Ngày 25/3, Bộ TT&TT tổ chức Hội nghị trực tuyến tuyên truyền, phổ biến nghiệp vụ công tác thanh tra ngành TT&TT quý I/2020 với 63 điểm cầu trên toàn quốc.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ, Bộ TT&TT đã sử dụng tối đa công nghệ số để triển khai các nhiệm vụ nhưng theo cách không tiếp xúc. Không vì có đại dịch Covid-19 mà đình trệ mọi hoạt động. Hội nghị này đã hạn chế số người tại mỗi đầu cầu, giãn cách chỗ ngồi, tuân thủ nghiêm các yêu cầu của y tế. Các hoạt động thanh tra cũng vậy, vẫn diễn ra nhưng làm từ xa, giảm tiếp xúc, tối đa trên môi trường số, tài liệu được gửi qua đường Cục Bưu điện TW.

Bộ trưởng nhấn mạnh, đây là dịp để chuyển đổi số lĩnh vực thanh tra: "Bình thường sẽ vẫn làm theo cách cũ. Dịch Covid-19 bắt buộc chúng ta phải thay đổi và nhiều cách làm mới hiệu quả hơn sẽ xuất hiện. Sự thay đổi lớn nhất trong lĩnh vực thanh tra là đặt giám sát lên ưu tiên cao hơn. Giám sát thì nhìn được toàn diện, thường xuyên, có thể cảnh báo sớm, nhắc nhở sớm, cứu được cán bộ. Muốn giám sát được thì phải dùng công nghệ số. Các đơn vị trong ngành phải kết nối dữ liệu. Ngành thanh tra phải chuẩn hóa dữ liệu cần được kết nối. Các quy định về bảo vệ dữ liệu phải được công bố. Giám sát sẽ hiệu quả hơn rất nhiều nếu nhiều nguồn dữ liệu được sử dụng. Thanh tra phải xác định được những nguồn dữ liệu liên quan để thu thập và phân tích".

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, cơ bản sẽ tiến hành kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm. Vì đã giám sát được thì kiểm tra định kỳ, kiểm tra theo kế hoạch có thể ít đi. Mỗi một phát hiện trong thanh tra sẽ là một bài học, cần được truyền thông rộng để mọi người biết mà không lặp lại. Nếu làm được việc đó thì mỗi lỗi sai lại thành một bài học, làm cho toàn ngành TT&TT tốt lên.
 

"Hệ thống pháp luật của chúng ta đang hình thành, đang phát triển giai đoạn đầu, nhiều cái chưa theo kịp cuộc sống. Mỗi lần thanh kiểm tra thì phải xem lại hệ thống pháp luật thực thi có tồn tại, bất cập gì không. Nếu có thì cần đề xuất sửa đổi. Đó là làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn, giúp bao người không mắc lỗi, phạm tội", Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, Thanh tra nên tập trung vào các điểm nóng, bức xúc xã hội, giải quyết các vấn đề kéo dài. Điều này đòi hỏi người làm thanh tra không né tránh những vấn đề nhạy cảm. Tâm mà sáng thì sẽ không ngại những vấn đề phức tạp, nhạy cảm. Đặc biệt, cũng phải chống tiêu cực ngay trong nội bộ thanh tra. Tiêu cực trong thanh tra thì hậu quả tăng lên hàng chục, hàng trăm lần. Việc gì cũng vậy, ai cũng vậy, làm mãi một việc rồi cũng sẽ không còn đổi mới, dễ trì trệ và tiêu cực, luân chuyển trong nội bộ thanh tra phải làm thường xuyên. Người làm thanh tra thì tâm sáng, thấu tình, đạt lý, tất cả vì sự tốt lên của ngành. Đối với đồng nghiệp thì phải chân tình, cùng góp phần xây dựng một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng.

Theo báo cáo của Thanh tra Bộ TT&TT, trong Quý I/2020, Thanh tra ngành TT&TT đã tập trung thực hiện nhiệm vụ, kế hoạch được giao; Triển khai tổng cộng hơn 300 cuộc thanh tra tại 800 đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức, đại lý hoạt động trong các lĩnh vực Bưu chính, Viễn thông, Công nghệ thông tin, Tần số Vô tuyến điện, Báo chí, Xuất bản, Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử. Đã tiến hành xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền hơn 1,3 tỷ  đồng, phạt bổ sung và tịch thu, tiêu hủy nhiều xuất bản phẩm không có hóa đơn, chứng từ thể hiện không rõ nguồn gốc, SIM điện thoại di động…

Tại Hội nghị, đại diện Thanh tra Bộ TT&TT đã trình bày báo cáo các điểm mới của Nghị định 15/2020/NĐ-CP ngày 3/2/2020 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, CNTT và giao dịch điện tử.

Đồng thời, các Sở TT&TT đã trao đổi, kiến nghị cần có biện pháp chặn lọc thông tin xấu độc; xử lý việc đưa thông tin sai phạm trên mạng xã hội; vấn đề SIM rác, tin nhắn rác, sách lậu, in lậu; lợi dụng dịch vụ bưu chính để buôn bán hàng lậu qua dịch vụ bưu chính; cần xây dựng cơ chế phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa Thanh tra Bộ TT&TT với Thanh tra các sở TT&TT.