bo-truong-Son-1.jpg
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son.

Năm 2011 là năm nền kinh tế nước ta gặp nhiều khó khăn , thách thức do những biến động bất lợi trong nền kinh tế thế giới, nhất là lạm phát gia tăng và khủng hoảng nợ công ở nhiều nước, do giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, do lũ lụt và dịch bệnh xảy ra liên tiếp. Đảng và Chính phủ đã xác định mục tiêu, chính sách, ưu tiên tập trung các giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội. Qua theo dõi tình hình và qua báo cáo tổng kết của Tập đoàn VNPT, chúng ta có thể vui mừng trước những kết quả mà VNPT đạt được trong năm 2011, đóng góp xứng đáng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Cụ thể là

Thứ nhất, VNPT đã hoàn thành vượt chỉ tiêu kế hoạch sản xuất kinh doanh đề ra trong năm 2011, đạt tổng doanh thu 120.800 tỷ đồng, tăng trưởng trên 20%; lợi nhuận xấp xỉ 10 000 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước gần 6.500 tỷ đồng, là một trong doanh nghiệp dẫn đầu danh sách nộp thuế thu nhập lớn nhất trong năm 2011. Với kết quả này VNPT tiếp tục khẳng định mình là một Tập đoàn kinh tế trong tốp đầu của đất nước.

Thứ hai, VNPT là doanh nghiệp có mạng lưới bưu chính, viễn thông, CNTT hiện đại và rộng khắp với chất lượng ổn định, VNPT đã đảm bảo thông tin thông suốt trong mọi tình huống, phục vụ tốt các sự kiện chính trị, văn hóa lớn của đất nước cũng như bảo đảm an ninh quốc phòng, công tác phòng chống lụt bão, dịch bệnh. VNPT đã phục vụ rất tốt các Hội nghị truyền hình trực tuyến của Chính phủ và của Bộ Thông tin và Truyền thông. Tôi cũng đánh giá cao việc triển khai đường dây nóng Việt Nam - Trung Quốc và đầu tư mở rộng mạng truyền số liệu chuyên dùng phục vụ các Cơ quan Đảng, Nhà nước.

Thứ ba, VNPT tiếp tục tham gia tích cực chương trình dịch vụ viễn thông công ích, dịch vụ bưu chính phổ cập và chương trình mục tiêu quốc gia đưa thông tin về cơ sở. Thông qua hệ thống điểm phục vụ rộng khắp đất nước, đặc biệt thông qua hệ thống hơn 8000 điểm bưu điện văn hóa xã, phân bổ chủ yếu ở các địa bàn khó khăn, VNPT đã không chỉ phục vụ tốt nhu cầu lưu chuyển thông tin, vật phẩm và hàng hóa cho mọi người dân mà còn đưa đếntiến bộ khoa học kỹ thuật và qua đó đem đến các cơ hội phát triển mới. Những đóng góp này đã thực sự góp phần thu hẹp khoảng cách phát triển, chênh lệch về tiến bộ xã hội giữa các vùng miền, qua đó góp phần củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, ổn định chính trị và xã hội -  những tiền đề rất cần thiết cho phát triển kinh tế bền vững.

Thứ tư, VNPT đã thực hiện tốt trách nhiệm xã hội của mình thể hiện qua con số 118 tỷ đồng mà Tập đoàn đã dành cho công tác chính sách, an sinh xã hội. Những hoạt động mà Tập đoàn đã tiến hành như chương trình hỗ trợ 2 huyện nghèo của tỉnh Lai Châu theo Nghị quyết 30a/NQ-CP của Chính phủ, chương trình xây dựng 62 điểm Internet Thanh niên tại 62 huyện nghèo trên toàn quốc, tích cực tham gia các chương trình “Góp đá xây Trường Sa”, “Tấm lưới nghĩa tình”... có ý nghĩa chính trị và xã hội to lớn.

