Nếu phải nhận xét Overwatch trong khuôn khổ vài từ ngắn ngủi, thì tôi có thể tự tin khẳng định rằng, đây là một tựa game quá tuyệt vời.

Có thể bạn chưa biết, nhưng bản thân Overwatch giống như một món đồ được “thửa” lại từ những thứ rác rưởi bỏ đi gần như vô giá trị. Vâng tôi đang đề cập đến Project Titan, dự án game onlineBlizzard từng đổ tiền tấn vào để biến nó thành một World of Warcraft cực kỳ thành công thứ hai. Và từ đống đổ nát của Project Titan, dưới bàn tay thần kỳ của Blizzard, một siêu phẩm khác được hình thành. Đó chính là Overwatch.

 

Về cơ bản, tựa game trông giống như một MOBA phong cách FPS, với những nhân vật đầy màu sắc cùng những kỹ năng khác nhau, tuy không mạnh mẽ như nhau nhưng lại mạnh mẽ theo từng thời điểm, từng tình huống. Nhưng rồi càng chơi, game thủ lại càng nhận ra Blizzard quá cao tay. Họ không chỉ tạo ra một thứ mới mẻ, mà thậm chí còn lôi cuốn cả những game thủ kỳ cựu của dònggame bắn súng.

Tựa game mới toanh trong hai thập kỷ gần đây của Blizzard, không tính những phần mới của các series huyền thoại như StarCraft hay Diablo, thật sự là một thứ gì đó mới mẻ dù rằng bản thân những nhân vật của Overwatch có một nét gì đó quá quen thuộc với các fan của Blizzard: Reinhardt đúng phong cách một Barbarian, mạnh mẽ, cao cả, anh chàng Soldier: 76 và cô nàng Mercy chẳng khác gì bộ đôi Marine và Medic trong StarCraft. Ấy là chưa kể Roadhog với kỹ năng y chang Butcher, hay Bastion giống như một phiên bản Siege Tank ngộ nghĩnh yêu thiên nhiên cả.

 

Và rồi người chơi chỉ muốn thêm, muốn nữa, chứ không dừng lại ở con số 21 nhân vật như hiện tại. Người chơi luôn muốn có những nhân vật mới, những nhiệm vụ cốt truyện để hiểu thêm về các nhân vật trong game. Mà có lẽ, đáng lý ra Blizzard làm Project Titan thành Overwatch ngay từ đầu thì có khi đã ngồi trên đống tiền rồi.

Dù là một game MOBA, lấy kỹ năng làm cốt yếu, nhưng thành công của Overwatch đến từ việc nó được tạo ra để dành cho mọi người. Cứ được chơi là thích, và có những lớp nhân vật dành cho bất kỳ ai. Nếu bạn thích chơi Call of Duty, Soldier: 76 luôn sẵn sàng cho bạn pick. Những xạ thủ trong Destiny sẽ thấy hài lòng với Widowmaker, còn những người trót yêu Quake? Đừng ngần ngại pick Pharah vào làm gỏi đội hình đối phương.

Bản thân game cũng khiến mọi người cảm thấy hạnh phúc. Vì sao? Chỉ cần deal dam lên đối phương, và họ bị hạ gục, điều này được tính là elimination cho tất cả những game thủ “đóng góp”. Không có chỉ số kill như trước, cũng chẳng có những lần cáu gắt do đồng đội “vét” mạng của mình. Có thể bạn hạ gục ít, nhưng cuối trận vẫn có 20 30 elimination, đó là chuyện bình thường. "Win win situation", ai cũng vui, chả ai bực mình cả. Hết trận lại xem highlight và hăm hở bước vào trận đấu mới.

 

Cơ chế điều khiển và chiến đấu trong Overwatch được xây dựng giống như một tựa game bắn súng góc nhìn thứ nhất. Cơ chế điều khiển quen thuộc của dòng game bắn súng góc nhìn thứ nhất giúp người chơi nhanh chóng làm quen, tuy nhiên, không chỉ dừng lại với lối chơi bắn súng thông thường,Overwatch còn đưa vào thêm nhiều nội dung đặc biệt để tạo thêm hứng thú cho game thủ.

Một trong những nội dung mới trong cơ chế gameplay của Overwatch chính là việc tốc độ trận đấu được đẩy lên rất cao. Điều này đến từ tốc độ di chuyển, khả năng nhảy cao và phong cách bắn súng trong Overwatch diễn ra rất nhanh. Trong game, các động tác phụ gần như là không có, người chơi có thể thực hiện các thao tác rút súng, xả đạn gần như ngay lập tức hay thậm chí, đối với các loại súng ngắm, nhịp thay đạn giữa mỗi lượt bắn cũng được giảm thiểu đáng kể, giúp người chơi có thể nhắm bắn liên tục.

Mặc dù trong game, độ giật của các loại súng gần như là không có, nhưng việc ngắm bắn chuẩn xác từ xa trong Overwatch gần như là rất khó, do nhân vật có tốc độ rất nhanh, bên cạnh họ liên tục bay lượn, nhảy cao. Thiết kế nhân vật trong game cũng được chăm chút khi mỗi nhân vật đều sở hữu những skill riêng biệt, cũng như điểm mạnh và điểm yếu riêng. Lấy ví dụ, có nhân vật trong Overwatch thiên sử dụng súng ngắm, và nhân vật này có khả năng rất lợi hại, đó là... nhìn xuyên tường.

 

Tuy nhiên, skill này mặc dù bá đạo nhưng Reaper - Một sát thủ trong Overwatch lại sở hữu khả năng đặc biệt là có thể... blink xuyên qua tường. Điều này giúp cho nhân vật Reaper này có thể dễ dàng áp sát mục tiêu để xả đạn, hay chỉ đơn giản là vòng ra sau mục tiêu mà đối thủ không hề hay biết. Hoặc đối với những game thủ chưa quen với meta của game, họ có thể chọn những nhân vật đơn giản hơn nhưng vẫn cực kỳ bá đạo.

