Ảnh theo Bộ Tài nguyên và Môi trường |
Theo nguồn tin từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, Thứ trưởng Trần Quý Kiên đã có buổi làm việc với Cục Công nghệ thông tin và Dữ liệu tài nguyên môi trường về việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng Đề án xây dựng Hệ thống cơ sở dữ liệu (CSDL) liên ngành vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) phục vụ phát triển bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Việt Nam là một trong những quốc gia chịu nhiều tác động của Biến đổi khí hậu trong những năm qua. Dưới tác động của biến đổi khí hậu với tần suất và cường độ thiên tai ngày càng gia tăng, gây nhiều tổn thất to lớn đặc biệt là vùng ĐBSCL - nơi có mạng lưới sông ngòi kênh rạch dày đặc, là trung tâm sản xuất nông nghiệp lớn nhất nước ta.
Lưu vực sông Mê Kông bị ảnh hưởng trực tiếp từ biến đổi khí hậu, nước biển dâng, hậu quả là tác động đến chế độ thủy động lực trên sông Mê Kông và vùng ven biển làm gia tăng hạn hán, xâm nhập mặn và xói lở ảnh hưởng lớn đến sản xuất và an sinh xã hội tại ĐBSCL. Do đó, tại Nghị quyết số 120 ngày 17/11/2017 của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu đã giao nhiệm vụ cho Bộ TN&MT chủ trì phối hợp với các Bộ ngành và cơ quan liên quan khẩn trương xây dựng hệ thống CSDL về ĐBSCL, kết nối với cơ sở dữ liệu của Ủy hội sông Mê Kông.
Các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã có ý kiến đóng góp đối với dự thảo Đề án, các điểm mới của Đề án sau khi đã rà soát, chỉnh sửa theo ý kiến góp ý, hoàn thiện với các nhiệm vụ chủ yếu: Hoàn thiện cơ chế chính sách và các quy định kỹ thuật; Xây dựng khung cơ sở dữ liệu liên ngành; Xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu; Thiết lập hệ thống cơ sở dữ liệu liên ngành; Ứng dụng các giải pháp công nghệ thông minh phục vụ phân tích, xử lý, hỗ trợ ra quyết định; Công bố, cung cấp, chia sẻ, khai thác sử dụng thông tin, dữ liệu liên ngành; Hợp tác quốc tế, đào tạo, tiếp nhận chuyển giao công nghệ và truyền thông.
Đồng thời, Cục Công nghệ thông tin và Dữ liệu tài nguyên môi trường đề xuất lộ trình thực hiện đề án: Lập, trình phê duyệt đề án trong năm 2018 và tổ chức triển khai thực hiện đề án từ năm 2019 – 2022.
Các ý kiến cũng đóng góp nhằm xây dựng khung cơ sở dữ liệu liên ngành vùng đồng bằng sông Cửu Long có tính hệ thống, đa lĩnh vực, có tính liên kết giữa cơ sở dữ liệu được xây dựng quản lý, cập nhật, việc phối hợp xây dựng, triển khai và sử dụng dữ liệu của các cơ quan Trung ương, địa phương và các tổ chức quốc tế.
Theo kết luận của Thứ trưởng Trần Quý Kiên, Đề án đã tiếp thu, hoàn thiện và có nhiều điểm mới, rõ ràng hơn. Thứ trưởng yêu cầu Cục Công nghệ thông tin và Dữ liệu tài nguyên môi trường cần tập trung nguồn lực, phối hợp với các đơn vị liên quan, đặc biệt xin thêm ý kiến góp ý của các Bộ, ngành để sớm hoàn thiện Đề án. Đề xuất các cơ chế, chính sách nhằm đảm bảo hoạt động và duy trì vận hành lâu dài Hệ thống cơ sở dữ liệu liên ngành vùng đồng bằng sông Cửu Long sau khi kết thúc Đề án. Rà soát, xem lại việc phân cấp, phối hợp xây dựng Đề án ở địa phương để đảm bảo tính tính khả thi của Đề án, tận dụng tối đa các sản phẩm, trang thiết bị, hạ tầng đã được đầu tư từ các chương trình, dự án có liên quan.
Thứ trưởng Trần Quý Kiên nhấn mạnh, Bộ Tài nguyên và Môi trường quyết tâm hoàn thiện Đề án và trình Chính phủ trong tháng 12/2018.