Lê Văn Tuấn (SN 1991) tốt nghiệp hệ cao đẳng của ĐH Thương mại năm 2012. Anh trải qua khá nhiều công việc: xuất nhập khẩu, thợ làm bánh, mở doanh nghiệp riêng…

Hiện, anh làm nghề giao hàng để kiếm sống và có điều kiện thực hiện mong mỏi của mình: Dựng tủ sách miễn phí cho học sinh.

‘Từ bé, tôi đã muốn mở tủ sách. Mỗi lần sở hữu quyển sách nào tôi đều giữ gìn cẩn thận với mong muốn khi số lượng đủ lớn sẽ chia sẻ cho mọi người’, anh nói.

Năm 2017, anh mở tủ sách cho các học sinh trong xã đến đọc. Số sách này được Tuấn gom góp và mua trong suốt nhiều năm trời.

{keywords}
Lê Văn Tuấn và ước muốn đưa sách về nông thôn

Thời gian này, Tuấn vẫn phải đi làm, không ở nhà nên việc trông nom, gìn giữ sách không được tốt. Nhiều cuốn sách hư hỏng, tủ sách ban đầu đầy ắp sau cứ vơi dần.

‘Tôi mở cửa tự do cho tất cả các em và người dân đến mượn. Nhưng không có người ở nhà nên một số bạn không có ý thức giữ gìn. Thấy điều này không ổn nên tôi suy nghĩ về việc quản lý và lan rộng tủ sách’, anh Tuấn nói.

Sau đó, Tuấn gặp anh Phùng Văn Trường, một người cũng đang xây dựng dựng thư viện cho trẻ em tại nhà.

Anh Phùng Văn Trường (SN 1979) sinh ra không được may mắn như những người khác. Bị khuyết tật từ nhỏ, anh đến trường trên đôi vai của bố. Nhưng rồi sức khỏe không cho phép, anh buộc phải nghỉ học từ khi lên lớp 8.

Trong thời gian ở nhà, năm 2009, có thời gian rảnh rỗi, anh dạy kèm cho con cháu của các anh, chị trong gia đình.

Thấy anh có thể chăm lo việc học cho trẻ ở nhà, người dân xunh quanh bắt đầu đưa con, cháu đến nhờ anh dạy học sau giờ đến lớp. Dần dần số học sinh của anh tăng lên nhanh chóng. Cứ sau giờ đến lớp, các em đến đây được anh hướng dẫn đọc, viết và làm toán. Tất cả đều hoàn toàn miễn phí.

{keywords}
Một góc thư viện sách Tuấn kết hợp cùng anh Trường phục vụ miễn phí

Cũng như Tuấn, anh Trường muong muốn có tủ sách cho các em trong vùng không có điều kiện. Năm 2014, thư viện sách, báo của anh ra đời…

‘Tôi thấy xây dựng thư viện, tạo dựng văn hóa đọc sách rất tốt cho các cháu và người dân. Sách giúp mọi người có thêm hiểu biết, kiến thức, đặc biệt có rất nhiều ứng dụng trong cuộc sống giúp các cháu có thể học tập tốt hơn, người dân có thể học hỏi để làm kinh tế, xây dựng cuộc sống tốt hơn’, anh nói.

Thư viện ban đầu của anh Trường và anh Tuấn có 3.400 cuốn. ‘Số sách này trước đó nhiều hơn nhưng đã bị thất thoát do nhiều em mượn làm mất hoặc không trả.

Sắp tới, khi tiến hành mở rộng thư viện, chúng tôi sẽ có những quy định để các em có ý thức hơn trong việc giữ gìn sách cho các bạn khác’, anh Trường chia sẻ.

Anh Tuấn cũng cho biết thêm: ‘Chúng tôi quyết định dồn sách về một chỗ và xây dựng thành thư viện tại nhà anh Trường bởi anh là người khuyết tật, mở lớp dạy các cháu vì vậy các học sinh đến đây ngoài việc học còn có thể đọc sách.

Bên cạnh đó, anh Tuấn thường xuyên ở nhà dạy học nên có thời gian quản lý sách’.

{keywords}
Tủ sách có khá nhiều thể loại

Tủ sách của anh Trường được xây dựng tại nhà. Các cuốn sách được phân loại và cho lên giá một cách quy củ, nhờ vậy người muốn đọc có thể dễ dàng tìm các đầu sách.

Để đủ chỗ đựng sách, anh Tuấn và anh Trường thường xuyên mua thêm các thiết bị, để mở rộng giá sách. Ngoài ra, thư viện này cũng có bàn ghế đầy đủ cho trẻ em và người dân quanh vùng có thể đọc sách tại chỗ. Số sách không giới hạn là sách giáo khoa, tham khảo mà còn có cả sách khoa học, thơ, truyện, tiểu thuyết…

Hai người đàn ông này cũng đang kêu gọi các mạnh thường quân giúp họ có thêm nhiều đầu sách, tạo nên sự đa dạng và mới mẻ cho thư viện.

‘Sắp tới, chúng tôi có kế hoạch kết hợp cùng nhiều nhóm thiện nguyện chuyển sách đến các vùng sâu vùng xa, mở rộng thư viện hơn nữa cho các học sinh kém may mắn’, anh Tuấn chia sẻ thêm.

Bài: Bùi Bình Minh - Nhóm PV
Ảnh: Phạm Thu Huyền - Nhóm PV