XEM VIDEO

Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh chiều nay, ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) đề cập đến việc thời gian gần đây trang báo điện tử đăng nhiều thông tin về việc cài cắm hình ảnh đường lưỡi bò của Trung Quốc vào hàng hoá ở Việt Nam như quả địa cầu, ô tô gắn định vị, phim ảnh.

"Hải quan phát hiện xử lý nhiều vụ, số đã bán đến người tiêu dùng hết sức nguy hại. Trách nhiệm của Bộ trưởng về vấn đề này và có biện pháp rà soát nào để không để tái diễn hình ảnh tương tự như trên làm ảnh hưởng đến người dân?", ĐB tỉnh Đồng Tháp chất vấn.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh trả lời, với các phần mềm điện tử trong các sản phẩm ô tô nhập khẩu có bản đồ đường lưỡi bò, vi phạm chủ quyền an ninh quốc gia, đây là một hiện tượng mới xuất hiện.

{keywords}
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Ô tô nhập khẩu có bản đồ đường lưỡi bò là một hiện tượng mới xuất hiện

Trước đây đã có một số sản phẩm tương tự về văn hoá nghe nhìn chúng ta đã có những biện pháp xử lý. Tuy nhiên, đối với ô tô nhập khẩu phục vụ triển lãm là sự kiện mới.

“Ngay sau khi xảy ra sự việc, chúng tôi đã tổ chức rà soát, kiểm tra lại. Trước mắt, chúng tôi thống nhất với Tổng cục Hải quan, đối với ô tô để phục vụ cho triển lãm, chúng ta tổ chức tịch thu sung công, sau đó có biện pháp để phối hợp với cơ quan chức năng rà soát pháp lý để đảm bảo sự quản lý chặt chẽ hơn, tránh những trường hợp lợi dụng trong tương lai tương tự”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.

Bộ trưởng Công thương cho hay, đã nghiêm túc yêu cầu DN phải triệu tập và thu hồi toàn bộ ô tô đã nhập khẩu vào Việt Nam và có hiện tượng trong phần mềm dẫn đường có đường lưỡi bò.

“Chúng tôi tạm thời cho dừng giấy phép kinh doanh nhập khẩu ô tô và kinh doanh tại Việt Nam cho đến khi DN này phải thực hiện xong các phần trách nhiệm của mình.

Cũng qua đây, chúng tôi thấy có một lỗ hổng pháp lý mà các bộ, ngành, trong đó có Bộ Công thương, Tổng cục Hải quan, Bộ VH-TT-DL, Bộ TT&TT sẽ tiếp tục rà soát lại để đảm bảo không xảy ra hiện tượng này trong tương lai. Chúng ta sẽ hoàn thiện về mặt pháp luật và thể chế”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

25 mặt hàng xuất đi Hoa Kỳ có nguy cơ bị lợi dụng

Ngoài ra, ĐB Hòa cũng nêu tình trạng thời gian gần đây, hàng hoá Trung Quốc được gắn nhãn mác Việt Nam để xuất khẩu tiêu dùng.

"Hàng hoá đó đi vào con đường nào mà nhập vào Việt Nam để làm giả tạo, mặt khác sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường châu Âu, Hoa Kỳ đang có nguy cơ gian lận xuất xứ. Trách nhiệm của Bộ trưởng về vấn đề này và có biện pháp ra sao để phòng ngừa, ngăn chặn nội dung này?", ông Hòa chuyển câu hỏi này đến Bộ trưởng Bộ Tài chính.

{keywords}
ĐB Phạm Văn Hòa

Trả lời, Bộ trưởng Công thương cho hay, Chính phủ đã rất chủ động để xây dựng các đề án lớn về phòng vệ thương mại và chống gian lận xuất xứ cũng như chống chuyển tải bất hợp pháp trong các hoạt động xuất nhập khẩu và đầu tư tại Việt Nam với 5 nhóm nhiệm vụ được phân công cho các bộ, ngành.

“Bộ Công Thương đã chủ động có cơ chế chính sách để thông báo kịp thời cho Bộ KH-ĐT cũng như các tỉnh để quản lý chặt chẽ hơn và khuyến nghị để kiểm soát hoạt động đầu tư, tránh chuyển tải bất hợp pháp”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.