Tôi đánh giá cao việc Tập đoàn VNPT đã nỗ lực nâng cao tính năng động và tự chủ của các đơn vị thành viên và cải thiện hiệu quả SX-KD thông qua cơ chế kinh tế nội bộ, hạch toán riêng rõ giữa các đơn vị theo hướng cơ chế thị trường; dùng chung cơ sở hạ tầng giữa các đơn vị thành viên; chuyển vùng giữa 2 mạng di động; đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong quản lý, điều hành SXKD. Điều này chứng tỏ Tập đoàn đã nhận ra điểm yếu về số lượng lớn đầu mối, với nhiều đơn vị hạch toán phụ thuộc và tìm cách để phát huy sức mạnh tổng hợp về quy mô, năng lực mạng lưới, năng lực của các đơn vị trong Tập đoàn. Những nỗ lực này không những góp phần nâng cao hiệu quả SXKD mà còn phù hợp với chủ trương của Đảng, Chính phủ và định hướng của của Bộ Thông tin và Truyền thông về sắp xếp lại cơ cấu tổ chức của các doanh nghiệp viễn thông.

Song bên cạnh những thành tựu, kết quả đáng ghi nhận trên, tôi đề nghị VNPT cần sớm khắc phục một số hạn chế sau:

1. Mạng lưới viễn thông của Tập đoàn phát triển nhanh, nhưng chất lượng dịch vụ cần được nâng cao hơn ; Chưa phát huy hết lợi thế khi mà Tập đoàn đang sở hữu cùng một lúc hai Công ty hoạt động trong lĩnh vực thông tin di động.

2. Mạng lưới 3G phát triển tốt, song cần nâng cao hiệu quả khai thác, phát triển các dịch vụ trên nền 3G để tăng doanh thu cho Tập đoàn.

3. Về hiệu quả kinh doanh: Lợi nhuận trước thuế/doanh thu: 8%, chỉ bằng ½ doanh nghiệp khác cùng ngành. Lợi nhuận sau thuế/vốn: 10% thấp hơn lãi suất ngân hàng. Năng suất lao động còn thấp: 1,3 tỷ/người/năm, chỉ bằng 1/3 doanh nghiệp khác cùng ngành.

4. Tập đoàn mới đầu tư nhiều vào kinh doanh, để phát triển bền vững, cần chú trọng đầu tư bộ phận sản xuất công nghiệp CNTT để chủ động thay thế nhập khẩu một số trang thiết bị thiết yếu của ngành.

Có thể nói, nhìn một cách tổng quan, với kết quả, thành tựu trong năm 2011 của VNPT, chúng ta có thể khẳng định: trong điều kiện nhiều khó khăn, thách thức, nhưng VNPT vẫn phát triển và đóng góp có hiệu quả vào thành tích chung trong phát triển KT-XH đất nước năm 2011. Kết quả đó cũng đã góp phần khẳng định chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước về xây dựng các Tập đoàn kinh tế Nhà nước mạnh - công cụ chủ lực để thực hiện những chính sách, giải pháp phát triển kinh tế-xã hội có ý nghĩa chiến lược, góp phần ổn định vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế cũng như các vấn đề liên quan đến an ninh, quốc phòng .

Phát huy những kết quả đạt được trong năm 2011, với truyền thống của đơn vị Anh hùng thời kỳ đổi mới, tôi tin tưởng rằng Tập đoàn VNPT không ngừng phát triển và giành nhiều thành tựu quan trọng hơn trong năm 2012.

Trên cơ sở nhất trí với phương hướng đã đề ra của Tập đoàn trong năm công tác 2012, tôi đề nghị các đồng chí tập trung t hực hiện nghiêm các chủ trương, định hướng của Đảng và Nhà nước, trực tiếp là của Chính phủ về tái cơ cấu lại Tập đoàn theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 3 Khóa XI vừa qua.

Trong quý I, Tập đoàn cần hoàn thành việc xây dựng và trình cấp có thẩm quyền Đề án đổi mới tổ chức và hoạt động của Tập đoàn. Việc xây dựng đề án trước tiên phải bám sát các định hướng, chỉ đạo chung của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Đó là, tập trung vào những ngành nghề chính được giao, tránh đầu tư dàn trải, thực hiện tốt quyền tự chủ trong doanh nghiệp thành viên , đẩy mạnh cổ phần hóa những doanh nghiệp trong tập đoàn mà nhà nước không cần nắm giữ 100% vốn, thoái vốn đầu tư vào những ngành nghề không liên quan ; t ăng cường hơn nữa tính hiệu quả trong cơ chế quản trị, kiện toàn bộ máy quản lý, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng và nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ quản lý doanh nghiệp để đáp ứng yêu cầu quản trị doanh nghiệp trong cơ chế thị trường . Trong đó Tập đoàn cần đặc biệt lưu ý những yêu cầu sau:

1. Về cơ cấu, mô hình tổ chức: phải hướng tới mục tiêu đảm bảo sự nhanh nhạy, năng động hơn nữa trong kinh doanh, đảm bảo quyền tự chủ cao hơn cho các đơn vị thành viên.

