Theo nguồn tin từ Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), tại phiên chất vấn của Quốc hội về những vấn đề liên quan đến lĩnh vực GTVT vào sáng 5/6/2019, một số đại biểu Quốc hội đã chất vấn Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể về chính sách quản lý taxi công nghệ và taxi truyền thống.
Đại biểu Trần Thị Hằng (Bắc Ninh) nêu vấn đề: Nhiều cử tri cho rằng việc thực hiện Quyết định 24 về Đề án thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ và kết nối vận tải hành khách theo hợp đồng taxi công nghệ quá dài gây bất cập trong quản lý trong nước, từ thu thuế tới ký hợp đồng lao động, tạo môi trường cạnh tranh không bình đẳng. Đề nghị Bộ trưởng cho biết vì sao chậm ban hành Nghị định 86 sửa đổi?
Về câu hỏi này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết: Sau 2 năm thực hiện sơ kết, Bộ GTVT đã xây dựng dự thảo Nghị định 86 sửa đổi. Tuy nhiên do thời gian vừa qua, Nghị định này nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận, cơ quan chuyên môn và cả chuyên gia nên dù đã qua 7 lần trình Chính phủ vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau. Theo thông tin cập nhật cách đây 1 tuần chỉ còn 1 ý kiến giữa Bộ GTVT với Bộ TT&TT, còn lại tất cả đã được giải quyết và nhận được đồng thuận cao. Hi vọng Nghị định này sẽ sớm được ban hành, lúc đó taxi truyền thống và taxi công nghệ sẽ có cơ hội cạnh tranh như nhau.
Trả lời câu hỏi của Đại biểu Vũ Thị Nguyệt (Hưng Yên) cùng về hoạt động của taxi, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết: Sắp tới, thực hiện Luật Quy hoạch và Nghị định 86 sửa đổi được ban hành cũng sẽ không còn quy định hạn ngạch của taxi. Hiện nay, đã cho phép taxi gắn các thiết bị thu tiền tự động giống như taxi công nghệ. Tuy nhiên, điều này cũng có thể dẫn tới hệ lụy có nhiều phương tiện tham gia trên đường gây áp lực ùn tắc giao thông. Đề nghị người dân khi mua xe cần tính toán đảm bảo hiệu quả khai thác.
Trả lời đại biểu Đào Thanh Hải (Hà Nội) về cách nào quản lý Grab không phát triển quá nóng, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết: Trong Nghị định 86 sửa đổi, Bộ GTVT đề xuất xe taxi công nghệ cũng gắn mào để cơ quan chức năng nhìn lướt qua có thể biết được xe taxi hay xe taxi công nghệ. Về số lượng xe, chúng ta thực hiện Luật Quy hoạch, không còn hạn chế số lượng, do đó Hà Nội muốn hạn chế cũng không được. Doanh nghiệp phải tính hiệu quả kinh tế để đầu tư và chịu rủi ro, địa phương nào hạn chế là phạm luật. Bộ GTVT đang đề xuất, xe công nghệ hay xe truyền thống hồ sơ thủ tục như nhau. Do đó, xe như Grab hoạt động ở Việt Nam thì phải được đăng ký, đăng kiểm, chịu trách nhiệm trước lái xe, chịu trách nhiệm với hành khách.
“Những hãng taxi truyền thống lớn như Vinasun, Mai Linh hiện nay đều sử dụng công nghệ như Grab. Hiện có 13 phần mềm kết nối hãng taxi với người dân. Taxi công nghệ và taxi truyền thống, tôi nghĩ rằng điều kiện hoạt động như nhau, cạnh tranh công bằng sẽ mang lại dịch vụ tốt hơn. Tôi cho rằng bà con tham gia vào dịch vụ này thì nên tính hiệu quả trước khi đầu tư”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể phát biểu.