Quy chế quản lý, sử dụng chứng thư số, chữ ký số trong hoạt động của Bộ Tài chính được Thứ trưởng Tạ Anh Tuấn ký ban hành vào trung tuần tháng 12/2020. (Ảnh minh họa) |
Được áp dụng đối với các cá nhân, tổ chức, đơn vị thuộc Bộ Tài chính, Quy chế mới ban hành thay thế cho quy định sử dụng dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng phục vụ các cơ quan thuộc hệ thống chính trị và quản lý thuê bao chứng thư số tại Bộ Tài chính theo Quyết định 2198 ngày 30/8/2010.
Quy chế nêu rõ, giá trị pháp lý của chữ ký số được công nhận tại Điều 24 Luật Giao dịch điện tử năm 2005, Điều 8 Nghị định 130/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật giao dịch điện tử về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số và các quy định của pháp luật trong lĩnh vực mà chữ ký số được áp dụng.
Một trong những nguyên tắc áp dụng chứng thư số, chữ ký số tại Bộ Tài chính là tuân thủ pháp luật về giao dịch điện tử và pháp luật chuyên ngành đối với các chuyên ngành được áp dụng chứng thư số, chữ ký số.
Chữ ký số cũng phải được đảm bảo an toàn theo quy định tại Điều 9 và khoản 3 Điều 8 của Nghị định 130/2018 của Chính phủ, cụ thể: Chữ ký số được tạo ra trong thời gian chứng thư số có hiệu lực và kiểm tra được bằng khóa công khai ghi trên chứng thư số đó;
Chữ ký số được tạo ra bằng việc sử dụng khóa bí mật tương ứng với khóa công khai ghi trên chứng thư số do tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số hoạt động hợp pháp tại Việt Nam cung cấp hoặc chứng thư số nước ngoài được Bộ TT&TT cấp giấy phép sử dụng tại Việt Nam; Khóa bí mật chỉ thuộc sự kiểm soát của người ký tại thời điểm ký.
Bên cạnh đó, việc áp dụng chứng thư số, chữ ký số của Bộ Tài chính còn phải đảm bảo các nguyên tắc: Sử dụng hiệu quả chứng thư số, chữ ký số; Các nghiệp vụ áp dụng chứng thư số, chữ ký số phải có quy trình dự phòng áp dụng cho các trường hợp thuê bao không sử dụng được chứng thư số do hết hạn hiệu lực hoặc hỏng, mất thiết bị lưu khóa bí mật mà chưa được gia hạn hiệu lực hoặc cấp lại chứng thư số.
Quy chế mới được Bộ Tài chính ban hành còn quy định cụ thể về quản lý, sử dụng chứng thư số chuyên dùng Chính phủ, chứng thư số chuyên dùng, chứng thư số công cộng, chứng thư số nước ngoài; áp dụng tiêu chuẩn, kỹ thuật chứng thư số, chữ ký số; đối tượng cấp chứng thư số; quy trình cấp mới chứng thư số; trường hợp gia hạn, thay đổi, bổ sung thông tin chứng thư số…
Bộ Tài chính yêu cầu các cá nhân, tổ chức, đơn vị thuộc Bộ phải tuân thủ các quy định của pháp luật và quy chế, quy định của Bộ về quản lý, sử dụng chứng thư số, chữ ký số. Cung cấp các thông tin liên quan đến việc cấp, gia hạn, thay đổi nội dung thông tin của chứng thư số chính xác, đầy đủ và kịp thời.
Đồng thời, đảm bảo an toàn thiết bị lưu khóa bí mật sau khi nhận bàn giao sử dụng. Khi phát hiện thiết bị lưu khóa bí mật của mình bị chiếm đoạt, sử dụng trái phép, phải báo ngay với lãnh đạo đơn vị quản lý trực tiếp và đơn vị quản lý chứng thư số tại cấp tương ứng. Khi không còn nhu cầu sử dụng chứng thư số, cần thực hiện thủ tục thu hồi chứng thư số và hoàn trả thiết bị lưu khóa bí mật theo quy định.
Ngoài việc đảm nhiệm vai trò chuyên trách quản lý chứng thư số của Bộ Tài chính, Cục Tin học và Thống kê tài chính cũng có trách nhiệm phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ này tổ chức triển khai quy định của pháp luật, văn bản hướng dẫn của các cơ quan có thẩm quyền về áp dụng chứng thư số, chữ ký số.
M.T
Chữ ký số: Bước khởi đầu cần thiết cho các cơ quan, doanh nghiệp chuyển đổi số
Trên cơ sở phân tích những lợi ích của chữ ký số, đại diện NEAC kiến nghị các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp bước đầu chuyển đổi số bằng cách áp dụng chữ ký số trong quy trình nghiệp vụ, cung cấp dịch vụ điện tử cho khách hàng.