Trân quý những cây bút
Gần Tết, ông Nguyễn Văn Xáng (63 tuổi) tỉ mẩn lau chùi những cây bút chất đầy các tủ kính. Chúng trông độc đáo, lạ mắt, được sắp xếp theo từng chủ đề.
Khi rảnh tay, ông say sưa kể về niềm đam mê của mình. Năm 1995, khi còn công tác tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa, ông có cơ hội sang Đức học chuyên khoa Tai – Mũi - Họng thì được một người thầy ở đây tặng cây bút kèm chiếc đèn chuyên dụng ngành y.
“Cây bút thể hiện nét văn hóa ngôn ngữ, là 'ngòi bút trí tuệ' thay lời nói thể hiện kiến thức, tâm tư, tình cảm của mỗi người”, ông Xáng chia sẻ lý do yêu thích việc sưu tầm bút từ đó.
Ngược dòng thời gian, ông Xáng nhớ về cuộc đời nhiều vất vả của mình. Là con cả trong gia đình 6 anh em gốc Huế, khi 8 tuổi, ông cùng các em được cha mẹ đưa vào Nha Trang lập nghiệp. Cha lao động tự do. Mẹ buôn bán ở chợ Đầm.
Sau 4 năm ở xa quê, mẹ ông gặp bạo bệnh rồi đôi mắt mờ dần, không còn thấy ánh sáng. Nỗi buồn chưa vơi, tới năm 1974, gia đình hứng thêm hung tin khi người cha đột ngột qua đời.
Ông Xáng lúc này tròn 14 tuổi, học lớp 8, trở thành trụ cột gia đình. Cuộc sống vốn đã khó khăn, giờ thêm phần cơ cực. Ngoài giờ đến lớp, ông còn làm đủ việc như: bốc vác, rửa chén bát, dọn dẹp hàng quán trong chợ, hay làm cả “lơ xe” khi nghỉ hè... với mong muốn có tiền đỡ đần phần nào cho mẹ và lo cho các em.
“Nếu bản thân bỏ cuộc thì mọi thứ sẽ trở nên mù mịt, vậy nên tôi vẫn luôn nỗ lực, giữ hy vọng ngày mai tươi sáng hơn, nuôi ước mơ trở thành bác sĩ để có thể chữa bệnh cứu người và cải thiện cuộc sống”, ông Xáng chia sẻ.
Đáp lại những nỗ lực ấy, năm 1978, ông thi đỗ vào Đại học Y khoa Huế. Sau 7 năm, chàng sinh viên tốt nghiệp với bằng loại giỏi chuyên khoa Tai – Mũi - Họng rồi được phân công về Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa.
“Cây bút như một phần nào đó giúp tôi tiếp cận được con chữ. Hồi còn bé, nhiều khi phải góp nhặt từng chiếc bút cũ rồi xem bên trong còn mực không để sử dụng, nên tôi luôn trân quý chúng”, ông Xáng chia sẻ.
Đam mê sưu tầm bút từ khắp nơi
Công tác trong ngành y, ông Xáng có cơ hội đi nhiều nơi. Tại mỗi điểm đặt chân tới, bác sĩ Xáng lại dò hỏi, tìm kiếm những cây bút mang nét đặc trưng của địa phương. Có cây ông được tặng, song cũng có cây phải năn nỉ mua lại.
Vì thế, trong bộ sưu tập của ông, nhiều cây bút không phải mua đại trà ngoài thị trường mà có được từ những chuyến công tác, tham gia những cuộc hội thảo khoa học, hay đó là sản phẩm gắn liền với thương hiệu một công ty, khách sạn.
“Tiêu chí của tôi là ‘tích tiểu thành đại’ nên giờ đây tôi có bộ sưu tập cho riêng mình”, ông Xáng cười sảng khoái khoe.
Những cây bút được ông Xáng chia thành nhiều bộ khác nhau và gắn với những kỷ niệm. Chẳng hạn, bộ bút khổng lồ là những cây bút to bằng bắp tay người, có cây dài đến 0,5 mét. Bộ bút cổ là những cây bút lá tre, bút máy pilot, bút ngòi vàng gần 80 năm tuổi.
Bộ bút khách sạn là những cây mang thương hiệu của các khách sạn. Bộ hàng hiệu là những cây bút đắt tiền được ông mua từ những lần đi công tác nước ngoài… Tất cả được sắp đặt chỉn chu trong tủ kính.
Tuy nhiên, ông Xáng thừa nhận, việc sưu tầm không hề đơn giản bởi tốn kém, mất thời gian. Thoạt đầu, ông chỉ tìm những cây bút có giá rẻ, mang tính lịch sử. Chỉ đến khi kinh tế vững, ông bắt đầu mua nhiều, số lượng tăng dần, có nhiều cây được đặt ở nước ngoài.
Giá mỗi bộ bút dao động từ vài trăm nghìn đồng đến vài chục triệu đồng, tùy thuộc vào độ hiếm, chi tiết và hãng sản xuất.
Khi ông mới sưu tầm, mang từng chiếc bút về nhà rồi chất đầy tủ, vợ ông tỏ ý không hài lòng. “Nhưng lâu dần, vợ con biết đó là đam mê nên ủng hộ để tôi có thể kiên trì đến giờ”, ông Xáng bộc bạch.
Sau 28 năm xây dựng bộ sưu tập, ông Xáng có hơn 4.000 cây bút đủ các loại. Hồi đầu năm 2021, sau khi thôi chức Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa về nghỉ hưu, ông đưa một phần bộ sưu tập tới làng nghề Trường Sơn (TP Nha Trang, nơi lưu giữ nhiều kỷ lục khác) để trưng bày, phục vụ những người yêu thích bút.
Trước đó, năm 2017, ông được tổ chức Kỷ lục Việt Nam công nhận "Bộ sưu tập bút với số lượng nhiều nhất". Một năm sau, tổ chức Kỷ lục châu Á tiếp tục công nhận ông là người sở hữu bộ sưu tập bút viết với số lượng và chủng loại nhiều nhất châu Á.
Ngoài nổi tiếng về sưu tập bút, ông Xáng còn là một bác sĩ giỏi, được Nhà nước phong tặng danh hiệu Thầy thuốc ưu tú, Huân chương Lao động hạng Ba. Ông cũng là một cựu chiến binh thường xuyên tổ chức những hoạt động thiện nguyện.