Không đạt được một Tuyên bố chung tại hội nghị vừa qua, không có nghĩa là ASEAN sẽ thất bại và từ bỏ tiến trình COC.
Ngày 13/7 vừa qua Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN 45 đã kết thúc, song đây là lần đầu tiên các quốc gia thành viên không đạt được Tuyên bố chung như thường lệ, do những bất đồng liên quan đến tranh chấp trên biển Đông. Theo đó, mong muốn đạt được thỏa thuận về "Bộ quy tắc ứng xử giữa các bên ở biển Đông" (COC) nhiều khả năng sẽ không thành hiện thực trong năm 2012.
Điều này có thể khiến các nước ASEAN trực tiếp liên quan đến tranh chấp với Trung Quốc thất vọng về vai trò của cả khối trong việc mang lại một giải pháp phù hợp cho vùng biển này.
Tuy nhiên, hãy nhìn vào mặt tích cực của vấn đề. Thất bại luôn đem đến cơ hội cho thành công lớn hơn.
Việc lần đầu tiên không thể ra Tuyên bố chung trong lịch sử tồn tại 45 năm qua của tổ chức này sẽ giúp cả khối nhìn nhận tốt hơn về những khiếm khuyết.
Đồng thời, mặc dù sự cố này có thể làm chậm lại tiến trình COC giữa ASEAN với Trung Quốc, nhưng một cách tiếp cận "chậm mà chắc" sẽ mang lại hòa bình lâu dài cho cả khu vực.
Giáo sư Mark J.Valencia, Viện Hàng hải Malaysia, trong bài nghiên cứu "Tranh chấp biển Đông đi về đâu?"[1] đã nhận định rằng "Những người chậm và chắc sẽ chiến thắng cuộc đua".
Phương cách ASEAN vẫn còn giá trị
Nhận định của Mark Valencia hoàn toàn phù hợp với Phương cách Asean (ASEAN-way), các nước ASEAN đạt được thỏa thuận dựa trên cách thức tiệm tiến, thông qua quá trình xây dựng sự đồng thuận một cách từ từ, phù hợp với các bên có liên quan.
Phương cách ASEAN làm cho ASEAN trở nên khác biệt. Nó đã chứng tỏ sự hiệu quả trong việc kết nối 10 thành viên khác nhau về chế độ chính trị, trình độ kinh tế và đa dạng về văn hóa trong một tổ chức khu vực tồn tại suốt 45 năm qua.
Trên thực tế ASEAN đã tạo cảm hứng và thậm chí cả mô hình hoạch định chính sách cho nhiều tổ chức khu vực khác, kể cả các tổ chức quy mô toàn khu vực như APEC. Có lẽ có ai đó sẽ sốt ruột với văn hóa đồng thuận có phần chậm chạp này, nhưng xét cho cùng, chính trị là nghệ thuật của sự kiên nhẫn, thận trọng và kiềm chế nhiều hơn là các giá trị đối lập.
Chẳng hạn mặc dù "đi nhanh" hơn nhưng EU đã vấp phải những sai lầm từ những quyết định vội vã, từ việc nhất thể hóa nền kinh tế đến việc kết nạp các thành viên mới. Nếu nhìn vào cách EU xử lý vấn đề nợ công hiện nay, người ta sẽ thấy EU cũng có nhiều khiếm khuyết cần được khắc phục.
Trong tiến trình COC, nhìn chung các nước ASEAN đã vận dụng Phương cách ASEAN để thu hẹp sự khác biệt trong quan điểm giữa các nước thành viên và giữa ASEAN với Trung Quốc. Không đạt được một Tuyên bố chung tại hội nghị vừa qua, không có nghĩa là ASEAN sẽ thất bại và từ bỏ tiến trình COC. Sau sự bỏ lỡ này, ASEAN sẽ có thêm cơ hội và lý do để ngồi lại bàn bạc với nhau nhiều hơn, tạo nhận thức chung và mạnh mẽ hơn trong giải quyết tranh chấp trên biển nói riêng và duy trì hòa bình ổn định cho khu vực. Theo hướng này, các vấn đề của hiệp hội như vai trò của nước Chủ tịch hay cách ra quyết định chung chắc chắn sẽ được bàn thảo, bổ sung, hoàn thiện.
