Sau khi nhận tin GDP quý I, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Bùi Quang Vinh thấy choáng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình giật mình, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh thì bất ngờ.

Đó là những cảm xúc được các Bộ trưởng và lãnh đạo Chính phủ chia sẻ tại cuộc họp Tổ điều hành kinh tế vĩ mô chiều tối 30/3.

GDP quý I tăng 6,03%

"Khi nghe tin tăng trưởng kinh tế Quý I 6,03%, quả thật là hơi giật mình. Vì vừa hôm trước, chưa có số liệu chính thức, anh em chúng tôi đều hào hứng, phấn khởi, lạc quan nhưng với dự tính có lẽ GDP quý I chỉ 5,6%", Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình chia sẻ.

Ông Bình cho biết, chúng tôi đã kiểm tra kỹ lưỡng, con số này là chính xác. Bởi có nhiều yếu tố tích cực đã làm GDP tăng trên 6%, như sản xuất công nghiệp chế tạo, khai khoáng, khí đốt, dầu thô tăng. Nếu loại bỏ các yếu tố này thì GDP sẽ chỉ tăng đúng khoảng 5,6%.

{keywords}
Thủ tướng chủ trì họp

Tổ điều hành kinh tế vĩ mô chiều tối 30/3.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư, ông Bùi Quang Vinh kể lại: "Khi tôi đi công tác ở Úc, New Zealand, anh Lâm (Nguyễn Bích Lâm, Tổng Cục trưởng Tổng Cục Thống kê) có nhắn GDP quý I, tôi hơi choáng. Vì quý I năm ngoái, GDP chỉ có 5,06%, mà năm nay, lại tăng 6,03%, thậm chí lúc đó còn dự báo khoảng 6,27%, gần 6,3%. Thấy vui, nhưng lại lo vì cao quá".

Choáng nên Bộ trưởng Vinh không báo cáo Thủ tướng ngay, mà yêu cầu Tổng cục Thống kê kiểm tra, qua đó, thấy rất yên tâm là các phương pháp thống kê, so sánh đều chặt chẽ. “Khâu nối lại, có hàng loạt con số rất logic thể hiện tăng trưởng kinh tế quý I đã tốt hơn rất nhiều”, ông Vinh nói.

Ông Vinh phân tích, nhập khẩu vừa qua tăng mạnh, thì chủ yếu là phục vụ sản xuất, với 80% là hàng máy móc, thiết bị. Ngay cả nhập khẩu ô tô tăng, nhưng là ô tô tải, nghĩa là đều phục vụ cho sản xuất, vận chuyển vật liệu, chở đất cát..., chứ không phải xe du lịch, đi chơi.

Ngoài ra, theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và đầu tư, số các doanh nghiệp đã quay trở lại hoạt động hiện tăng hơn 12%. Nhiều doanh nghiệp đã nhận được nhiều đơn hàng xuất khẩu cao hơn trước.

Cuối buổi họp, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nói: "Tôi không nghĩ là mình có thể đạt được. Tăng trưởng công bố lên, hơi bất ngờ, nhưng có cơ sở".

Ông nói, nhìn lại dãy năm 2011-2015, có thể thấy có chuyển biến ở nhiều chỉ tiêu. Trong 5 năm qua, với con số 6,03%. GDP quý I năm nay đã bứt phá, tăng cao nhất. Năm 2011, quý I GDP tăng 5,9%, năm 2012 là 4,75%, năm 2013 là 4,26%, 2014 là 5,06%.

Thiệt 1,6 tỷ USD vì gạo, dầu thô

Nếu như ở 2 cuộc họp trước, giá dầu và giá điện là vấn đề nóng nhất thì ở cuộc họp này, các bộ trưởng đều bày tỏ lo ngại về sự suy giảm xuất khẩu.

Giải trình với Thủ tướng về sự giảm sút này, Bộ trưởng Bộ Công Thương, ông Vũ Huy Hoàng bày tỏ: " Quý I dù vẫn duy trì đà tăng trưởng là trên 6%, nhưng so với cả năm là thấp và cũng thấp hơn cùng kỳ năm 2013 và 2014, 2013".

{keywords}
Xuất nhập khẩu đóng góp lớn cho tăng trưởng.

Theo bộ trưởng Hoàng, nguyên nhân là do nhóm hàng nông nghiệp, thuỷ sản giảm rất mạnh, cả về giá và khối lượng. Về kim ngạch, nhóm này đã giảm tới 797 triệu USD. Mặt hàng chủ lực thuỷ sản, gạo xuất thấp hơn cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, nhóm này chỉ chiếm tỷ trọng 20% trong giá trị kim ngạch xuất khẩu.

