Theo tin từ Bộ Tài nguyên và Môi trường (Bộ TN&MT), Bộ đã giao cho Cục Công nghệ thông tin xây dựng và cung cấp nền tảng cơ bản cho việc triển khai Chính phủ điện tử (e-government) tại Bộ TN&MT một cách đồng bộ tạo điều kiện thuận tiện cho việc phát triển và tích hợp các phần mềm ứng dụng của ngành. Xây dựng hệ thống dịch vụ lõi dùng chung cho hệ thống cung cấp dịch vụ công của Bộ TN&MT, đảm bảo cho việc phát triển và tích hợp các dịch vụ công của ngành cũng như kết nối cung cấp dữ liệu cho các hệ thống của các Bộ, ban ngành và Chính phủ; xây dựng, cung cấp các dịch vụ công của Bộ TN&MT tuân thủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn, có tính sẵn sàng cao hỗ trợ tích hợp với các hệ thống dịch vụ công khác ở Trung ương và địa phương. Bên cạnh đó, đẩy mạnh việc ứng dụng điện tử hỗ trợ xử lý nghiệp vụ; phát triển nguồn nhân lực CNTT ngành TN&MT để nâng cao hiệu quả trong công việc.

Đến nay, dự án đã hoàn thành cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho 61 thủ tục hành chính (TTHC). Ngoài 4 thủ tục giai đoạn thí điểm về cơ chế một cửa quốc gia tại Bộ TN&MT là đăng ký xuất khẩu chất thải nguy hại, đăng ký nhập khẩu Polyol HCFC-141B, đăng ký xuất khẩu HCFC, xác nhận đăng ký nhập khẩu các chất HCFC (để Bộ Công Thương cấp phép) còn có 6 thủ tục trong lĩnh vực bản đồ, 10 thủ tục trong lĩnh vực khoáng sản, 27 thủ tục trong lĩnh vực môi trường, 14 thủ tục trong lĩnh vực tài nguyên nước.

Trong đó, có 56 dịch vụ công (DVC) mức độ 3 tại Cổng dịch vụ công trực tuyến của Bộ, 1 DVC mức độ 3 tại Hệ thống cung cấp dữ liệu Đo đạc và Bản đồ và 4 DVC mức độ 4 tại Hệ thống Hải quan một cửa quốc gia. Riêng lĩnh vực môi trường đã hoàn thành vượt mức kế hoạch Chính phủ giao 17 TTHC. Chỉ tính riêng năm 2017, tính đến ngày 14/9, trên hệ thống có 6 trên tổng số 61 TTHC được cung cấp DVCTT đã phát sinh, tiếp nhận và xử lý hồ sơ trực tuyến. Với 6 TTHC này, số được tiếp nhận và xử lý trực tuyến là 58 hồ sơ, số được tiếp nhận trực tiếp theo phương thức truyền thống (tại Bộ phận một cửa) là 154 hồ sơ.

Như vậy, hiện nay, đã cung cấp chính thức được số lượng dịch vụ công trực tuyến tương đối nhiều. Tuy vậy, theo ông Lê Phú Hà, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, đến thời điểm này các hồ sơ thực hiện theo phương thức điện tử còn thấp, ngoài trừ các TTHC của lĩnh vực biến đổi khí hậu thực hiện theo Cơ chế một cửa quốc gia chỉ thực hiện dạng điện tử từ ngày 1/7/2017 các TTHC khác chưa được người dân và doanh nghiệp biết và thực hiện.

Vì vậy, thời gian tới, Bộ TN&MT cần có giải pháp để đẩy mạnh hơn nữa việc triển khai thủ tục trực tuyến trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ công.

Bộ TN&MT được đánh giá là đơn vị triển khai rất tốt ứng dụng CNTT trong quản lý, điều hành. Bộ TN&MT đã giao cho Cục Công nghệ thông tin xây dựng vững chắc “hạ tầng” để việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến, đáp ứng nhu cầu người dân và thực hiện yêu cầu kết nối Chính phủ điện tử. Đến nay, “hạ tầng” công nghệ thông tin phục vụ hành chính công cơ bản đã xong, có thể trực tiếp kết nối và giải quyết cấp phép ở một số lĩnh vực tới cấp độ 4.

Dịch vụ này có 4 cấp độ, mức độ 1: Dịch vụ bảo đảm cung cấp đầy đủ các thông tin về thủ tục hành chính và các văn bản có liên quan quy định về thủ tục hành chính đó; mức độ 2 là DVCTT mức độ 1 và cho phép người sử dụng tải về các mẫu văn bản và khai báo để hoàn thiện hồ sơ theo yêu cầu. Hồ sơ sau khi hoàn thiện được gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ; mức độ 3 là DVCTT mức độ 2 và cho phép người sử dụng điền và gửi trực tuyến các mẫu văn bản đến cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ. Các giao dịch trong quá trình xử lý hồ sơ và cung cấp dịch vụ được thực hiện trên môi trường mạng. Việc thanh toán lệ phí (nếu có) và nhận kết quả được thực hiện trực tiếp tại cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ; mức độ 4 là DVCTT mức độ 3 và cho phép người sử dụng thanh toán lệ phí (nếu có) được thực hiện trực tuyến. Việc trả kết quả có thể được thực hiện trực tuyến, gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến người sử dụng.

Như vậy, triển khai các DVCTT ở mức độ 3 có nghĩa là công dân, doanh nghiệp có thể giao tiếp với chính quyền nói chung, với ngành TN&MT nói riêng 24/24giờ trong ngày, tại bất cứ đâu có kết nối Internet. Các giao dịch trong quá trình xử lý hồ sơ và cung cấp dịch vụ được thực hiện trên môi trường mạng. Việc thanh toán lệ phí và nhận kết quả được thực hiện trực tiếp tại cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ. Công dân, tổ chức chỉ phải đến duy nhất một lần để thanh toán lệ phí (nếu có) và nhận kết quả được thực hiện trực tiếp tại bộ phận một cửa của cơ quan, đơn vị.