Nhiều người bảo đây là một tác phẩm độc lạ mà người chơi phải tốn nhiều công sức. Còn chủ nhân của nó thì cho rằng, vì nhà quá nhiều xe không có chỗ đậu, đành dựng tạm vào gốc cây sau nhiều năm lãng quên.

“Tác phẩm” bị bỏ quên

Bên trong khu vườn rộng hàng ngàn m2 trên mặt tiền đường Hồ Văn Cống là những căn nhà cổ hàng trăm năm tuổi nối dài, cùng với đó là khu sân vườn, cây cảnh, hoa lá được chủ nhân sưu tầm, nhọc công cắt tỉa, chăm sóc mỗi ngày.

Khi đến đây, không ít người mê mẩn trước cảnh đẹp của một làng quê thu nhỏ qua cách chơi khá độc lạ của ông chủ quán cháo vịt. Càng đặc biệt hơn khi bên trong những căn nhà gỗ, mái ngói cổ có tuổi đời từ 100 - 150 tuổi còn được “trưng bày” nhiều chiếc xe máy được sản xuất cách đây hàng chục, thậm chí cả 100 năm.

{keywords}
Ông Tâm bên chiếc xe máy có tuổi đời hàng chục năm tuổi được rễ cây cổ thụ bao bọc

Tuy nhiên, trong muôn vàn món đồ độc lạ ấy, du khách gần xa đến đây không khỏi ngạc nhiên, cũng như ấn tượng với chiếc xe máy được bao bọc dưới bộ rễ của cây đa cổ thụ. Ngay cả chủ nhân của nó là ông Hồ Minh Tâm cũng cho rằng: “Có những thứ còn quý hơn cả tiền. Đến một lúc con người ta không quá nặng gánh với cái ăn, cái mặc thì họ sẽ quan tâm nhiều hơn những thứ ngoài tiền”. Và chiếc xe máy được ông lưu giữ dưới gốc cây cổ thụ cũng là món đồ mà ông yêu thích nhất.

Đứng bên dưới gốc đa già trong sân vườn, ông Tâm nhớ rõ từng cộng rễ cây đã quấn chặt vào chiếc xe máy từ lúc nào. “Cách đây đã 35 năm, khi tôi bắt đầu có tiền mua thêm nhiều xe máy và có những chiếc đã cũ không sử dụng đến, tôi đem dựng ra bên ngoài sân, trong đó có chiếc xe Yamaha đang nằm dưới gốc cây này.

Ngày đó tôi chưa mê xe cổ như bây giờ. Mỗi ngày tôi sử dụng các chiếc xe đời mới để đi lại. Một thời gian dài, khi tôi nhìn lại nó thì phát hiện đã có 3 rễ cây bằng ngón cái tay thòng xuống, ôm trọn vào thân xe và gim xuống đất. 1 rễ ở bánh trước của xe, 1 rễ giữa thân xe và 1 rễ gần khu vực biển số xe.

Lúc đầu tôi định chặt bỏ các rễ cây để lấy xe ra đem đi sơn sửa, vì đây chiếc xe đầu đời tôi sử dụng, rất ý nghĩa. Nhưng sau đó thấy nó đẹp quá, một chiếc xe máy được lưu giữ bên dưới gốc cây cổ cụ cũng hay, vậy là tôi giữ nguyên hiện trạng”, ông Tâm nhớ lại.

Trải qua hàng chục năm nằm bên dưới gốc cây, phơi sương, phơi nắng, nhưng lạ thay chiếc xe ấy đến bây giờ vẫn còn nguyên hình, từ màu sơn cho đến biển số, máy, khung, niềng… đặc biệt màu sơn của xe gần như không thay đổi nhiều. Có người khi đến đây, tận mắt nhìn vào xe còn bảo rằng, chắc ngày trước ông Tâm phải lợp mái bên gốc cây để che cho “tác phẩm” không bị phai tàn theo năm tháng.

{keywords}
Một góc sân vườn, nhà cổ trong khuôn viên rộng hàng ngàn m2 của gia đình ông Tâm

Ông Tâm cười rồi cho biết: “Không bao giờ có chuyện đó. Chiếc xe tồn tại với thời gian là do thời ấy xe nào cũng sản xuất rất tốt, máy móc bền bỉ chứ không như bây giờ sản xuất xe phải chạy theo thị trường, cạnh tranh giá để bán. Chiếc xe của tôi là dòng xe được sản xuất ở Nhật nguyên chiếc. Khi nhập khẩu về nước còn trong thùng, nên có thể nói siêu bền”.

Giá xe bằng 1.000 con vịt

Tìm hiểu về chiếc xe máy “thần thánh” một thời, ông Tâm cho biết bản thân ông đã phải nỗ lực làm việc chăm chỉ mới có đủ tiền mua. Từ thời chưa là tuổi thanh niên, ông theo ba mình đi buôn bán khắp nơi, chăn nuôi đủ loại. Khu sân vườn tiền tỷ của ông bây giờ, ngày xưa là cánh đồng ẩm thấp nằm cạnh làng sơn mài truyền thống, nơi mà các nghệ nhân lành nghề đã sản xuất hàng triệu kỷ vật được đưa đi khắp các nước.

