biệt ở địa phương, mới thấy tính trông chờ ỷ lại của bộ máy lớn đến cỡ nào. Việc một vị Bộ trưởng dám đến hiện trường, dám quyết, dám chỉ đạo… chắc chắn tạo chất xúc tác cho bộ máy đó và thúc đẩy công việc được xử lý nhanh chóng hơn.
Cũng chính vị Bộ trưởng “đu dây” này từng quyết định sẽ đi xe bus hàng tuần. Từ đó đến nay, không rõ là quyết định này được thực hiện đến đâu, hay là vì trăm công nghìn việc mà kế hoạch đã bị gián đoạn chăng.
Nhắc đến xe bus, chúng ta lại nhớ chuyện một vị bí thư thành ủy cũng từng “vi hành” xe bus để cảm nhận được “hương vị của giao thông công cộng” thành phố.
Còn “vi hành”, chính vị Bộ trưởng đăng ký hiến tạng cũng từng “bất ngờ” xuất hiện ở một chợ đầu mối vào sáng sớm tinh mơ để kiểm tra công tác kiếm dịch, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Nhưng “vi hành” chỉ là cách mô tả của báo chí. Còn thực chất, họ chỉ đang thực hiện chức phận của mình, dù rằng nếu tiến hành theo cách ít “tiền hô hậu ủng” hơn, chắc chắn việc làm của họ sẽ đỡ “màu mè”, và thực tiễn thu nhận được sẽ dồi dào hơn rất nhiều.
Khi các quan chức làm khác đi với cách thức cũ kỹ, ì ạch, quan liêu, ít nhiều họ đem lại cách nhìn, không khí khác biệt và xã hội cần những hành động làm gương như vậy.
Nhưng để “tấm gương” luôn luôn sáng, những hành động đó cần phải được thực hiện thường xuyên. Nói là một chuyện, làm lại là một chuyện khác. Làm lần đầu là một chuyện, và làm được đến cùng lại là một chuyện khác. Làm đến cùng là một chuyện, nhưng đã làm thì phải có hiệu quả, lại là một chuyện khác nữa.
Chẳng hạn, hiến tạng là cam kết của thì tương lai, chưa thể xác định thời điểm thực hiện. Nhưng còn chuyện “vi hành” chợ, từ đó đến nay đã có giải pháp gì để người dân yên tâm thay vì cứ thỉnh thoảng lại nghe tin có vụ ngộ độc thực phẩm nhập viện cả vài chục người hay chưa?
Rồi vị tư lệnh ngành giao thông đi xe bus tác dụng của nó phải nằm ở chỗ khác. Đó là, ông phải nhìn thấy những khiếm khuyết của giao thông đô thị, những khiếm khuyết của phương tiện giao thông công cộng, tình trạng kẹt xe, các công trình giao thông dang dở chưa biết bao giờ kịp tiến độ…
Tất cả chúng ta đều mong những lời nói của các vị bộ trưởng nói riêng, các quan chức nói chung sẽ đi đôi với việc làm, những việc đã bắt đầu sẽ được làm đến cùng và có ý nghĩa thực tiễn. Nhân dân luôn công bằng, những gì họ làm cho dân, cho nước, người dân sẽ không quên.