Hiện ngành thuế đang triển khai rà soát đơn giản hóa 30 thủ tục hành chính theo kế hoạch và theo yêu cầu của Bộ Tài chính, đồng thời đề xuất phương án đưa 102 thủ tục hành chính đang ở cấp độ 1,2 lên mức 3 và 4.

Báo cáo 9 tháng của Tổng cục Thuế cho biết, đến nay đã có 99,92% số doanh nghiệp đang hoạt động sử dụng dịch vụ khai thuế điện tử; tổng số tờ khai đã tiếp nhận vào hệ thống là hơn 54,3 triệu. Về nộp thuế điện tử, đã có 97,8% số doanh nghiệp đang hoạt động đăng ký tham gia nộp thuế điện tử với tổng số tiền thuế đã nộp trong năm 2018 là 414.498 tỷ đồng.

Về hoàn thuế điện tử, tính từ đầu năm đến ngày 20/9/2018, cơ quan thuế đã tiếp nhận 14.990 hồ sơ hoàn thuế theo phương thức điện tử, đạt tỷ lệ 92,96%. Trong đó, đã giải quyết 11.234 hồ sơ với tổng số tiền thuế giá trị gia tăng được hoàn là 59.074 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, tính đến 20/9/2018, đã có 252 doanh nghiệp thực hiện xuất hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế với 6.974.235 hóa đơn đã được xác thực, tổng doanh thu xác thực là hơn 77.317 tỷ đồng.

Theo kết quả đánh giá, xếp hạng phát triển Chính phủ điện tử Việt Nam 2017 vừa qua, Bộ Tài chính cùng với Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam và Thừa Thiên-Huế là các đơn vị lần lượt dẫn đầu ở 3 khối: các Bộ, cơ quan ngang Bộ; cơ quan thuộc Chính phủ và các tỉnh, thành phố.

Có thể khẳng định, thời gian qua, các Bộ, ngành, địa phương đã có nhiều cố gắng và đạt được những kết quả bước đầu quan trọng làm nền tảng trong triển khai xây dựng Chính phủ điện tử như xây dựng và đưa vào vận hành một số cơ sở dữ liệu (CSDL) như CSDL quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, CSDL quốc gia về bảo hiểm; đang triển khai xây dựng CSDL quốc gia về dân cư, CSDL đất đai quốc gia; đã cung cấp một số dịch vụ công trực tuyến thiết yếu cho doanh nghiệp và người dân như đăng ký doanh nghiệp, kê khai thuế, nộp thuế, hải quan điện tử, bảo hiểm xã hội…; một số Bộ, ngành đã xử lý hồ sơ công việc trên môi trường mạng; tại một số địa phương, hệ thống thông tin một cửa điện tử được đưa vào vận hành, nâng cao tính minh bạch và trách nhiệm của đội ngũ công chức; chất lượng nhân lực về CNTT của Việt Nam cũng được nâng cao.

Số liệu thống kê từ báo cáo này cũng cho hay, trong tổng số gần 50.000 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 hiện đang được các bộ, ngành, địa phương cung cấp cho người dân, doanh nghiệp, số dịch vụ do địa phương cung cấp chiếm đa số với 47.774, chiếm tới 96,8%; tổng số dịch vụ công do bộ, ngành cung cấp là 1.578, chiếm 3,2%.

Cụ thể, tại bộ, ngành, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 có phát sinh hồ sơ trực tuyến là 36,95% (583/1.578), tăng hơn 10% so với quý I/2018; tại địa phương, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 có phát sinh hồ sơ là 10,18% (4.864/47.774), trong đó số lượng dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 4 giảm hơn 50% so với quý trước.

Các bộ, ngành, địa phương hiện đang tiếp tục triển khai, mở rộng cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên cơ sở Danh mục dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 theo các quyết định của Thủ tướng Chính phủ và chủ động của các bộ, ngành, địa phương.

Cũng tại báo cáo kết quả triển khai xây dựng Chính phủ điện tử quý II/2018, Văn phòng Chính phủ đã thông tin về tình hình thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm của nền tảng xây dựng Chính phủ điện tử.

Theo đó, về xây dựng kiến trúc Chính phủ/chính quyền điện tử, trong quý II/2018, một số bộ, địa phương đã ban hành Kiến trúc Chính phủ/chính quyền điện tử như An Giang, Hải Dương… nhằm xác định lộ trình xây dựng Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử của cơ quan, địa phương mình và là cơ sở cho việc quyết định đầu tư, triển khai các hoạt động ứng dụng CNTT, xây dựng Chính phủ điện tử phù hợp với các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

“Đến nay, đã có khoảng 50 bộ, ngành, địa phương ban hành kiến trúc Chính phủ/chính quyền điện tử. Các bộ, ngành, địa phương còn lại đang tích cực triển khai xây dựng và ban hành trước tháng 9/2018 theo chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ”, báo cáo của Văn phòng Chính phủ nêu.