Mới đây, Bộ LĐ-TB&XH phối hợp cùng Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) hoàn thiện Dự thảo Bộ Quy tắc ứng xử về phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc.
Dự thảo được bổ sung, cập nhật dựa trên Bộ Quy tắc ứng xử về phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc được ban hành năm 2015.
Quấy rối tình dục tại nơi làm việc được định nghĩa là hành vi có tính chất tình dục của bất kỳ người nào với người khác mà đối phương không mong muốn hoặc không chấp nhận.
Dự thảo đã chỉ ra ba hình thức quấy rối tình dục tại nơi làm việc bao gồm: Quấy rối bằng hành vi mang tính thể chất, quấy rối bằng lời nói và quấy rối bằng ngôn ngữ cơ thể.
Cụ thể, quấy rối bằng hành vi mang tính thể chất gồm: Hành động, cử chỉ, tiếp xúc, tác động vào cơ thể mang tính tình dục hoặc gợi ý tình dục, như cố tình động chạm không mong muốn, sờ mó, vuốt ve, cấu véo, ôm ấp, hay hôn; tới tấn công tình dục, cưỡng dâm, hiếp dâm.
Quấy rối tình dục bằng lời nói gồm: Lời nói trực tiếp, qua điện thoại, hoặc phương tiện điện tử có nội dung tính dục hoặc ngụ ý tình dục, có thể bao gồm những nhận xét không phù hợp về mặt xã hội, văn hóa và không được mong muốn; bằng những ngụ ý về tính dục như truyện cười gợi ý về tình dục hay những nhận xét về trang phục, hay cơ thể của một người nào đó khi có mặt hoặc hướng tới họ; những lời đề nghị, những yêu cầu không mong muốn hay lời mời đi chơi mang tính cá nhân, riêng tư một cách liên tục.
Quấy rối tình dục phi lời nói gồm ngôn ngữ cơ thể; trưng bày, miêu tả tài liệu trực quan về tình dục hoặc liên quan hoạt động tình dục trực tiếp hoặc qua phương tiện điện tử, như nhìn gợi tình, nháy mắt liên tục, biểu hiện không đứng đắn, cử chỉ ngón tay… Hình thức này cũng bao gồm việc phô bày các tài liệu khiêu dâm, hình ảnh, vật, các tin nhắn liên quan tới tình dục
Ngoài ra, dự thảo cũng loại trừ các hành vi bị coi là quấy rối tình dục tại nơi làm việc, như: Những lời khen hoặc khích lệ thông thường được chấp nhận, hoặc phù hợp về văn hoá, đạo đức xã hội; hành vi giao cấu đồng thuận (trừ hành vi cấm như giao cấu với trẻ em), được bên kia tiếp nhận hay đáp ứng lại; những hành vi quấy rối tình dục nhưng không diễn ra tại nơi làm việc và không chịu điều chỉnh bởi pháp luật lao động mà chịu điều chỉnh bởi pháp luật khác.
So với bộ quy tắc cũ, dự thảo bổ sung thêm các hành vi quấy rối tình dục nhưng không diễn ra tại nơi làm việc thì không được xác định là quấy rối tình dục tại nơi làm việc và không chịu sự điều chỉnh của pháp luật lao động mà chịu sự điều chỉnh của các quy định pháp luật khác.
Bộ LĐ-TB&XH đánh giá quấy rối tình dục tại nơi làm việc có thể xảy ra dưới nhiều hình thức, dạng trao đổi như gợi ý, đe dọa, ép buộc đổi quan hệ tình dục lấy lợi ích; hoặc không nhằm trao đổi nhưng khiến môi trường làm việc khó chịu và bất an; làm ảnh hưởng xấu tới môi trường làm việc, hạn chế sự bình đẳng giới; gây ảnh hưởng tâm lý, sự lo lắng, căng thẳng cho nạn nhân, dẫn đến môi trường làm việc không an toàn, hiệu suất làm việc giảm sút.
Quấy rối tình dục tại nơi làm việc là một hình thức phân biệt đối xử dựa trên giới tính và bị nghiêm cấm tại môi trường làm việc. Do đó, hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc cần được ngăn chặn, phòng ngừa thông qua các quy định, biện pháp cụ thể.
Bộ quy tắc ứng xử về phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc không phải là văn bản pháp lý nên không bắt buộc áp dụng, song được khuyến nghị áp dụng cho tất cả loại hình doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động; dù sản xuất hay kinh doanh, dịch vụ; cả khu vực công và khu vực tư nhân; bất kể quy mô... nhằm làm "trong sạch" môi trường làm việc.
Bộ quy tắc này cũng yêu cầu người sử dụng lao động phải xây dựng và công bố các hành vi được xem là quấy rối tình dục bị nghiêm cấm tại nơi làm việc, đưa vào nội quy đơn vị; xây dựng và áp dụng các biện pháp để ngăn ngừa, phòng chống và xử lý.
Năm 2015, lần đầu tiên các cơ quan quản lý đưa ra Bộ quy tắc phòng chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc, khuyến nghị áp dụng cho toàn thể doanh nghiệp. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất để bộ quy tắc đi vào thực tiễn là doanh nghiệp không sẵn lòng thực hiện khi không phải văn bản pháp luật, không có chế tài xử phạt.
Chuyên gia Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam khuyến nghị doanh nghiệp nên thực hiện bởi chỉ có lợi mà không mất gì, đặc biệt doanh nghiệp xuất khẩu, nhiều lao động nữ.
Gia Văn