Nhiều xã sẽ ra khỏi danh sách "xã đặc biệt khó khăn"
Thảo luận về Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trong Phiên họp toàn thể lần thứ 2 của Hội đồng Dân tộc, hôm 09/10, nhiều đại biểu đã kiến nghị về việc cần có hướng dẫn cụ thể và bổ sung thêm các chế độ, chính sách đối với các xã, thôn không còn thuộc diện đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và một số xã đặc biệt khó khăn đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.
Thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 861 ngày 04/6/2021 phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực Ii, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc ban hành quyết định số 612 ngày 16/9/2021 thay thế quyết định 433 phê duyệt danh sách các thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025.
Nhiều xã khu vực III, khu vực II và một số xã đạt chuẩn nông thôn mới được xác định xã khu vực I, và sẽ thôi hưởng một số chính sách hỗ trợ của Nhà nước. |
Theo đó nhiều xã khu vực III, khu vực II và một số xã đạt chuẩn nông thôn mới được xác định xã khu vực I, và sẽ thôi hưởng một số chính sách hỗ trợ của Nhà nước, điển hình là chính sách bảo hiểm y tế, các chính sách hỗ trợ giáo dục, chính sách về cán bộ vùng đồng bào dân tộc thiểu số, về giao khoán bảo vệ rừng.
Một số địa phương đã ban hành các Nghị quyết để tiếp tục có hỗ trợ các chính sách về bảo hiểm y tế, giáo dục cho các địa bàn này.
Tuy nhiên các đại biểu kiến nghị Chính phủ cần nghiên cứu để tiếp tục có chính sách hỗ trợ và có hướng dẫn cụ thể để các địa phương triển khai chính sách, tuyên truyền sâu rộng tới bà con đồng bào dân tộc thiểu số bởi vì thời gian qua rất nhiều người còn băn khoăn với sự thay đổi này.
Xác định trọng tâm để đầu tư có trọng tâm trọng điểm
Theo giải trình của Bộ trưởng Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc Hầu A Lềnh, các Quyết định này ban hành để xác định trọng tâm các xã, thôn đặc biệt khó khăn để tập trung đầu tư có trọng tâm trọng điểm trong chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Các quyết định này nhằm tập trung đầu tư cho các vùng nghèo nhất, còn các xã khác vẫn được hưởng chương trình khác, các chính sách khác. Các xã xã vùng III thoát nghèo rồi thì phải thoát ra khỏi sự hỗ trợ để ưu tiên đầu tư cho các xã khó khăn hơn.
Thời gian qua, Uỷ ban Dân tộc đã phối hợp với các bộ ngành hoàn thành đánh giá tác động của chính sách. Các quyết định này có tác động lớn nhất đến chính sách bảo hiểm y tế, ảnh hưởng đến khoảng 2,4 triệu người.
Uỷ ban Dân tộc gửi kiến nghị đến đề nghị Chính phủ hỗ trợ cho người dân từ nay đến hết năm 2021, theo đó nguồn ngân sách sẽ chi khoảng 2.100 tỷ, số tiền này đã được phân bổ trong kế hoạch ngân sách năm 2021 nhưng khi quyết định 861 ra thì các địa phương dừng lại chưa triển khai. Chính phủ cũng đang giao cho Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam đánh giá tác động và xây dựng chính sách bảo hiểm y tế mới từ năm 2022 trở đi cho các vùng chịu tác động của 2 quyết định phê duyệt thôn xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đối với các chính sách hỗ trợ về Giáo dục, chính sách cán bộ, chính sách khoanh nuôi bảo vệ rừng và một số chính sách khác Uỷ ban Dân tộc đã có đánh giá tác động gửi Chính phủ để xin chủ trương thực hiện.
Thực hiện các gói an sinh phù hợp trong giai đoạn mới
Chủ tịch Hội đồng Dân tọc Y Thanh Hà Niê K'Đăm kết luận phiên họp, mặc dù đã có các phương án để giải quyết vấn đề nhưng Chính phủ cũng cần phải tính đến giai đoạn chuyển tiếp giữa các chính sách của chính sách để tránh sự lúng túng trong triển khai và đảm bảo sự công bằng trong tiếp cận chính sách, tránh tình trạng cùng một chính ách nhưng mỗi các địa phương lại vận dụng thực hiện khác nhau.
Cần nghiên cứu việc thực hiện các gói an sinh phù hợp trong giai đoạn mới. |
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội nhấn mạnh, Chính phủ đang bước sang giai đoạn mới trong công tác phòng chống dịch covid 19. Trong bối cảnh mới khi mà áp dụng cơ chế đặc biệt, trong giai đoạn đặc biệt thì phải quyết sách đặc biệt, mạo hiểm để có nguồn lực cho sự phát triển sản xuất, phục hồi nền sản xuất duy trì ổn định trong kinh tế vĩ mô, qua sản xuất thúc đẩy tăng trưởng để lấy nguồn lực quay lại thực hiện các chính sách bảo đảm an sinh xã hội.
Vì vậy, Chính phủ cần nghiên cứu việc thực hiện các gói an sinh phù hợp trong giai đoạn mới, để Chính phủ báo cáo Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội để có phương án sử dụng nguồn lực hợp lý, trên tinh thần đảm bảo nguồn lực bố trí cho Chương trình Mục tiêu quốc gia mà đặc biệt là Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Vân Anh
Ảnh: Đàm An