2. Về quản trị doanh nghiệp: xây dựng được các tiêu chuẩn quản trị doanh nghiệp hiện đại, phù hợp chuẩn quốc tế trong đó nâng cao trách nhiệm cá nhân về hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp và tăng cường tính minh bạch hóa hoạt động của doanh nghiệp theo thông lệ kinh tế thị trường .

3. Chiến lược kinh doanh: tạo lập và phát huy tối đa lợi thế so sánh, đẩy mạnh chuyên môn hoá và nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm thông qua việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy nhanh ứng dụng tiến bộ khoa học- công nghệ .

4. Tập đoàn cần có lộ trình để sớm hình thành 1 Tổng Công ty công nghiệp trên cơ sở phát huy hiệu quả, kinh nghiệm trong các liên doanh trước đây. Phấn đấu VNPT là Tập đoàn đi đầu trong việc phát triển công nghiệp CNTT, chủ động sản xuất trang thiết bị cho nhu cầu cầu Tập đoàn và của ngành, thay thế hàng nhập khẩu.

5. Trong thời kỳ hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng hiện nay của đất nước, với truyền thống, kinh nghiệm và tiềm n ă ng, năng lực của mình, đề nghị VNPT sẽ không chỉ đẩy mạnh hoạt động phát triển kinh doanh trong nước, mà còn cần có chiến lược phát triển kinh doanh ra các nước trong khu vực và thế giới trong thời gian tới.

Cũng liên quan đến vấn đề đổi mới tổ chức của Tập đoàn, tôi cũng đề nghị Tập đoàn khẩn trương thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ về đầu tư đủ vốn điều lệ cho Tổng công ty BCVN và sớm trình tách Tổng công ty BCVN ra hoạt động độc lập. Tập đoàn cũng cần nhanh chóng tổ chức hạch toán độc lập đối với Cục Bưu điện TW để phân rõ nhiệm vụ kinh doanh với nhiệm vụ phục vụ yêu cầu chính trị.

Đồng thời, trong năm 2012 Tập đoàn cũng cần đặc biệt quan tâm đến 2 dự án lớn, có ý nghĩa không chỉ về mặt kinh tế mà còn cả về mặt an ninh quốc phòng và đối ngoại:

1. Dự án VINASAT 2: đảm bảo chất lượng, thời hạn phóng cũng như các giải pháp giảm thiểu rủi ro.

2. Về Dự án cáp quang biển Bắc - Nam sử dụng vốn ODA của Nhật bản: Tập đoàn cần thực hiện đầy đủ hơn trách nhiệm của chủ đầu tư để sớm đưa dự án vào khai thác, đáp ứng mục tiêu kinh tế kỹ thuật đã đặt ra cũng như sự kỳ vọng của Lãnh đạo Đảng và Nhà nước khi phê duyệt dự án.

Đất nước ta đang bước vào giai đoạn phát triển mới với những nhiệm vụ hết sức to lớn, cần phải phát huy cao độ quyết tâm và sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân; của mọi thành phần kinh tế, trong đó có sự đóng góp quan trọng của các doanh nghiệp Nhà nước, các Tập đoàn kinh tế Nhà nước như Tập đoàn VNPT . Tôi tin tưởng rằng, với bề dày thành tích của một đơn vị Anh hùng, với quyết tâm, nỗ lực của tập thể cán bộ, công nhân viên chức, Tập đoàn VNPT nhất định sẽ gặt hái nhiều thành công mới trong thực hiện nhiệm vụ sản xuất kinh doanh của năm 2012, và sẽ là đơn vị đi đầu trong việc thực hiện Đề án đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về thông tin và truyền thông vào năm 2020.