Ngày đó, khi làm lụng có chút vốn liếng ông tìm ra đây nuôi vịt tạo dựng cơ ngơi. Trời không phụ lòng người thanh niên chăm chỉ, đàn vịt sinh sôi nảy nở. Ông nuôi vịt có tiếng trong vùng, về sau khi người mua tìm đến ngày càng nhiều, ông mở quán chế biến món cháo vịt để phục vụ khách hàng.

Vào những năm 1980, ông gom đủ tiền mua được chiếc xe máy Yamha biển số61A-3535 đang nằm dưới gốc cây cổ thụ. Chiếc xe máy vào thời đó là cả một khối tài sản lớn chứ không đơn thuần là phương tiện đi lại như bây giờ.

Ông Tâm nhớ lại: “Tôi mua xe vào lúc mà mọi người đang đi xe đạp, còn học sinh thì phải đi bộ đến trường. Quý lắm, cả vùng quê này lúc đó mới có tổng cộng 5 chiếc xe máy. Ngoài tôi thì hầu hết những người có xe đều là những ông chủ giàu có trong vùng. Giá chiếc xe này lúc đó khoảng 19.000 đồng, gần 2 cây vàng. Nếu quy ra vịt khoảng 1.000 con, tương đương 150 triệu đồng vào thời điểm hiện tại.

{keywords}
Theo thời gian, dầm mưa nắng hàng chục năm, chiếc xe máy của ông Tâm vẫn còn nguyên hình dáng

Thời tôi mua xe là đang tuổi thanh niên mới lớn, chưa có gia đình nên nói thật lúc mình ngồi lên cái xe đi công việc hay dạo mát được mọi người nhìn ngắm, ngưỡng mộ”. Kể đến đây, gương mặt ông chủ quán vịt có tuổi đời ngoài 60 lộ rõ niềm vui, cũng như niềm tự hào của một thời “nhất trai làng”. Có thể hiểu, tuy ông không phải con nhà quyền quý hay công tử giàu sang trong vùng, mà con của một nông dân chân lắm, tay bùn thì càng được người khác yêu mến.

Và thành quả lao động miệt mài sau hàng chục năm của ông đã được đền đáp đúng nghĩa. Không chỉ có một gia đình hạnh phúc, mà công việc làm ăn luôn thuận lợi. Món cháo vịt đã giúp ông làm nên cơ nghiệp được gia đình tiếp tục gìn giữ và phát huy.

Giờ đây, khi tuổi đã cao và kinh tế khá giả thì người con của làng sơn mài lại có một suy nghĩ khác. Không ngại bỏ tiền, thậm chí mất nhiều công sức đi sưu tầm các món đồ như nhà cổ, xe cổ đem về khuôn viên của mình để gìn giữ. Những căn nhà mục nát của người khác, qua bàn tay tái tạo, lắp ghép của ông trở nên có hồn và đầy sức sống. Đó là những căn nhà mà mái ngói cũng như cách thiết kế đều gắn với vùng quê Tương Bình Hiệp một thời, chứ không phải mua từ nơi khác đem về tạo dựng.

Những chiếc xe máy Honda Super Cub, Vespa hay những chiếc xe có hình thù như chiếc xe đạp được sản xuất gần cả trăm năm, từng lăn bánh trên vùng đất làng sơn mài… Ông sưu tầm và chơi những món đồ chỉ người Tương Bình Hiệp từng sử dụng, cách chơi có chọn lọc. Với ông, thú chơi ấy thể hiện rõ tình yêu với quê hương, làng xóm.

Chiếc xe máy độc lạ bên dưới gốc cây cổ thụ chỉ là một trong hàng trăm món đồ ở làng sơn mài mà ông đang sưu tầm và giữ gìn. Ngày nay, không ít du khách trong và ngoài nước khi đến làng nghề sơn mài tham quan, mua sắm, họ đã tìm đến quán cháo vịt của ông để thưởng thức, ngắm nhìn chiếc xe “thần thánh” một thời. Trong số đó, có biết bao người con xa quê tìm về đây để được một lần thưởng thức hương vị xưa, ngắm nhìn lại cái không gian làng quê đang được ông Tâm lưu giữ.

“Nhiều người đã đến đây hỏi mua chiếc xe máy được bao bọc bên dưới gốc đa cổ thụ với giá cả trăm triệu đồng, họ bứng luôn cây nhưng tôi không bao giờ bán. Bởi bây giờ, chiếc xe không còn là một món đồ giá trị, mà còn gắn với tôi cả một thời trai trẻ. Giá bao nhiêu tôi cũng không bán”, ông Tâm nói.
 
(Theo Báo Bình Dương/ Dân Việt)