Theo chia sẻ từ đại diện Cục CNTT và dữ liệu TNMT (Bộ TN&MT), tính đến nay, Bộ TN&MT đã làm thủ tục đề nghị cấp, quản lý chứng thư số cá nhân cho hơn 2.450 người và hơn 400 chứng thư cho các tổ chức thuộc Bộ. Việc sử dụng chữ ký số đã phổ biến trong một bộ phận cán bộ lãnh đạo.
Đã triển khai hệ thống chữ ký số trong công tác điều hành tác nghiệp của lãnh đạo Bộ và các đơn vị; Cơ bản trên 95% văn bản, tài liệu không mật đã chính thức trao đổi giữa các cơ quan thuộc, trong đó đa số là văn bản điện tử gắn với chữ ký số.
Sử dụng chữ ký số trong cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 tới người dân doanh nghiệp. Đến nay, Bộ TN&MT đã cung cấp 61 thủ tục hành chính kết nối với Cơ chế một cửa quốc gia, ASEAN theo thẩm quyền cúa Bộ TN&MT để phục vụ cho người dân, doanh nghiệp và cải cách hành chính.
Bộ TN&MT đã phối hợp tốt với các cán bộ kỹ thuật của Cục chứng thực số và Bảo mật thông tin ( Ban Cơ yếu Chính phủ) triển khai một số nhiệm vụ của Bộ TN&MT liên quan đến việc ứng dụng, tích hợp chữ ký số vào các hệ thống phần mềm ứng dụng. Trong đó có hệ thống quản lý văn bản và hồ sơ công việc; hệ thống dịch vụ công trực tuyến; hệ thống thư điện tử công vụ và việc xác thực người dùng áp dụng vào các hệ thống thông tin/cơ sở dữ liệu của Bộ.
Cụ thể, Bộ TN&MT đã triển khai xử lý văn bản và hồ sơ công việc trên môi trường mạng trong đó các văn bản không mật phải được xử lý hoàn toàn trên hệ thống, tích hợp chữ ý số của tổ chức, cá nhân của các đơn vị thuộc Bộ, thay thế văn bản truyền thống bằng văn bản điện tử. Hiện, hệ thống này đã bao gồm 6.315 tài khoản người dùng và đảm bảo đáp ứng vận hành liên tục 24/7.
Đối với hệ thống thư điện tử công vụ, hiện, Bộ TM&MT đã cấp 7.870 tài khoản, ngoài có tính năng như phòng chống virus, thư rác, tích hợp chứng thư số tên miền SSL tránh giả mạo hệ thông thư điện tử, hệ thống đã cung cấp chứng năng mã hóa thư điện tử dựa trên chữ kí số chuyên dùng nhằm xác thực đúng người gửi và người nhận.
Ngoài ra, hệ thống dịch vụ công trực tuyến theo thẩm quyền của Bộ TN&MT cũng tích hợp các chữ ký số trong công tác xử lý thủ tục hành chính. Đồng thời, việc sử dụng chứng thư số để xác thực người dùng đang được nghiên cứu áp dụng vào các hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu của Bộ.
Theo đại diện Cục CNTT và dữ liệu TNMT, việc sử dụng chữ ký số mang lại nhiều lợi ích. Cụ thể, ứng dụng dịch vụ chữ ký số giúp đảm bảo tính pháp lý, xác thực tính chính xác nội dung thông tin trên môi trương điện tử là yêu cầu tiên quyết để tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng CNTT. Đây là phương thức hiện đại trong quản lý, điều hành, nâng cao năng suất lao động, góp phần cái cách hành chính.
Ngoài ra, chữ ký số cũng đảm bảo tính pháp lý và vừa có tính an toàn, chống giả mạo rất cao; Định danh người dùng rõ ràng, gắn với thông tin xác thực nên rất thuận tiện trong công tác hành chính và xử lý văn bản.
Tuy mang lại nhiều lợi ích, nhưng vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại trong việc sử dụng chữ ký số tại Bộ TN&MT. Cụ thể là, nhận thức của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức trong đó có nhiều lãnh đạo, người dùng đứng đầu còn chưa theo kịp sự phát triển của CNTT; Hạ tầng mạng, trang biết bị CNTT của một số đơn vị còn yếu dẫn đến khó khăn trong sử dụng. Ngoài ra, một số yếu tố kỹ thuật của chứng thư số còn khó khăn khi triển khai trên diện rộng.