Trong Hội nghị định hướng công tác của Bộ LĐ -TB&XH năm 2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh: “Bộ LĐ-TB&XH là Bộ hiện thân của lòng nhân văn của một Quốc hội, của một Chính phủ phục vụ nhân dân từ người lao động đến người có công cho đến những người dễ bị tổn thương… và một trong những nhiệm vụ mà Bộ LĐ-TB&XH cần tập trung trong năm 2018 là khẩn trương xây dựng đề án cải cách tiền lương, đề án cải cách chính sách bảo hiểm xã hội…”.
Đây cũng là chủ đề của cuộc trao đổi đầu năm mới của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung với các cơ quan báo chí.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trả lời phỏng vấn PV Ban thời sự VTV1 nhân dịp Tết Mậu Tuất 2018
PV: Thưa Bộ trưởng, An sinh cho mọi đối tượng trong xã hội là nhiệm vụ của ngành LĐ-TBXH. Trong khi dân số đang già hóa, số người tham gia bảo hiểm xã hội – tức là có chỗ dựa khi về già còn quá ít như hiện nay thì Bộ trưởng nhìn nhận những thách thức nào đang đặt ra với an sinh xã hội?
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung:
Bảo đảm an sinh xã hội là chủ trương nhất quán và xuyên suốt của Ðảng, Nhà nước. Để mọi người dân đều được bảo đảm an sinh xã hội là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị trong đó có Bộ LĐ-TB&XH.
Bảo hiểm xã hội là chính sách xã hội quan trọng và là trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, góp phần thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm ổn định chính trị - xã hội và phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh những kết quả đã đạt được, thì diện bao phủ BHXH vẫn còn thấp là một trong những hạn chế của chính sách BHXH. Theo số liệu thống kê tính đến hết năm 2017, cả nước mới có hơn 13,9 triệu người tham gia BHXH (chiếm 29% lực lượng lao động trong độ tuổi) nghĩa là số người được hưởng hưu trí khi về già thấp.
Trong bối cảnh già hóa dân số đang diễn ra với tốc độ rất nhanh ở Việt Nam (số người tham gia đóng góp ngày càng giảm dần, số người thụ hưởng ngày một gia tăng), hệ thống an sinh xã hội, đặc biệt bảo hiểm xã hội sẽ phải đối mặt với những thách thức sau:
(1) Đảm bảo thu nhập cho người cao tuổi
trong điều kiện diện bao phủ BHXH thấp.
(2) Phạm vi chế độ ngày càng mở rộng
từ nhu cầu cơ bản đến hầu hết rủi ro phát sinh trong quá trình lao động.
(3) Nguồn lực tài chính
của các bên tham gia BHXH nhằm “tạo điều kiện để người dân nâng cao khả năng
tự bảo đảm an sinh
” vẫn còn hạn chế.
PV: Nỗi lo mất cân bằng quỹ hưu trí cũng là một thách thức về lâu dài. Nhưng thưa Bộ trưởng, liệu có gì mâu thuẫn khi chính người lao động còn dè dặt khi tham gia BHXH và nếu có tham gia thì nhiều người lại lĩnh BHXH một lần khi tuổi chưa già?
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung:
Cân đối giữa đóng – hưởng nhằm đảm bảo an toàn nguồn tài chính của quỹ BHXH sẽ góp phần tạo nên một hệ thống bảo hiểm xã hội bền vững. Đây là vấn đề luôn được các quốc gia có hệ thống bảo hiểm xã hội hết sức quan tâm, đặc biệt trong bối cảnh già hóa dân số.
Chính sách BHXH ở Việt Nam được các tổ chức quốc tế đánh giá là một trong những chính sách BHXH có mức hưởng cao nhất thế giới; tỷ lệ hưởng lương hưu tối đa lên tới 75%.
Như vậy có thể thấy, việc tham gia BHXH ở Việt Nam là hoàn toàn có lợi cho người lao động. Tuy nhiên trên thực tế một số người lao động còn dè dặt khi tham gia BHXH và trong số những người đã và đang tham gia thì nhiều người lại lựa chọn giải pháp lĩnh BHXH một lần, chấp nhận tuổi già không có lương hưu. Thực trạng này cho thấy một số vấn đề về (i)
nhận thức
về tính ưu việt của chính sách bảo hiểm xã hội của một bộ phận người dân còn thấp; (ii)
văn hóa “tự bảo đảm an sinh”
chưa được hình thành trong xã hội; và (iii)
niềm tin của người dân
nói chung và người lao động nói riêng vào hệ thống bảo hiểm xã hội có phần bị giảm sút. Và một trong những giải pháp để định hướng người lao động ở lại, tiếp tục tham gia vào hệ thống chính sách BHXH, để đảm bảo khoản thu nhập khi hết tuổi lao động, về già chính là việc phải củng cố niềm tin này thông qua những định hướng rõ ràng của Đảng, Nhà nước trong thực hiện cải cách hệ thống chính sách BHXH; tiếp tục khẳng định vai trò của Nhà nước trong việc bảo đảm an toàn tài chính quỹ BHXH, đảm bảo khả năng chi trả đối với mọi người dân trong thụ hưởng chính sách BHXH.
