Theo ông Lê Phú Hà, Cục trưởng Cục CNTT và Dữ liệu tài nguyên môi trường, Bộ Tài nguyên và môi trường (Bộ TNMT), thời gian tới, Bộ sẽ thúc đẩy ứng dụng công nghệ của CMCN 4.0, định hướng chuyển đổi số ngành, phấn đấu đến năm 2025 là ngành tài nguyên và môi trường số. (Ảnh Internet) |
Theo ông Hà, trong thời gian qua, Cục đã trình Bộ trưởng ban hành 2 thông tư về Chính phủ điện tử và 10 quyết định liên quan đến các mảng của Chính phủ điện tử, góp phần thể chế hoá quy chuẩn, tiêu chuẩn chung ứng dụng CNTT phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành.
Bộ TN&MT cũng đi đầu trong việc thực hiện Quyết định số 28 của Thủ tướng Chính phủ về việc gửi nhận văn bản điện tử khi quy chuẩn đã được chuẩn hoá xử lý từ khâu lập hồ sơ, văn bản trình lên các cấp. Hiện tại, Bộ TN&MT đã triển khai cơ bản đạt 98% số lượng văn bản là văn bản điện tử và ký số, từ người trình, soạn thảo, kiểm soát cho đến ban hành. “Bộ đã hoàn thành cung cấp dịch vụ công trực tuyến theo thẩm quyền, dù khối lượng hồ sơ tài liệu là rất lớn. 100% thủ tục hành chính được thực hiện trên môi trường trực tuyến, trong đó dịch vụ mức độ 4 chiếm khoảng 30%”, ông Hà chia sẻ thêm.
Cuối cùng, Bộ TN&MT đã ban hành Kiến trúc Chính phủ điện tử ngành TN&MT phiên bản 2.0 và từng bước hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia, dữ liệu chuyên ngành.
Để đạt được những kết quả trên, ông Hà cho rằng, nguyên nhân đầu tiên đến từ vai trò quyết định của người đứng đầu trong việc quán triệt chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn khi thực hiện Chính phủ điện tử. Cụ thể, trong các buổi giao ban theo tháng, quý, năm, Bộ TN&MT đều có báo cáo riêng về Chính phủ điện tử, đánh giá từng đơn vị trực thuộc. Đồng thời, lãnh đạo của Bộ TN&MT thường xuyên có chỉ đạo sát sao, kiên quyết không nhận hồ sơ giấy, chỉ nhận hồ sơ điện tử trên hệ thống.
Việc phát triển Chính phủ điện tử cũng được thực hiện đồng bộ, có tính hệ thống, tuân thủ Kiến trúc Chính phủ điện tử triệt để, đồng thời thường xuyên đánh giá các ứng dụng qua hiệu quả thiết thực, giảm khối lượng công tác, tăng năng suất lao động, tiết giảm chi phí.
Bên cạnh đó, Bộ TN&MT cũng quan tâm đến an toàn thông tin, không để xảy ra sự cố giúp cán bộ, công nhân viên yên tâm ứng dụng CNTT. “Bộ đã sử dụng hiệu quả, tiết kiệm hạ tầng CNTT thông qua việc sử dụng các hạ tầng dùng chung như quản trị dữ liệu nhằm tiết kiệm và giảm chi phí”, ông Hà nhấn mạnh.
Về kế hoạch, phương hướng triển khai Chính phủ điện tử trong thời gian tới, ông Hà cho biết, Bộ TN&MT sẽ tiếp tục xây dựng, hoàn thiện, chính xác hoá các cơ sở dữ liệu về TN&MT, trong đó chú trọng đến cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia, cơ sở dữ liệu nền địa lý, nền tảng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng hay đóng góp vào Hệ tri thức Việt số hoá; Triển khai vận hành nền tảng liên thông, cổng dữ liệu tài nguyên và môi trường và tạo lập thị trường trao đổi, sử dụng, thúc đẩy giá trị gia tăng từ tài nguyên dữ liệu số về tài nguyên môi trường. “Bộ TN&MT sẽ thúc đẩy ứng dụng công nghệ của CMCN 4.0, định hướng chuyển đổi số ngành, phấn đấu đến năm 2025 là ngành tài nguyên và môi trường số cũng như bảo đảm an toàn, an ninh trên môi trường mạng”, ông Hà kết luận.
Trước đó, ngày 16/12, Bộ trưởng Bộ TN&MT đã ký ban hành Quyết định số 3196 ban hành Kiến trúc Chính phủ điện tử ngành TN&MT, phiên bản 2.0. Kiến trúc Chính phủ điện tử ngành TN&MT phiên bản 2.0, được xây dựng nhằm thiết lập cơ sở, định hướng cho quá trình xây dựng Chính phủ điện tử tại Bộ TN&MT và làm cơ sở tham chiếu cho Kiến trúc CNTT của Sở TN&MT các địa phương; góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, tăng cường công khai, minh bạch thông tin, cung cấp dịch vụ công tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp, xây dựng Chính phủ điện tử của ngành, hướng tới ngành TN&MT số, Chính phủ số và nền kinh tế số.