Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và nền kinh tế số đang phát triển như hiện nay, ngành Thống kê trở thành ngành hot hơn bao giờ hết. Với các số liệu thống kê chính xác, các bộ ngành, địa phương mới đưa ra được những quyết sách quan trọng cho lĩnh vực mình quản lý. Đặc biệt, số liệu thống kê phải là số liệu thống kê sống, được cập nhật thường xuyên, Thứ trưởng Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh trong làm việc với Tổng cục thống kê hôm 5/11.

{keywords}
Bộ Thông tin và Truyền thông đặc biệt quan tâm đến hoạt động thống kê

Trong vài năm gần đây, Bộ Thông tin và Truyền thông đặc biệt quan tâm đến hoạt động thống kê các số liệu trong các lĩnh vực do Bộ quản lý. Bên cạnh các dữ liệu hành chính do các đơn vị chức năng của Bộ thống kê hay các doanh nghiệp bưu chính viễn thông, công nghệ thông tin do Bộ quản lý báo cáo theo định kỳ, Lãnh đạo Bộ vẫn đánh giá cao số liệu thống kê thông qua điều tra xã hội học của Tổng cục Thống kê thực hiện hàng năm, theo định kỳ. Trên cơ sở đó, Bộ sẽ ban hành những cơ chế, chính sách phù hợp, thiết thực, theo sát tình hình thực tế xã hội, xu hướng thị trường và góp phần tăng thứ hạng của Việt Nam trong các bảng xếp hạng quốc tế về chính phủ điện tử, bưu chính viễn thông, công nghệ thông tin của Liên hiệp quốc và các tổ chức quốc tế có uy tín.

Cụ thể, Bộ Thông tin và Truyền thông quan tâm đến những số liệu thống kê như: tỉ lệ người sử dụng Internet, tỉ lệ hộ gia đình có kết nối Internet, tỉ lệ chi cho phần mềm máy tính so với GDP, tỉ lệ người dân sử dụng dịch vụ hành chính công trực tuyến, tỉ lệ người dân sử dụng điện thoại di động, tỉ lệ người dân sở hữu Thông tin và Truyền thông, tỉ lệ người Việt Nam sử dụng mạng xã hội, tỉ lệ hộ gia đình có máy tính, có TV, có radio, tỉ lệ người xem chương trình phát thanh, chương trình truyền hình, tỉ lệ người dân đọc sách….

Đối với 18 chỉ tiêu của Bộ Thông tin và Truyền thông, đại diện Cục Thu thập Thông tin, Tổng cục Thống kê cho biết, Tổng cục có thể hỗ trợ cung cấp dữ liệu đối với 04 chỉ tiêu trong Khảo sát mức sống dân cư năm 2021 bao gồm: Tỉ lệ hộ gia đình có điện thoại cố định, tỉ lệ hộ gia đình có máy tính, tỉ lệ hộ gia đình có radio, tỉ lệ hộ gia đình có TV.

Riêng đối với chỉ tiêu “tỉ lệ chi cho phần mềm máy tính so với GDP”, đại diện Tổng cục Thống kê cho rằng hai bên cần phải làm việc cụ thể để thống nhất về khái niệm, định nghĩa, phạm vi thu thập, nghiên cứu và đánh giá mức độ tin cậy trước khi công bố.

Liên quan đến các chỉ tiêu về tỉ lệ người sử dụng Internet, tỉ lệ hộ gia đình có kết nối Internet, tỉ lệ người dân có kỹ năng ICT, tỉ lệ người dân sử dung dịch vụ hành chính công trực tuyến, tỉ lệ người dân sử dụng, sở hữu ĐTDĐ, tỉ lệ người dân sử dụng mạng xã hội, đại diện Tổng cục Thống kê cho biết, có thể sử dụng các dữ liệu tính toán từ các cuộc điều tra được thực hiện trong năm 2019 và cơ sở dữ liệu hành chính của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Mai Hương, Nguyễn Đình