PV: Phải chăng trong đề án cải tổ (cải cách) chính sách BHXH mà Bộ LĐ-TB&XH đang xây dựng thì một nội dung được đặt ra có phải là củng cố niềm tin về chính sách, về lợi ích của BHXH?
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung:
Vấn đề tạo dựng, củng cố niềm tin của người dân đối với hệ thống các chính sách, pháp luật của Nhà nước nói chung và trong đó có chính sách BHXH là một công việc cần phải được làm thường xuyên và lâu dài. Một chính sách tốt và phát huy được hiệu quả khi được đông đảo người dân tin tưởng và ủng hộ.
Thông qua việc hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật về BHXH theo hướng ngày càng phù hợp, công bằng, linh hoạt, minh bạch sẽ góp phần quan trọng tạo dựng niềm tin vững chắc của người dân. Bộ Đ-TB&XH tham mưu, đề xuất cùng với các giải pháp để thúc đẩy, mở rộng mạnh mẽ hơn phạm vi bao phủ của chính sách.
Song hành cùng với đó là vai trò của các cơ quan, tổ chức trong đó có sự tham gia đặc biệt có hiệu quả của các cơ quan truyền thông, báo chí trong việc cung cấp thông tin, phản ánh đúng bản chất, ý nghĩa và nội dung của chính sách để người dân được biết, được hiểu đầy đủ về chính sách để từ đó tin tưởng và tham gia.
PV: Nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế đã đặt vấn đề là thay đổi cơ chế đóng – hưởng như hiện nay, tức là đóng ít, hưởng ít, đóng nhiều hưởng nhiều, hướng tới xây dựng hệ thống BHXH đa tầng, ai cũng có thể tham gia. Bộ trưởng đánh giá thế nào về quan điểm này?
Xây dựng một hệ thống bảo hiểm hưu trí hướng tới việc bao phủ toàn dân, hay nói cách khác là thiết kế chính sách để tạo nên một lưới an sinh xã hội rộng khắp để mọi người dân đều có cơ hội thụ hưởng từ chính sách hưu trí khi hết tuổi lao động, về già là mục tiêu mà Đảng và Nhà nước ta luôn hướng tới.
Theo đó chương trình hưu trí đa tầng sẽ tạo điều kiện cho mọi người dân có cơ hội tiếp cận chính sách; hướng tới việc mọi người đều có một khoản lương hưu nhất định khi về già. Bên cạnh đó, chính sách cũng sẽ tạo điều kiện cho những ai có khả năng thì có thể tham gia đóng góp để nhận được nhiều nguồn lương hưu khác nhau.
Ngoài nguyên tắc đóng - hưởng, hay nói cách khác là đóng nhiều - hưởng nhiều, chương trình hưu trí đa tầng cũng sẽ tính đến nguyên tắc chia sẻ giữa những người cùng tham gia đóng góp vào hệ thống BHXH.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trả lời phỏng vấn các cơ quan báo chí nhân dịp Tết Mậu Tuất 2018
PV: Thưa Bộ trưởng, vấn đề mà mọi người lao động đang quan tâm là đề xuất sửa đổi Bộ luật Lao động: Nâng tuổi nghỉ hưu. Đề xuất này có liên quan gì để cải cách chính sách BHXH và người lao động sẽ hưởng lợi gì từ đề xuất này?
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung:
So với cơ cấu dân số, tuổi thọ của người dân Việt Nam thì tuổi nghỉ hưu chính thức 55 đối với nữ và 60 đối với nam là thấp. Nhiều nước đã và đang nâng dần tuổi nghỉ hưu và trong nhiều trường hợp quy định tuổi nghỉ hưu giống nhau cho cả nam và nữ. Hầu hết các nước chuyển đổi trong khu vực châu Âu và Trung Á đã nâng tuổi nghỉ hưu lên 63–65 tuổi (thông thường tăng thêm 6 tháng sau mỗi năm) và một số nước OECD hiện nay đã quy định tuổi nghỉ hưu là 67 tuổi (riêng Úc thông báo sẽ tăng lên 70 tuổi). Bức tranh tại các nước Đông Á Thái Bình Dương khá lẫn lộn: các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Phi-lip-pin, Đặc khu Hồng Kông (Trung Quốc) đã quy định tuổi nghỉ hưu chính thức là 65 trong khi các nước khác quy định tuổi nghỉ hưu 60 (và tại hầu hết các nước quy định tuổi nghỉ hưu nam và nữ như nhau). Các nước có tuổi nghỉ hưu dưới 60 cũng đang xem xét nâng lên (Ví dụ Bộ trưởng Nguồn nhân lực và An sinh xã hội Trung Quốc tuyên bố rằng Trung Quốc sẽ nâng dần tuổi nghỉ hưu lên 65. In-đô-nê-xi-a cũng mới thông qua luật nâng dần tuổi nghỉ hưu lên 65 vào năm 2026).
