Cử tri tỉnh An Giang và Tiền Giang cho rằng, trong tình hình hiện nay, việc áp dụng thuế giá trị gia tăng (GTGT) ở mức 8% đối với một số mặt hàng vật tư nông nghiệp, xăng dầu, điện, nước sinh hoạt là cao hơn so với mức thu nhập trung bình của người dân.

Do đó, cử tri đề nghị Bộ Tài chính tiếp tục điều chỉnh giảm thuế GTGT riêng cho các mặt hàng này. Đồng thời, cử tri đề nghị nghiên cứu trình Quốc hội khi thông qua dự thảo Luật Thuế GTGT (sửa đổi) giảm dưới 10% các sản phẩm có nguồn gốc nông nghiệp và xem xét bỏ thuế GTGT điện và nước sinh hoạt.

nong nghiep.jpg
 Đề xuất giảm thuế giá trị gia tăng với vật tư nông nghiệp. Ảnh minh họa: Lê Dương

Phản hồi ý kiến cử tri, đại diện Bộ Tài chính cho biết, thuế suất thuế GTGT đối với hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT được quy định cụ thể tại Luật Thuế GTGT (thuộc thẩm quyền của Quốc hội). Thuế GTGT thu theo hàng hóa, dịch vụ, không phân biệt theo mục đích, đối tượng sử dụng hàng hóa, dịch vụ.

Luật Thuế GTGT không có quy định về việc miễn, giảm thuế GTGT và chỉ quy định 3 mức thuế suất là: 0%, 5% và 10%. Mức thuế suất 0% áp dụng đối với hàng hoá, dịch vụ xuất khẩu (theo thông lệ quốc tế). Mức thuế suất 5% áp dụng đối với hàng hoá, dịch vụ thiết yếu cho đời sống và hàng hoá, dịch vụ là đầu vào sử dụng cho sản xuất nông nghiệp. Mức thuế suất 10% áp dụng đối với các hàng hoá, dịch vụ thông thường khác.

Với mặt hàng điện và nước sinh hoạt, theo quy định của Luật Thuế GTGT hiện hành, mặt hàng điện thuộc đối tượng chịu thuế suất thuế GTGT 10% và nước sạch phục vụ sản xuất và sinh hoạt thuộc đối tượng chịu thuế GTGT thuế suất 5% (là mức thuế suất ưu đãi so với thuế suất thông thường 10%).

Đối với vật tư nông nghiệp và các sản phẩm có nguồn gốc từ nông nghiệp, đại diện Bộ Tài chính cho biết, Luật Thuế GTGT đã quy định ưu đãi ở mức cao.

Hơn nữa, các hàng hoá chủ yếu dùng cho đầu vào hoặc liên quan đến dịch vụ cung cấp cho hoạt động sản xuất nông nghiệp cũng thuộc diện không chịu thuế (giống cây trồng, vật nuôi, nạo vét kênh mương nội đồng; phân bón; máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp; tàu đánh bắt xa bờ; thức ăn gia súc, gia cầm và thức ăn cho vật nuôi khác) hoặc áp dụng mức thuế suất ưu đãi 5% (quặng để sản xuất phân bón; thuốc phòng trừ sâu bệnh và chất kích thích tăng trưởng vật nuôi, cây trồng).

Hàng hoá xuất khẩu, trong đó có sản phẩm từ nông, lâm, thuỷ sản được phép xuất khẩu thì thuộc đối tượng áp dụng mức thuế suất GTGT 0%. Các cơ sở sản xuất kinh doanh xuất khẩu được hoàn lại số thuế GTGT đầu vào nếu đáp ứng điều kiện theo quy định của Luật Thuế GTGT.

Theo Bộ Tài chính, doanh nghiệp, hợp tác xã mua sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản nuôi trồng, đánh bắt chưa chế biến thành các sản phẩm khác, hoặc chỉ qua sơ chế thông thường bán cho doanh nghiệp, hợp tác xã khác thì không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT, nhưng được khấu trừ thuế GTGT đầu vào. Trường hợp bán cho hộ, cá nhân kinh doanh và các tổ chức, cá nhân khác thì phải kê khai, tính nộp thuế GTGT theo mức thuế suất 5% hoặc theo tỷ lệ 1% trên doanh thu.

(Nguồn: Bộ Tài chính)