Sau nhiều năm đi làm ăn xa, thi thoảng mới có dịp về thăm nhà, anh T. bất ngờ khi hai đứa con của mình đều không cùng huyết thống sau khi xét nghiệm ADN.
Lời tòa soạn:
Xét nghiệm ADN để xác định quan hệ huyết thống ngày càng phổ biến. Kết quả xét nghiệm ADN có thể giúp giải tỏa được những bức xúc trong lòng nhưng ngược lại nó cũng có thể mang đến sự tổn thương, rạn vỡ cho người trong cuộc. Công nghệ xét nghiệm ADN ra đời hơn 30 năm và đến nay nó đã trở thành phổ biến trên thế giới và ở Việt nam. Tại Việt Nam không chỉ ở các cơ sở y tế ở trung ương mà ở một số tỉnh cũng có labo xét nghiệm ADN. Những câu chuyện dở khóc, dở cười từ labo xét nghiệm ADN đã được chúng tôi ghi lại.
Kỳ 1: Ông bố trẻ sốc khi hai con đều không cùng huyết thống
Mối nghi ngờ từ lời chúc mừng sinh nhật lạ
Tìm tới Viện Pháp y Quốc gia, Hà Nội, anh N.T.T (37 tuổi, trú tại Ninh Bình) bày tỏ mong muốn làm công nghệ xét nghiệm ADN để xác định huyết thống hai đứa con của mình. Công việc của anh T. làm lái tàu viễn dương, thời gian ở nhà vô cùng ít. Một năm anh về thăm gia đình được 3-4 lần. Trong 3 năm dịch bệnh, thời gian này càng hiếm hoi hơn.
Gần đây, anh T. cắt phép một tháng về quê để nghỉ ngơi bên gia đình. Một ngày, anh thấy có người lạ gửi quà tới cho cô con gái nhỏ với lời chúc: “Mừng sinh nhật con gái yêu”. Bản thân anh thấy nghi ngờ và gặng hỏi vợ. Tuy nhiên, vợ anh từ chối giải thích. Chị cho rằng bạn bè đồng nghiệp gửi quà cho bé và người ta trêu.
Khi trong lòng đã nảy sinh nghi ngờ, người đàn ông này vẫn cố gắng đi tìm lời giải cho mình về huyết thống của con. Anh bắt đầu nhìn con kỹ hơn. Cô bé không giống mẹ cũng không giống bố. Lên Hà Nội tập huấn, anh tranh thủ cầm mẫu tóc của con để làm xét nghiệm ADN. Kết quả giám định kết luận anh và con gái út không cùng huyết thống.
Mất hết niềm tin vào vợ, anh T. vẫn im lặng không nói về kết quả. Anh tiếp tục gọi con ra bấm móng tay và lấy mẫu móng. Anh hy vọng đi xét nghiệm cho yên tâm, con trai chắc chắn sẽ là con chung của họ. Kết quả giám định một lần nữa khiến anh sốc, con trai 11 tuổi không cùng huyết thống với bố.
Một trường hợp khác là anh B.V.L (Yên Bái) cũng mang mẫu xét nghiệm ADN của hai con đến khoa Y - Sinh học, Viện Pháp y Quốc gia để xác định huyết thống.
Ngày đến lấy kết quả, anh L. đã tâm sự câu chuyện của mình với các giám định viên. Đi xuất khẩu lao động được 4 năm, mỗi năm, người đàn ông này xin phép về với vợ 2 đợt. Khi anh đi xuất khẩu lao động, đứa con đầu của anh lên 5 tuổi. Anh đi được 2 năm thì vợ anh mang thai đứa con gái thứ 2. Bây giờ, cháu cũng lên 2. Mỗi lần về thăm vợ, anh lại nghe hàng xóm nói bóng nói gió về vợ anh có mối quan hệ ngoài luồng với người cùng cơ quan.
Đợt này, khi về nghỉ phép một tuần, thấy vợ tỏ thái độ lạnh lùng, không muốn gần gũi với chồng, anh quyết định từ Yên Bái xuống Hà Nội xét nghiệm ADN cho hai đứa con để tìm ra sự thật. Anh mong kết quả khả quan không hy vọng sự việc sẽ bị đẩy xa như lời đồn đại. Không ngờ kết quả xét nghiệm ADN kết luận: Con trai đầu có quan hệ huyết thống bố - con với anh, còn con gái thứ hai thì không.
"Mẹ dặn không được cho ai nhổ tóc"
Một người đàn ông khác tên Đ.N.M. (45 tuổi, trú Vĩnh Phúc) mặc nguyên đồng phục của cơ quan tìm đến Khoa Y - Sinh học, Viện Pháp y quốc gia làm thủ tục xét nghiệm ADN xác định mối quan hệ huyết thống bố - con. Hai mẫu của các con một trai, một gái được anh tự lấy mẫu ở nhà, còn mẫu của người cha được nhân viên của viện trực tiếp lấy.
Ngày có kết quả xét nghiệm, anh M. tới lấy trong tâm trạng vội vàng, mong đợi. Khi cầm hồ sơ kết quả, anh M. vội mở và đọc dòng chữ kết luận cho thấy hai đứa trẻ không cùng huyết thống với mình.
Anh M. cho biết hai vợ chồng cưới nhau được 6 năm và hai vợ chồng có với nhau 2 đứa con, một con trai 4 tuổi, một con gái 2 tuổi. Công việc của anh làm ở Nam Trung bộ, thi thoảng mới về nhà chơi. Đợt này, anh xin nghỉ phép gần 2 tuần muốn chơi cùng con lâu hơn nhưng vợ anh lại luôn lấy cớ xa lánh chồng, không cho chồng chơi cùng với con.
Anh nảy sinh ra những mối nghi ngờ khác khi cậu con lớn còn nói rằng “mẹ dặn không được cho ai nhổ tóc”. Anh M. quyết định đi xét nghiệm ADN hai đứa con để giải tỏa khúc mắc trong lòng. Bản thân anh chỉ muốn làm xét nghiệm và chưa bao giờ nghĩ hai đứa trẻ đều không phải con mình. Cầm tờ kết quả giám định, anh M. đau đớn vô cùng, sự thật quá khắc nghiệt với người đàn ông trung niên này.
Thạc sĩ Chu Thị Thủy, Giám định viện khoa Y - Sinh học, Viện Pháp y quốc gia, chia sẻ đây chỉ là những câu chuyện điển hình trong hàng nghìn mẫu giám định ADN huyết thống mà khoa nhận được. Mỗi mẫu xét nghiệm ADN là một câu chuyện về gia đình, về cuộc sống của họ. Đôi khi, giám định viên còn trở thành người lắng nghe tâm sự, thậm chí tư vấn tâm lý cho khách hàng.
Chi Tiền tỷ muốn thay đổi kết quả ADN
Khi một trong hai người không còn niềm tin, họ nghi ngờ đối phương, có bức xúc trong lòng không thể giải tỏa. Kết quả ADN giống như một cơ sở để giải quyết vấn đề. Có rất nhiều người nhờ ADN đã cứu vớt được hạnh phúc trước nguy cơ tan vỡ nhưng cũng có người đau khổ tột cùng khi sự thật phơi bày.