Nâng tuổi nghỉ hưu chính thức tại Việt Nam là hoàn toàn hợp lý vì một số lý do như sau:
Thứ nhất, tuổi thọ trung bình của những người 60 tuổi tại Việt Nam là 22 năm. Ngoài ra, yếu tố quan trọng khác là số năm khỏe mạnh của những người 60 tuổi là 13,8 năm đối với nam và 16,1 năm đối với nữ trong năm 2010. Như vậy có nghĩa là đa số mọi người đều còn khả năng lao động sau tuổi 60 nhiều năm nữa (theo WHO, 2014).
Thứ hai, số liệu điều tra hộ gia đình tại Việt Nam cho thấy trên ½ nam giới trên 60 và nữ giới trên 55 tại khu vực đô thị vẫn làm việc sau khi nghỉ hưu.
Thứ ba, kể từ năm 2018 dân số Việt Nam sẽ già hóa nhanh chóng. Như vậy có nghĩa là nếu chậm trễ tăng tuổi nghỉ hưu thì sau này sẽ bị buộc phải tăng với tốc độ nhanh hơn. Làm như vậy có thể dẫn đến mất ổn định xã hội.
Thứ tư, vấn đề công bằng. Tỉ lệ số người được hưởng bảo hiểm xã hội hiện nay chỉ chiếm 20% lực lượng lao động, và hầu hết nằm trong khu vực chính thức, tức là những nhóm vốn đã có điều kiện kinh tế tốt hơn những nhóm khác. Khoản hỗ trợ “ngầm” mà nhóm này được hưởng do được nghỉ hưu sớm là không công bằng đối với đa số còn lại- những người phải làm việc với thời gian lâu hơn.
Khoảng cách về tuổi nghỉ hưu giữa nam và nữ tồn tại dai dẳng cũng đi ngược lại xu thế hội tụ tuổi nghỉ hưu quốc tế và trong khu vực
.
Trên thực tế EU coi quy định tuổi nghỉ hưu khác nhau giữa nam và nữ là phân biệt đối xử và vì vậy cấm quy định này. Tuổi nghỉ hưu thống nhất cũng phù hợp với thực tế là phụ nữ có tuổi thọ trung bình cao hơn nam, và trong hệ thống ấn định mức hưởng như tại Việt Nam thì thời gian phụ nữ hưởng chế độ cũng dài hơn nhiều so với nam giới. Hầu hết các nước trong khu vực Đông Á Thái Bình Dương quy định tuổi nghỉ hưu nam và nữ như nhau (trừ Việt Nam, Trung Quốc, Mông-cổ).
Như vậy, việc điều chỉnh nâng dần tuổi nghỉ hưu là một trong những xu hướng tất yếu và phù hợp với khả năng, điều kiện lao động, sức khỏe của người lao động nói chung; nhằm tận dụng và phát huy khả năng đóng góp của lực lượng lao động mới trong bối cảnh già hóa dân số. Vì tuổi nghỉ hưu liên quan đến quy định của pháp luật về lao động và vấn đề về đảm bảo lương hưu sau khi hết tuổi lao động cho nên được đề cập tới trong cả Dự án Bộ Luật lao động sửa đổi và Đề án cải cách chính sách BHXH.
PV: Có nên hạn chế việc lĩnh BHXH một lần để tăng số người trong độ tuổi lao động có lương hưu khi về già, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung:
Hưởng BHXH một lần là việc người lao động lựa chọn quy đổi toàn bộ quá trình tham gia BHXH trước đó sang để nhận một khoản tiền trợ cấp một lần và chấp nhận bỏ đi cơ hội để được nhận lương hưu hàng tháng khi hết tuổi lao động. Việc làm này là hoàn toàn không có lợi cho người lao động và cũng sẽ góp phần vào việc giảm tỷ lệ số người lao động khi hết tuổi lao động được hưởng lương hưu hàng tháng.
Tôi cho rằng giải pháp hiệu quả nhất trong vấn đề này chính là việc hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật về BHXH; cùng với đó là công tác thông tin, tuyên truyền để mọi người lao động được biết và được hiểu đầy đủ về chính sách; củng cố niềm tin của người dân đối với hệ thống chính sách để tự bản thân mỗi người lao động sẽ quyết định ở lại thay vì việc ra khỏi hệ thống chính sách BHXH và mất đi cơ hội được đảm bảo thu nhập khi tuổi già.
Nhân dịp Xuân Mậu Tuất 2018, tôi xin được gửi lời chúc mừng năm mới tới toàn thể quý khán giả của Đài Truyền hình Việt Nam và nhân dân cả nước một năm thật nhiều sức khỏe, hạnh phúc và thành công!
PV:Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!