Nguyên nhân thứ hai là do giảm giá trị đáng kể về dầu thô, than đá. Than đá giảm xuất khẩu là theo chỉ đạo của Thủ tướng từ cuối 2014 đến 2015, chủ trương của Việt Nam là hết sức hạn chế xuất khẩu than, nhất là than cám, chỉ duy trì than cục nên giảm rất nhiều. Cùng đó, giá dầu thô quý I giảm tới 40% so với mức bình quân 2014. Riêng nhóm hàng này giảm kim ngạch xuất khẩu tới 800 triệu USD.

"Cộng cả hai lĩnh vực trên thì xuất khẩu quý I đã giảm 1,6 tỷ USD so với dự tính", bộ trưởng Hoàng cho hay.

Trong khi đó, nhập khẩu lại tăng cao, tốc độ trên 16%. Tuy nhiên, bộ trưởng Công Thương cho rằng, có điều đáng mừng là trong cơ cấu nhập, máy móc thiết bị chiếm chủ yếu, trên 80%. Mặt hàng cần kiểm soát nhập khẩu chỉ tăn 11,4%, mặt hàng hạn chế nhập khẩu giảm 1,3%. Như vậy, vẫn kiểm soat được nhập khẩu, điều kiện cho đầu tư, sản xuất kinh doanh nhưng vẫn khống chế những mặt hàng không cần thiết. Nhập siêu quý I bằng 5,1% trên tổng kim ngạch xuất khẩu cũng vẫn nằm trong dự báo đã báo cáo Quốc hội.

Bộ trưởng Vinh bày tỏ, 2 nguyên trên đã giải thích tại sao, năm ngoái doanh nghiệp trong nước xuất khẩu ngang với khu vực FDI, bằng 14-16%, nhưng năm nay, doanh nghiệp trong nước lại xuất khẩu tụt xuống trong khi khu vực FDI vẫn giữ vững. Đây là vấn đề cần tháo gỡ.

"Ta vẫn xuất thô là chính, chịu tác động bên ngoài nhiều, không cạnh tranh được. Gạo vẫn thế thôi, mủ cao su vẫn vậy thôi, cho nên dứt khoát phải tái cấu trúc nền kinh tế nông nghiệp mạnh hơn", ông Vinh đề nghị.

Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp so với khu vực. Do vậy, phải bám sát diễn biến giá dầu, đồng đô-la, diễn biến các nền kinh tế như Nhật Bản, Trung Quốc...

"Mục tiêu GDP đề ra có khả năng đạt được, nhưng cấn phấn đấu đạt cao hơn 6,2%. Xuất khẩu tăng 10%, nhập siêu kiểm soát 5% tổng kim ngạch xuất khẩu. Bộ Công Thương phải chủ trì tháo gỡ xuất nhập khẩu. ", Thủ tướng yêu cầu.

 

‘Không có doanh nghiệp chết là có vấn đề’

Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết, quý I chỉ có 4.040 doanh nghiệp khó khăn, giải thể, phá sản, thấp hơn 1.000 DN so với cùng kỳ năm ngoái là 5.100 doanh nghiệp khó khăn, dừng hoạt động.

Trong đó, , số giải thể quý I mới là 2.565 DN, tạm ngừng hoạt động là 16.1675. Ngoài ra, quý I cũng ghi nhận đã có có 5.094 DN đã quay trở lại hoạt động, tăng 12,7%.

Thêm vào đó, doanh số kê khai nộp thuế năm ngoái là 482.615 DN. Đến 3 tháng đầu năm nay, đã có 490.000 DN, tăng 11.974 DN. Nếu tính 2 tháng đầu năm, doanh số kê khai tính thuế tăng 16,2%.

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, Bộ KHĐT cho biết, tham khảo các chuyên gia Úc, New Zealand, trong nền kinh tế thị trường, số DN phá sản, giải thể, khó khăn bình quân trên thế giới là 12-14% là bình thường. Đó là quy luật của kinh tế thị trường.

Ông tính toán, chúng ta có gần 500.000 DN đang hoạt động bình thường thì 12% tỷ lệ rời bỏ tương ứng là 60.000 DN. Nếu số này chết, khó khăn là bình thường.

Tuy nhiên, số giải thể và tạm ngừng hoạt động cộng lại vừa qua mới là hơn 18.000, chưa đến 20.000 DN, mới đến 4% so với số doanh nghiệp hoạt động.

"Tôi cho Cục đăng ký kinh doanh rà soát thì thấy, 97% là DN nhỏ, vốn dưới 10 tỷ, rất bé. Họ muốn giải thể đi để làm việc khác, để đổi mới hoạt động. Đó là việc bình thường trong kinh tế hiện nay", bộ trưởng Vinh nói.

Phạm Huyền

Phạm Huyền