Chế biến và bảo quản sau thu hoạch là khâu yếu nhất của nông sản Việt Nam. Như quả vải hay quả nhãn, chính vụ thu hoạch chỉ khoảng 1 tháng nên nhiều khi cứ phải bán tống bán tháo.
Tại buổi làm việc với một số doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu nông lâm thủy sản vào chiều ngày 30/3, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, nông nghiệp của Việt Nam gặp nhiều thách thức như ruộng đất nhỏ lẻ manh mún, biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp, cạnh tranh ngày càng gay gắt trong quá trình hội nhập,...
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, 10 mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam hiện nay mới chỉ là xuất khẩu dưới dạng thô hoặc sơ chế đơn giản. Nguyên nhân lớn nhất chính là khâu chế biến, thương mại. tổ chức sản xuất và xây dựng thương hiệu.
Ví như, tại Hưng Yên và Bắc Giang có hai loại quả chủ lực là nhãn và vải thiều. Hai loại quả này có giá trị xuất khẩu mõi năm khoảng 2.000-5.000 tỷ đồng. Song, do tính mùa vị, chỉ chín trong vòng một tháng nên nhiều lúc vào chính vụ xảy ra tình trạng phải bán tống bán tháo. Trong khi đó, nếu chế biến sau thu hoạch thì có thể để được cả năm, Bộ trưởng dẫn chứng.
Ông Nguyễn Văn Linh, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, cũng thừa nhận, vào chính vụ, Bắc Giang phải xuất ra ngoài tỉnh từ 4.000-5.000 tấn vải nên áp lực lưu thông rất lớn.
Theo ông Linh, dù hiện nay quả vải đã thử áp dụng các công nghệ bảo quản của Israel hay Nhật Bản, do đó, quả vải có thể để được cả năm nhưng khi ăn mùi vị rất khác, khó ăn, vỏ vải thiều thì lại bị thâm.
“Tôi mong muốn tìm kiếm công nghệ bảo quản quả vải vẫn giữ được hương vị dù chỉ cần 15 ngày thôi cũng tốt rồi để vận chuyển trong nước. Đồng thời Bắc Giang cũng muốn tìm kiếm công nghệ bóc tách quả vải, sấy khô và ép nước”, ông Linh nói.
Trong khi đó, Phó chủ tịch tỉnh Hưng Yên cũng cho biết, tỉnh này có rất nhiều sản phẩm chủ lực như nhãn, nghệ, cà rốt, cà chua,... nhưng công nghệ chế biến sau thu hoạch còn thiếu và yếu.
Thực tế, do yếu khâu chế biến và bảo quản sau thu hoạch nên tình trạng nông sản Việt Nam được mùa thì rớt giá, thậm chí phải bán với giá rẻ như cho, bỏ thối ở ngoài đồng ruộng do cung vượt cầu.
B.H