Báo cáo với đoàn giám sát Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững do lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh & Xã hội tỉnh Quảng Bình triển khai hồi tháng 4, lãnh đạo huyện Bố Trạch cho biết đến cuối năm 2023, huyện còn gần 1.950 hộ nghèo theo chuẩn tiếp cận đa chiều, tương đương tỷ lệ hộ nghèo là 3,79%. Với hộ cận nghèo, toàn huyện có 1.749 hộ.
Năm 2024, các chương trình, dự án hỗ trợ cho hộ nghèo, người nghèo triển khai thực hiện có hiệu quả tại huyện Bố Trạch. Các chính sách an sinh xã hội được thực hiện đầy đủ và kịp thời đã giúp người nghèo giảm bớt khó khăn, từ đó tạo điều kiện cải thiện cuộc sống. Một số nội dung của Chương trình đã thực sự đi vào cuộc sống, huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, các doanh nghiệp, sự tham gia của các tầng lớp nhân dân và của chính người nghèo.
Dự kiến năm 2024, huyện Bố Trạch giảm tỷ lệ hộ nghèo thêm 0,76%, tương ứng với giảm 389 hộ, số hộ nghèo còn lại cuối năm 2024 là 1.560 hộ (tỷ lệ hộ nghèo dự kiến còn 3,03%). Với hộ cận nghèo, huyện phấn đấu giảm tỷ lệ thêm 0,43% tương ứng với giảm 221 hộ, số hộ cận nghèo còn lại cuối năm 2024 là 1.528 hộ.
Tại huyện Bố Trạch, nguồn vốn ưu đãi với các chính sách mang tính nhân văn được triển khai rộng khắp 28 xã, thị trấn đã giúp người dân có thêm nguồn lực để đầu tư phát triển kinh tế. Đây thực sự trở thành trợ lực trong công tác giảm nghèo bền vững, đa chiều, là đòn bẩy hữu hiệu góp phần quan trọng để người dân nghèo từng bước vươn lên.
Thông tin từ Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Bố Trạch, qua rà soát, toàn huyện hiện có 1.359 hộ nghèo có phụ nữ, 1.878 hộ cận nghèo có phụ nữ, trong đó có 850 hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ. Phụ nữ trong các hộ gia đình nghèo, cận nghèo tại đây không đơn độc, do có sự đồng hành của các cấp hội phụ nữ thông qua các chương trình, dự án, chính sách giảm nghèo.
Lãnh đạo Hội LHPN huyện Bố Trạch xác định nhiệm vụ nhận ủy thác vốn vay với Ngân hàng Chính sách xã hội góp phần giúp hội viên nâng cao chất lượng cuộc sống, từng bước giảm nghèo. Do đó, hội triển khai nhiều giải pháp để tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của chị em về các chương trình, chính sách ưu đãi của nhà nước.
Trong những tháng đầu năm 2024, Hội phát huy tốt vai trò là cầu nối giúp nhiều hội viên là phụ nữ nghèo tiếp cận với nguồn vốn tín dụng ưu đãi. Nhiều hội viên đã mạnh dạn vay vốn để phát triển kinh tế, chăm lo các chiều dịch vụ xã hội cơ bản như nhà ở, nước sach và vệ sinh...
Từ đầu năm đến nay, Hội LHPN huyện Bố Trạch phối hợp cùng Ngân hàng Chính sách xã hội huyện giải ngân cho vay trên 2.700 lượt hộ vay với tổng số tiền trên 82,7 tỷ đồng.
Nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách, trên 150 chị em hội viên phụ nữ thoát nghèo, trên 210 hội viên có cuộc sống ồn định hơn trước. Cùng đó, hàng trăm chị em hội viên có chuyển biến nhận thức làm ăn. Đến nay, Hội LHPN huyện Bố Trạch đang quản lý 144 tổ tiết kiệm và vay vốn, dư nợ trên 334 tỷ đồng.
Gia đình chị Nguyễn Thị Tuyết, thôn Thôn Đông Đức, xã Đức Trạch, vốn chưa có công trình nước sạch vệ sinh đảm bảo. Năm 2024, gia đình chị quyết tâm xây nhà. Được tuyên truyền, chị đã mạnh dạn vay từ nguồn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện 50 triệu đồng để xây bể chứa nước, xây dựng nhà vệ sinh, nhà tắm khép kín, sạch sẽ. Nhờ đó, mọi sinh hoạt của gia đình thuận tiện hơn nhiều.
Toàn xã Đức Trạch nơi chị Tuyết sinh sống có 958 hộ được vay vốn chương trình nước sạch như chị, tổng dư nợ gần 18 tỷ đồng. Đánh giá nguồn vốn vay có ý nghĩa thiết thực, lãnh đạo xã Đức Trạch cho hay điều này góp phần làm thay đổi nhận thức của người dân về sử dụng nước sạch, nhà vệ sinh đảm bảo. Đến nay, tỷ lệ người dân sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh trên địa bàn xã đã đạt trên 80%; số hộ có nhà vệ sinh đạt 95%.
Tại xã Xuân Trạch, trung bình mỗi năm, Hội LHPN xã giúp đỡ 3 - 5 hộ hội viên phụ nữ thoát nghèo. Để giúp phụ nữ từng bước giảm nghèo bền vững, Hội LHPN xã xác định tuyên truyền là biện pháp đầu tiên, song song với các bước hỗ trợ vay vốn ưu đãi. Nhờ sử dụng vốn đúng mục đích, đến nay, nhiều hội viên đã phát triển kinh tế hiệu quả, nâng cao thu nhập.
Chị Lê Thị Mai ở xã Xuân Trạch được vay 100 triệu đồng từ chương trình hộ mới thoát nghèo của Ngân hàng Chính sách huyện ủy thác qua Hội LHPN xã. Được cấp uỷ, chính quyền, hội LHPN xã động viên, chị kết hợp vốn vay ưu đãi cùng với nguồn vốn của gia đình, tập trung phát triển kinh tế, đầu tư trồng rừng keo, chăn nuôi bò… Hiện nay, mỗi năm trừ các khoản chi phí, bình quân gia đình chị Mai thu nhập ổn định trên 80 triệu đồng.
Nguồn vốn vay đã có tác động tích cực tới người dân nghèo, trong đó có phụ nữ các hộ nghèo tại huyện Bố Trạch, góp phần tạo sinh kế, tăng thu nhập bền vững, cải thiện môi trường, bảo vệ sức khỏe cộng đồng và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân nghèo, cận nghèo.