Quyết định 1076 về việc giao bổ sung dự toán thực hiện Chương trình mục tiêu CNTT năm 2018 (kinh phí sự nghiệp) vừa được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành cuối tháng 8/2018 vừa qua, trên cơ sở xem xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính về phương án phân bổ dự toán kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình mục tiêu CNTT năm 2018 cho các Bộ, cơ quan ngang Bộ và các địa phương.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet |
Theo đó, trong 67 tỷ đồng vừa được Thủ tướng Chính phủ bổ sung từ nguồn dự toán chi sự nghiệp văn hóa thông tin của ngân sách trung ương năm 2018 cho các Bộ, cơ quan ngang Bộ và các địa phương để thực hiện các nhiệm vụ của chương trình mục tiêu CNTT năm 2018, có 21,4 tỷ đồng cho các Bộ, cơ quan ngang Bộ; và 45,6 tỷ đồng cho các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Cụ thể, có 12 Bộ, cơ quan ngang Bộ được giao bổ sung dự toán để thực hiện 15 nhiệm vụ của chương trình mục tiêu CNTT năm 2018, bao gồm: Bộ TT&TT được giao bổ sung 4 tỷ đồng để thực hiện 3 nhiệm vụ “Chuẩn hóa, tạo lập danh mục điện tử dùng chung của các cơ quan nhà nước phục vụ phát triển Chính phủ điện tử của Việt Nam”, “Chuẩn hóa, tạo lập dữ liệu về đánh giá dịch vụ công trực tuyến của các bộ/tỉnh”, “Xây dựng giải pháp thiết lập quy trình động để xử lý dịch vụ công trực tuyến”; Bộ Nội vụ được giao bổ sung 2,5 tỷ đồng để thực hiện 2 nhiệm vụ “Chuyển đổi, chuẩn hóa, tạo dữ liệu”, “Chuẩn hóa quy trình cung cấp dịch vụ công trực tuyến”; các Bộ: Công Thương, GD&ĐT, Giao thông Vận tải, KH&CN, LĐTB&XH, NN&PTNT, Quốc phòng, TN&MT, Y tế cùng Thanh tra Chính phủ, mỗi cơ quan đều được giao bổ sung dự toán để thực hiện 1 nhiệm vụ của chương trình mục tiêu CNTT năm nay.
Đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, theo phụ lục được ban hành kèm theo Quyết định 1076, có 34 địa phương được giao bổ sung dự toán để thực hiện 46 nhiệm vụ của chương trình mục tiêu CNTT năm 2018, trong đó có 16 tỉnh miền Bắc (Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Lào Cai, Yên Bái, Bắc Kạn, Phú Thọ, Bắc Giang, Hòa Bình, Lai Châu, Điện Biên, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình), 8 tỉnh miền Trung (Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Phú Yên, Ninh Thuận, Bình Thuận) và 10 tỉnh miền Nam (Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng, Vĩnh Long, Sóc Trăng, An Giang, Đồng Tháp, Bạc Liêu, Cà Mau).
Cũng tại Quyết định 1076, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu việc quản lý, sử dụng, thanh quyết toán kinh phí bổ sung thực hiện theo quy định hiện hành bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả. Bộ Tài chính chịu trách nhiệm về số liệu báo cáo, thực hiện giao dự toán bổ sung cho các Bộ, cơ quan ngang Bộ và các địa phương theo quy định. Bộ TT&TT có trách nhiệm sắp xếp trong dự toán chi quản lý hành chính được giao năm 2018 để bố trí kinh phí quản lý Chương trình mục tiêu CNTT.
Trước đó, vào cuối tháng 1/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định 153 phê duyệt Chương trình mục tiêu CNTT giai đoạn 2016-2020. Có cơ quan quản lý là Bộ TT&TT, Chương trình hướng tới mục tiêu đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong hoạt động của các cơ quan nhà nước, xây dựng Chính phủ điện tử và cung cấp dịch vụ công trực tuyến thống nhất từ Trung ương đến địa phương; nâng cao năng lực đảm bảo an toàn thông tin quốc gia và xác thực điện tử; phát triển ngành công nghiệp CNTT thông qua việc phát triển các khu CNTT trọng điểm và các sản phẩm CNTT trọng điểm.
Chương trình mục tiêu CNTT giai đoạn 2016-2020 cũng đặt ra các mục tiêu cụ thể đến năm 2020 như: 100% các Bộ, cơ quan ngang Bộ, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có nền tảng chia sẻ, tích hợp dùng chung; đáp ứng kết nối trên 50% các hệ thống thông tin (HTTT) của các bộ, ngành, địa phương có nhu cầu được kết nối, chia sẻ dữ liệu với các cơ sở dữ liệu quốc gia; 30% hồ sơ thủ tục hành chính (TTHC) của các địa phương được xử lý trực tuyến tại mức độ 4; trên 50% hồ sơ TTHC cần trao đổi giữa các bộ phận một cửa liên thông được trao đổi qua môi trường mạng; trên 80% HTTT từ cấp độ 3 trở lên của các địa phương được áp dụng phương án bảo đảm an toàn thông tin phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về bảo đảm an toàn HTTT theo cấp độ; đưa Việt Nam ra khỏi danh sách 20 quốc gia có tỷ lệ lây nhiễm phần mềm độc hại cao nhất thế giới theo xếp hạng của các tổ chức quốc tế; 100% dịch vụ công cấp độ 4 có giải pháp xác thực điện tử tập trung; tối thiểu 50% cổng thông tin điện tử của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được giám sát an toàn thông tin mạng…
Riêng về kinh phí, Quyết định 153 nêu rõ, tổng kinh phí thực hiện Chương trình mục tiêu CNTT giai đoạn 2016-2020 là 1.520 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư phát triển từ ngân sách trung ương là 844 tỷ đồng, vốn sự nghiệp từ ngân sách trung ương là 273 tỷ đồng và vốn đầu tư phát triển từ ngân sách địa phương là 403 tỷ đồng. Trường hợp có bổ sung từ ngân sách trung ương, tổng số vốn thực hiện Chương trình được điều chỉnh tăng nhưng không vượt quá tổng mức đầu tư của Chương trình đã được phê duyệt tại Nghị quyết 73 ngày 26/8/2016 của Chính phủ là 7.920 tỷ đồng.