Anh Trần Mạnh Hà (trú tại phường Nguyễn Du, TP Hà Tĩnh) thừa ủy quyền của ông Nguyễn Hữu Phúc (trú tại huyện Can Lộc, người sở hữu mảnh đất 344,3m2 tại Khu dân cư Nam đường Nguyễn Du (địa chỉ tại xã Thạch Hưng, TP Hà Tĩnh).
Anh Hà ngao ngán khi mua đất 2 mặt tiền nhưng khi đến kiểm tra lô đất thì không có đường vào.. |
Anh Hà cho biết, khoảng năm 2015, nghe tin TP Hà Tĩnh bán đất bằng phương thức đấu giá tại Khu dân cư Nam đường Nguyễn Du nên ông Phúc đã nộp hồ sơ. Do tin tưởng UBND TP Hà Tĩnh nên quá trình đấu giá đất ông Phúc chỉ xem lô đất trên bản vẽ quy hoạch chứ chưa đến xem thực tế.
Được thông báo trúng đấu giá, ông Phúc nộp số tiền hơn 1,3 tỉ đồng. Cũng do chưa có nhu cầu sử dụng nên không đến xem đất. Đến năm 2019, gia đình ông Phúc có nhu cầu xây nhà nên đã đi xem đất thì không nhận diện ra lô đất ở đâu nên phải nhờ cán bộ địa chính chỉ dùm.
“Chúng tôi rất bất ngờ khi cán bộ địa chính chỉ cho tôi một mảnh đất không có đường vào. Trong khi đó thời điểm người thân tôi đấu giá cũng như lô đất trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là mảnh đất 2 mặt tiền, có đường quy hoạch 13,5m” – anh Hà nói.
Một trong hai mặt tiền của các lô đất đã bị người dân rào chắn vì chưa đền bù GPMB. |
Ngao ngán trước sự việc diễn ra, anh Hà đã gọi người đến bán lô đất trên nhưng khi đến xem đất thì ai cũng từ chối mua vì lô đất trên không có hạ tầng, không có đường vào.
“Làm việc với TP Hà Tĩnh thì họ bảo khu vực đất của tôi chưa giải phóng mặt bằng xong. Văn bản TP trả lời đến 30/11/2020 sẽ hoàn thành giải phóng mặt bằng và làm hạ tầng, nhưng đến hiện tại đã sang năm 2021 nhưng vẫn dẫm chân tại chỗ” – anh Hà nói.
Bán đất trước, hoàn thiện hạ tầng sau
Ngoài lô đất đứng tên ông Nguyễn Hữu Phúc, còn một lô đất khác năm liền kề cũng không có đường vào. Hai lô đất trên, một mặt giáp bụi tre lớn, mặt khác giáp con đường đất đã bị rào chắn.
Hạ tầng nham nhở sau gần 10 năm bán đất. |
Theo tìm hiểu của PV, sở dĩ xảy ra nghịch lý kể trên là do việc thay đổi tuyến và nguồn vốn đầu tư hạ tầng.
Một cán bộ Ban bồi thường, hỗ trợ và tái định cư TP Hà Tĩnh thừa nhận thực trạng chưa thực hiện giải tỏa, đền bù cho số đất để làm đường vào các lô đất bán đấu giá trên.
Trước đây, khi đã có phương án quy hoạch, triển khai hạ tầng nên TP Hà Tĩnh tiến hành thông báo bán đấu giá đất. Sau khi đã bán đấu giá đất thì có sự thay đổi về thiết kế một số tuyến, một phần thiếu vốn nên chưa giải phóng mặt bằng để làm đường dẫn vào một số lô đất kể trên.
“Hiện nay đã có 200 tỷ đồng vốn vay của Bộ Tài chính để tiếp tục giải phóng mặt bằng, dự kiến khoảng hơn 2 tháng nữa sẽ hoàn thành hạ tầng” – vị cán bộ này cho biết.
Từ năm 2012, UBND thành phố Hà Tĩnh bắt đầu bán đấu giá các lô đất. Đến thời điểm này đã bán đấu giá 210 lô đất, nhiều người dân đã xây dựng nhà cửa ở nhưng hạ tầng trong khu quy hoạch vẫn nham nhở, nhếch nhác.
Lê Minh
Vì sao 22 container rơi xuống sông Cái Mép?
Sà lan bị nghiêng, 22 container rớt xuống sông Cái Mép, bước đầu đã xác định được nguyên nhân…