Tổng cục Hải quan của Bộ Tài chính có danh sách cảnh báo sớm về các nguy cơ gian lận thương mại trong một số mặt hàng.

“Hiện nay có tới 25 mặt hàng chúng ta xuất khẩu đi Hoa Kỳ và các nước khác đang có nguy cơ bị lợi dụng, trong đó có những mặt hàng rất cao như điện tử, gỗ dán, dệt may, da giày…”, ông nêu thực tế.

Mới đây nhất, Bộ đã báo cáo Thủ tướng cho phép xây dựng thông tư cho tạm dừng việc nhập khẩu, tạm nhập khẩu cũng như chuyển tải xuất khẩu các mặt hàng gỗ dán Hoa Kỳ.

Đây là mặt hàng có tăng trưởng lên tới hơn 400% trong thời gian vừa qua. Điều này đã gây nguy cơ lớn cho câu chuyện gian lận thương mại và gian lận xuất xứ đi Hoa Kỳ.

Người đứng đầu ngành Công thương cho biết, Bộ đang tiếp tục phối hợp với các hiệp hội ngành hàng tổ chức khuyến nghị, cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời cảnh báo về nguy cơ bị trừng phạt thương mại cũng như bị áp thuế trong các hoạt động khác.

Hiện nay có rất nhiều sản phẩm của các nước khác bị áp thuế của Hoa Kỳ, EU và nhiều nước cả về thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp. Họ tìm cách lợi dụng những sản phẩm có xuất xứ của Việt Nam để xuất khẩu đi những nước này.

“Vì vậy, việc cảnh báo, cung cấp thông tin kịp thời cho các hiệp hội, ngành hàng là nội dung cần thiết và chúng ta đã triển khai trong thời gian vừa qua”, Bộ trưởng Công thương nhấn mạnh.

Asanzo, Khải Silk có đơn thuần là gian lận thương mại?

ĐB Nguyễn Tiến Sinh tranh luận tiếp về vấn đề này: “Tôi thấy Bộ trưởng cần giải trình rõ hơn về vấn đề hàng Trung Quốc đội lốt hàng nhái, hàng Việt và phòng vệ của Việt Nam”.

{keywords}
ĐB Nguyễn Tiến Sinh: Kinh tế Việt Nam là kinh tế mở hay kinh tế hở?

ĐB Sinh cho rằng, vấn đề quan trọng nhất của Bộ chưa trả lời được, đó là lỗ hổng rất lớn về pháp luật hàng rào kỹ thuật chưa đủ mạnh để kiểm soát tình hình.

Đặc biệt sự công khai minh bạch về quy định hàng Việt Nam là thế nào, chính sự thiếu minh bạch này đã làm cho nhiều doanh nghiệp như kiểu Asanzo không biết mình có vi phạm không.

“Như vậy đẩy người dân và DN vào thấy rủi ro rất cao. Asanzo, Khải Silk có đơn thuần là gian lận thương mại hay không? đề nghị Bộ trưởng cần nói rõ hơn về vấn đề này? Kinh tế Việt Nam là kinh tế mở hay kinh tế hở? DN Việt Nam chết ngay trên sân nhà là điều đang diễn ra chúng ta sẽ có giải pháp gì để hỗ trợ cho các DN và hàng hoá của họ trong giai đoạn hiện nay?".

Câu hỏi này sẽ được Bộ trưởng Công thương trả lời vào sáng mai.

Thu Hằng - Trần Thường - Hương Quỳnh

Bộ trưởng và 3 thứ trưởng nêu giải pháp loại bỏ bản đồ 'đường lưỡi bò'

Bộ trưởng và 3 thứ trưởng nêu giải pháp loại bỏ bản đồ 'đường lưỡi bò'

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP, Thứ trưởng 3 Bộ GD&ĐT, VHTT&DL, Công thương nêu ra các giải pháp phát hiện, ngăn chặn bản đồ 'đường lưỡi bò' lọt vào trong nước.