Thông tin từ Bộ NN-PTNT, xuất khẩu nông lâm thuỷ sản của nước ta tăng mạnh. Cụ thể, 7 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu đạt 28,6 tỷ USD, tăng 26,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Riêng tháng 7/2021, xuất khẩu nông sản mang về 4,2 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu nhóm nông sản chính đạt 12,2 tỷ USD, tăng 15%; lâm sản chính đạt khoảng 10,2 tỷ USD, tăng 54%; thủy sản đạt trên 4,9 tỷ USD, tăng 12%; chăn nuôi ước đạt 254 triệu USD, tăng 16%.
Bộ NN-PTNT nhận định, dù nỗ lực đạt được tăng trưởng xuất khẩu đáng kể, song từ nay đến cuối năm, sản xuất, tiêu thụ nông sản vẫn đối mặt với một số khó khăn nhất định khi tình hình Covid-19 đang diễn biến ngày càng phức tạp.
Thêm vào đó, tại thị trường xuất khẩu nông sản truyền thống là Trung Quốc đang ngày càng thắt chặt các quy định về xuất nhập khẩu hàng hóa. Cụ thể, Trung Quốc tăng cường kiểm tra hàng hóa, khử trùng hàng hóa, phương tiện vận chuyển hàng xuất khẩu từ vùng dịch của Việt Nam;
Phía Trung Quốc cũng tiếp tục thực hiện quản lý và truy xuất nguồn gốc hàng hóa, do đó thời gian thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu bị kéo dài, đồng thời tăng cường quản lý đội lái xe tại cửa khẩu.
Không chỉ vậy, Trung Quốc thực hiện nghiêm ngặt công tác phòng chống dịch, bệnh Covid-19 thông qua đội lái xe chuyên trách làm tăng thời gian giải phóng hàng, đôi khi khi xẩy ra ùn ứ cục bộ. Việc này kéo theo, lượng xe thông quan qua các cửa khẩu Lào Cai, Hữu Nghị... chỉ khoảng 130-140 xe. Đây là con số rất khiêm tốn so với thời gian trước dịch.
Bộ NN-PTNT đang tích cực tháo gỡ rào cản kỹ thuật trong xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc, đồng thời đẩy mạnh mở rộng các thị trường xuất khẩu mới |
Ngoài ra, các thị trường xuất khẩu chính gia tăng áp dụng rào cản kỹ thuật thương mại, điều tra nguồn gốc đối với một số nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam,…
Để khắc phục những khó khăn, vướng mắc nêu trên trong xuất khẩu nông sản, đồng thời hoàn thành “mục tiêu kép” của ngành nông nghiệp, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, thời gian tới, phía Bộ sẽ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội ngành hàng tập trung giải quyết khó khăn về kỹ thuật, thuận lợi hóa thông quan, hạ tầng logistics, không để ứ đọng hàng hóa trên các tỉnh biên giới với Trung Quốc và các thị trường xuất khẩu trọng điểm.
Bên cạnh đó, Bộ sẽ đẩy mạnh tổ chức thúc đẩy xuất khẩu, mở cửa thị trường, hỗ trợ thông tin doanh nghiệp xuất khẩu nông sản về các hiệp định thương mại, hướng dẫn doanh nghiệp, địa phương về thực thi chính sách, quy định của các thị trường xuất khẩu phù hợp với tình hình dịch Covid-19.
Ngoài ra, các cơ quan chức năng của Bộ NN-PTNT sẽ phối hợp chặt chẽ với các Tham tán thương mại của Việt Nam tại nước ngoài, hỗ trợ địa phương, doanh nghiệp xuất khẩu nông sản đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang các thị trường EU, Anh, Trung Quốc, Nhật Bản,...., Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho hay.
Với lĩnh vực thuỷ sản, Thứ trưởng Tiến khuyến cáo các địa phương tập trung phát triển nuôi trồng các loại thủy sản chủ lực (tôm sú, tôm chân trắng, cá tra) và các loại có giá trị kinh tế cao; giải quyết dứt điểm việc gỡ “thẻ vàng” của châu Âu.
Còn ở lĩnh vực lâm nghiệp, sẽ thực hiện hiệu quả Hiệp định VPA/FLEGT để gia tăng xuất khẩu gỗ, sản phẩm gỗ sang EU.
Hiện, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) tiến hành rà soát, hoàn thiện các báo cáo kỹ thuật để tiếp tục nộp hồ sơ, đàm phán mở cửa thị trường mới cho nông sản Việt Nam; bổ sung các căn cứ kỹ thuật nhằm cải tiến các biện pháp xử lý kiểm dịch thực vật, tạo thuận lợi cho việc xuất khẩu.
Theo Nguyễn Thị Thu Hương- Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, giải pháp quan trọng là các địa phương phải xây dựng các vùng trồng, cơ sở đóng gói đủ điều kiện cấp mã số, hướng tới mục tiêu quản lý chất lượng nông sản ngay từ gốc phục vụ xuất khẩu.
Tại các vùng trồng được cấp mã số, người nông dân tập hợp thành các hợp tác xã để cùng sản xuất theo một quy trình, có ghi chép quá trình trồng trọt, trao đổi kinh nghiệm với nhau để nâng cao chất lượng sản phẩm. Thực tế từ vụ vải thiều đang diễn ra cho thấy, giá của trái vải ở vùng trồng được cấp mã số cao hơn nhiều so với trái vải ở vùng trồng không được cấp mã số.
Bà Hương cũng lưu ý, việc sản xuất phải tuân thủ hướng dẫn chung của Tổ chức Nông lương Liên Hợp quốc và Tổ chức Y tế thế giới, về những biện pháp phòng chống dịch trong chế biến thực phẩm.
"Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ".
Bài và ảnh: Thu Thủy