Chỉ cần chạy và bắn nhưng với sự hiện diện của những lớp nhân vật khác như tanker có tấm chắn năng lượng rất tiện lợi (Reinhardt), support hồi máu và buff damage (Mercy), hay thậm chí là cả anh robot vui tính Bastion với khả năng tự biến mình thành một trụ súng 6 nòng và lắp ráp những bẫy trên khắp bản đồ, và thậm chí có Ultimate khá bá đạo: Tự biến thành xe tank, lối chơi của Overwatch trở nên khác lạ hoàn toàn so với nhiều game bắn súng khác trên thị trường hiện nay.

Overwatch Open Beta

Hiện tại chế độ chơi của Overwatch khá ít ỏi, với những kiểu chơi như tấn công/phòng thủ cứ điểm, di chuyển mục tiêu về đích (escort payload). Tuyệt đối không có chế độ chơi team deathmatch. Blizzard nhấn mạnh đây là một tựa game đồng đội, và việc cố gắng giết người như mấy chế độ chơi nhạt nhẽo kia sẽ biến Overwatch trở thành một tựa game Call of Duty phiên bản lỗi.

Tuy nhiên game cũng không cho phép game thủ quá sa đà vào những trận đấu nghẹt thở hay những pha combat đầy cuốn hút, vì nếu làm như thế, bạn sẽ bỏ qua nhiệm vụ chính của mỗi màn chơi, đó là tấn công một cứ điểm trên bản đồ, hoặc hộ tống một con tàu trong vòng khoảng 15 phút. Mỗi trận đấu trong Overwatch có thời lượng khá ngắn và nhanh chóng, chỉ từ 7 đến 15 phút tùy vào khả năng của bạn và đồng đội. Chính nhờ thời lượng ngắn như thế này cùng với những pha combat đậm tính đồng đội sẽ cho phép game thủ có những phút giây thư giãn tuyệt nhất thay vì ngồi lỳ trước máy tính từ 30 phút đến 1 tiếng giống những trận CS:GO, DOTA 2 hay Liên Minh Huyền Thoại đầy mệt mỏi và… try hard.

 

Bản thân Overwatch khác biệt so với DOTA 2 hay LMHT, những tựa game tập trung vào các nhân vật có kỹ năng riêng chính là nhờ khả năng thay đổi tướng ngay giữa trận đấu. Game bắt buộc bạn phải thay đổi để thích nghi với từng trận đấu, từng tình huống khác nhau. Nếu là những game khác, chắc bạn chỉ muốn gõ GG cho nhanh để chơi game mới vì đã khóa nhân vật, và bạn chẳng làm được gì để xoay chuyển tình thế như trong Overwatch.

Như đã đề cập, Overwatch dành cho tất cả mọi người. Hero pool thì vẫn vậy, nhưng mỗi khi lên level nhờ XP có được sau mỗi trận đấu, bạn sẽ được mở hòm, mở khóa những món đồ, từ skin độc đáo cho tới cả những… câu nói của các nhân vật trong game. Bản thân game cũng rất dễ tính. Một game bạn có thể đổi nhân vật cả chục lần, nhưng XP vẫn được gộp chung.

Mỗi trận thắng cho bạn 500XP, nhưng nếu thua thì cũng chả sao, vì bên cạnh 500XP kể trên, cứ chơi hết trận là bạn sẽ có ngay 2500XP rồi. Cứ chơi nhiều sẽ có kinh nghiệm, và dĩ nhiên là quà tặng nữa.

 

Hiện tại game có 21 nhân vật. Dĩ nhiên vẫn sẽ có những điều game thủ chưa vừa ý. Một trong số đó là Bastion. Anh chàng robot tâm hồn treo ngược cành cây này hơi quá bá nếu được đặt vào phe phòng thủ, với khẩu 6 nòng 200 viên đủ sức hạ gục đến những tanker cứng nhất game như Reinhardt hay Winston. Thế nhưng bản thân Bastion lại là nhân vật dễ counter nhất vì ở chế độ 6 nòng, anh chàng chẳng chạy đi đâu được, cứ focus 1 lúc là sẽ lăn ra chết.

Một nhân vật khác đang cần buff là Symmetra. Ngoài việc xây turret và lập cổng teleport cho đồng đội, thì cô nàng có vẻ hơi “vô dụng” trong combat, theo lời của nhiều game thủ phản ánh.

Ở thời điểm hiện tại, có lẽ hai điểm trừ lớn nhất của Overwatch là: Quá gây nghiện (!) và chưa có chế độ chơi rank xếp hạng như nhiều game MOBA khác. Dĩ nhiên điểm trừ đầu tiên cũng khá khó nói, vì đối với một số người, game hay phải là điểm cộng, nhưng với tôi, chơi liên tục 8 tiếng đồng hồ vì game quá hay, quên cả ngủ lại là chuyện khác.

 

Trong khi đó dự kiến chế độ chơi ranked mode sẽ ra mắt sớm vào tháng sau, theo một số nguồn tin.

Tổng kết lại, chưa bao giờ (chúng) tôi lại yêu thích một tựa game và ham chơi đến như thế này. Bản thân các trang web lớn cũng đã dành cho Overwatch, một tựa game tưởng chừng đơn giản nhưng lại khó dứt ra nổi những điểm số cao ngất ngưởng, toàn 9 với 10. Chỉ nhiêu đó thôi cũng đã đủ chứng minh sức hút và khả năng của Overwatch đưa Blizzard trở lại thời hoàng kim trước đây rồi.

 

Theo Trí Thức Trẻ