Theo báo cáo của Bộ Tài chính, năm 2019, gần 67 triệu hồ sơ được tiếp nhận trực tuyến mức độ 3,4. Ảnh: Internet |
Thông tin trên được Bộ Tài chính đưa ra tại Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác tài chính - ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2019, triển khai nhiệm vụ tài chính - NSNN năm 2020 do Bộ Tài chính tổ chức ngày 10/1.
Trong năm 2019, Bộ Tài chính tiếp tục mở rộng ứng dụng CNTT, điện tử hóa trong lĩnh vực tài chính, thuế, hải quan, góp phần để Bộ Tài chính liên tục nhiều năm trong nhóm đứng đầu các cơ quan của Chính phủ về triển khai CNTT.
Cụ thể, theo kết quả đánh giá, xác định chỉ số cải cách hành chính (Par Index) năm 2018 do Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ công bố tháng 5/2019, Bộ Tài chính tiếp tục nằm trong top đầu khối 18 bộ, ngành có kết quả cải cách hành chính mạnh mẽ. Trong năm 2019 đã đẩy mạnh rà soát, cắt giảm, đơn giản hoá hàng trăm thủ tục hành chính và điều kiện kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Tài chính tạo nhiều thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.
Theo Báo cáo Vietnam ICT Index năm 2019 được công bố ngày 23/8/2019, Bộ Tài chính tiếp tục đứng đầu bảng xếp hạng chung của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có dịch vụ công. Đặc biệt, đây là năm thứ 7 liên tiếp Bộ Tài chính đứng ở vị trí nhất bảng, kể từ năm 2013. Cụ thể, Bộ Tài chính tiếp tục đứng ở vị trí thứ 1 về Vietnam ICT Index 2019 với chỉ số mức độ sẵn sàng cho ứng dụng và phát triển CNTT là 0,9770, bỏ xa khoảng cách so với các bộ giữ vị trí thứ 2 và 3 trong bảng xếp hạng.
Tới nay, Bộ Tài chính đã hoàn thành việc kết nối liên thông gửi, nhận văn bản với các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương; triển khai trực tuyến 982 thủ tục hành chính tại Bộ Tài chính (trong đó 114 dịch vụ mức độ 1; 364 dịch vụ mức độ 2; 197 dịch vụ mức độ 3 và 307 dịch vụ mức độ 4).
Trong lĩnh vực thuế, đã triển khai hệ thống khai thuế qua mạng đến 63 Chi cục Thuế địa phương, với 99,86% số doanh nghiệp tham gia, tiếp nhận khoảng 12 triệu hồ sơ khai thuế; số doanh nghiệp đăng ký tham gia dịch vụ nộp thuế điện tử đạt 99,5% và hoàn thuế theo phương thức điện tử đạt 93,3%; triển khai thí điểm hệ thống cấp hóa đơn điện tử có xác thực tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng; mở rộng kết nối thông tin nộp thuế điện tử giữa cơ quan Thuế - Hải quan - Kho bạc - các ngân hàng thương mại.
Trong lĩnh vực hải quan, đã thực hiện thủ tục hải quan điện tử tại tất cả các đơn vị Hải quan thông qua các hệ thống VNACSS/VCIS; triển khai cổng thanh toán điện tử tại các Cục Hải quan. Mở rộng kết nối thực hiện các thủ tục hành chính và dịch vụ công qua Cơ chế một cửa quốc gia với 13/14 bộ, ngành, với 173 thủ tục hành chính được thực hiện qua cơ chế này; trao đổi chứng nhận xuất xứ điện tử mẫu D với 5 nước ASEAN qua Cơ chế một cửa ASEAN.
Năm 2019, các dịch vụ công trực tuyến của ngành Tài chính đã được người dân, tổ chức và doanh nghiệp tiếp nhận và sử dụng rất hiệu quả. Số lượng hồ sơ tiếp nhận qua phương thức trực tuyến năm 2019 của ngành Tài chính mức độ 3, 4 lên tới gần 67 triệu hồ sơ. Tính đến ngày 24/12/2019, tổng số thủ tục hành chính (TTHC) của Bộ Tài chính là 951 thủ tục. Trong đó, dịch vụ công trực tuyến mức độ 1 là 100, dịch vụ công trực tuyến mức độ 2 là 351, dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 là 197, dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 là 303.
Trước đó, ngày 21/5/2019, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng ký Quyết định số 844 về việc ban hành Kế hoạch hành động của Bộ Tài chính triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 - 2020, định hướng 2025.
Theo đó, mục tiêu tổng quát được đặt ra là hoàn thiện nền tảng chính phủ điện tử của Bộ Tài chính nhằm nâng cao ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, công khai minh bạch hoạt động quản lý nhà nước của Bộ Tài chính trên môi trường mạng, bảo đảm an toàn thông tin và an ninh mạng, đẩy mạnh phát triển chính phủ điện tử, nâng cao chất lượng, hiệu quả cung cấp dịch vụ công của Bộ Tài chính, đảm bảo phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn; phát triển tài chính điện tử dựa trên dữ liệu và dữ liệu mở hướng tới nền tài chính số.
Trong đó mục tiêu cụ thể cho giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2025 tích hợp 50% các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 của Bộ Tài chính với Cổng dịch vụ công quốc gia với tỷ lệ hồ sơ giải quyết theo dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên tổng số hồ sơ đạt từ 50% trở lên; 60% các hệ thống thông tin của Bộ Tài chính có liên quan đến người dân, doanh nghiệp đã đưa vào vận hành; 90% hồ sơ công việc tại Bộ Tài chính được xử lý trên môi trường mạng (không bao gồm hồ sơ xử lý công việc có nội dung mật).