Theo Bộ Tài chính, thế giới đang tiến vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Cụm từ này được nhắc nhiều và trở lên “nóng” dần ở Việt Nam do đây sẽ là cuộc cách mạng lớn nhất so với các cuộc cách mạng khác.
Cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ mang lại nhiều cơ hội cho Việt Nam. Để bước vào cuộc cách mạng quy mô lớn, Bộ Tài chính đã sẵn sàng cho sứ mệnh tiên phong, là một trong những đơn vị dẫn đầu về ứng dụng CNTT trong khối các cơ quan Chính phủ. Đến nay, Bộ Tài chính đã và đang nghiên cứu, ứng dụng nhiều công nghệ mới là công nghệ “lõi” của cách mạng công nghiệp 4.0 trong lĩnh vực kỹ thuật số gồm: công nghệ mạng xã hội (Social), công nghệ di động (Mobility), công nghệ phân tích dữ liệu lớn (Analytics) và công nghệ điện toán đám mây (Cloud). Và cùng đó, công nghệ bảo mật cũng được đặc biệt chú trọng.
Bộ Tài chính và các tổng cục đã thành lập phòng, bộ phận chuyên trách về an toàn thông tin, ban hành các quy định về an toàn thông tin áp dụng nội bộ và toàn ngành Tài chính, tổ chức đào tạo nâng cao nhận thức và đào tạo chuyên sâu về an toàn bảo mật cho cán bộ ngành Tài chính.
Bộ Tài chính và các tổng cục đã triển khai các giải pháp bảo mật thông tin, dịch vụ vận hành/bảo trì các hệ thống bảo mật, dịch vụ tư vấn bảo mật, dịch vụ đánh giá bảo mật cho hệ thống thông tin và các vùng mạng ảo hóa, vùng mạng không dây tại đơn vị.
Một số giải pháp bảo mật và chính sách bảo mật tiên tiến đã triển khai tại Bộ Tài chính gồm giải pháp bảo mật cho nền tảng ảo hóa - đây là tiền đề cho việc chuyển đổi sang mô hình điện toán đám mây của ngành Tài chính.
Cụ thể, đó là phòng diệt mã độc cho môi trường ảo hóa; kiểm tra độ tin cậy web cho môi trường ảo hóa; tường lửa mức 4 -7 và tính năng phát hiện và chống xâm nhập cho môi trường ảo hóa; kiểm soát ứng dụng và toàn vẹn dữ liệu cho môi trường ảo hóa; giám sát log cho môi trường ảo hóa.
Giải pháp bảo mật cho thiết bị di động: hệ thống quản lý truy cập từ xa VPN phục vụ việc sử dụng ứng dụng, quản trị hệ thống từ xa mọi lúc mọi nơi; phòng diệt mã độc và bảo mật web trên thiết bị di động.
Các quy định và chính sách bảo mật: một số quy định và chính sách bảo mật hiện tại có thể được kế thừa và tiếp tục áp dụng đối với hệ thống thông tin sử dụng công nghệ mới.
Thời gian qua, Bộ Tài chính cũng đã triển khai ứng dụng chữ ký số trong các giao dịch điện tử của ngành.
Thành công này đã góp phần thay đổi hoàn toàn cách thức giao tiếp giữa cơ quan tài chính với người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy việc kết nối trao đổi thông tin giữa Bộ Tài chính và các bộ, ngành, cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính.
Bên cạnh đó, để thúc đẩy triển khai dịch vụ công trực tuyến, ứng dụng nghiệp vụ ngành Tài chính trên môi trường truyền thống hiện nay và trên thiết bị di động, Cục Tin học và Thống kê tài chính đã nghiên cứu, bổ sung quy định về các giải pháp xác thực/ký điện tử tiên tiến, cùng với các chính sách khác được áp dụng theo hướng cải tiến tại hồ sơ đề xuất xây dựng Nghị định thay thế Nghị định 27/2007/NĐ-CP ngày 23/02/2007 của Chính phủ về giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính.
Các chính sách này sẽ tạo hành lang pháp lý cho phép các đơn vị thuộc Bộ Tài chính ứng dụng công nghệ thông tin mạnh mẽ hơn trong các hoạt động quản lý nhà nước, đáp ứng yêu cầu cấp bách hiện nay, tạo sự tiện lợi cho người dân, doanh nghiệp, tăng cường an toàn thông tin trong giao dịch điện tử ngành Tài chính, hỗ trợ triển khai thành công Chính phủ điện tử tại Việt Nam trong thời gian tới.