Nhỏ mới tối ưu
Những bước tiến nhỏ của ASEAN trong tiến trình COC như hiện nay được xem như là công thức tối ưu trong cuộc đua giữa một siêu cường với 10 nước vừa và nhỏ. ASEAN ắt hẳn đang áp dụng bài học của chú rùa nhỏ, chậm chạp nhưng cần mẫn, kiên trì và không bỏ cuộc trên chặng đường dài đàm phán COC. Một khi không thể sử dụng sức mạnh kinh tế và tầm ảnh hưởng chính trị lên bàn cân, ASEAN vẫn còn một "vũ khí lợi hại", đó là sự kiềm chế và nhẫn nại, những giá trị lý tưởng của chính trị quốc tế.
Cùng với nỗ lực thúc đẩy DOC và COC, ASEAN đã thực hiện nhiều biện pháp khác trong việc giải quyết tranh chấp biển Đông. Cả khối đã và đang cố gắng đưa biển Đông vào chương trình nghị sự chính của các diễn đàn khu vực mà ASEAN là trung tâm như EAS, ARF, ADMM+,... Ngoài ra, bản thân ASEAN cũng đang thúc đẩy những sáng kiến nhằm thúc đẩy an ninh, an toàn hàng hải như Diễn đàn biển Đông Nam Á, Tuyên bố ASEAN về tìm kiếm và cứu nạn người và tàu bè gặp nạn trên biển...Những nỗ lực trên có thể không mang lại thành công tức thời nhưng vẫn có tác dụng hạn chế những động thái gây hấn và tăng cường hợp tác. Mặc dù cả khối không thể đạt được Tuyên bố chung như mong muốn tại Hội nghị ASEAN vừa qua, nhưng có thể thấy rằng vấn đề biển Đông đã và còn tiếp tục nóng hơn bao giờ hết trên bàn hội nghị giữa các nước trong khối cũng như với các đối tác ngoài khối.
Thành công lâu dài
"Chậm mà chắc" sẽ mang đến thành công lâu dài hơn cho ASEAN. Nếu ASEAN quá vội vã trong việc đạt được thỏa thuận COC, những gì mà cả khối thu được có thể chỉ là một văn kiện tượng tự như DOC, mặc dù có giá trị nhưng mang tính ràng buộc.
Lịch sử quan hệ quốc tế đã chứng minh rằng một khi bất đồng chưa thể giải quyết thỏa đáng thì thỏa thuận giữa các bên liên quan có thể bị đổ vỡ bất cứ lúc nào. Hệ thống Versailles được thiết lập vội vã sau Thế chiến thứ nhất nhằm củng cố hòa bình, nhưng do không giải quyết triệt để mâu thuẫn giữa các nước đế quốc nên đã không ngăn được Thế chiến thứ hai. Một thỏa thuận như vậy sẽ "lợi bất cập hại". Trong tiến trình giải quyết tranh chấp biển Đông, những bước tiến chậm của ASEAN như hiện nay là hết sức quan trọng để thực sự tháo gỡ những vướng mắc giữa các bên liên quan trước khi tiến đến một Bộ quy tắc mang tính ràng buộc và mang đến ổn định lâu dài cho cả khu vực.
Trong vòng một năm vừa qua, Trung Quốc đã tiến hành hàng loạt các động thái gây hấn trên thực địa, lòng tin của cả khối đối với Trung Quốc đã bị sứt mẻ, thậm chí tại một vài thời điểm và trên một vài phương diện mức độ đã trở nên đáng lo ngại. Trung Quốc cũng không muốn làm mất đi hình ảnh "hòa bình" của con gấu trúc. Đồng thời, từ đầu năm đến nay, Mỹ đã đẩy nhanh tiến trình chuyển hướng chiến lược sang châu Á với hàng loạt các động thái ngoại giao và triển khai chính sách. Trong bối cảnh đó, các bên có thể sẽ phải thể hiện thiện chí nhiều hơn trong quá trình đàm phán. Nắm bắt lấy cơ hội này cùng với nhu cầu ngồi lại bàn bạc sau sự cố vừa qua, ASEAN có thể sẽ nhích thêm một bước trong tiến trình COC.
Các nước thành viên, đặc biệt là các nước trực tiếp trong tranh chấp vẫn có quyền lạc quan vào những bước đi nhỏ như hiện nay của ASEAN trong tiến trình mang lại hòa bình, ổn định thực sự cho khu vực./.
Nguyễn Thùy Anh-Lê Thạch Hà
[1] Mark.J Valencia, Whither the SCS dispute?, Maritime Institute of Malaysia, http://www.iseas.edu.sg/aseanstudiescentre/ascdf2a.pdf