Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà vừa ký một loạt văn bản gửi đoàn Đại biểu Quốc hội một số tỉnh, thành trả lời kiến nghị của cử tri gửi tới Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, trong đó có đoàn TP.HCM và Hà Nội.
Phụ cấp ưu đãi nghề 100% với cán bộ y tế dự phòng, y tế cơ sở
Cụ thể, cử tri TP.HCM đề nghị quan tâm về chế độ, chính sách đối với đội ngũ cán bộ, công chức nói chung, nhất là chế độ tiền lương cho ngành y tế và giáo dục nói riêng vì hiện nay chế độ lương vẫn còn thấp.
Trả lời, Bộ Nội vụ cho biết, viên chức ngành y tế và giáo dục ngoài việc được áp dụng chế độ tiền lương, phụ cấp theo chế độ tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập như viên chức nói chung còn được áp dụng chế độ phụ cấp đặc thù, chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề.
Hiện nay, Bộ Y tế đang xây dựng, trình Chính phủ Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 56/2011 cho phù hợp Kết luận số 25 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 38 của Chính phủ về chương trình phòng, chống dịch Covid-19 theo hướng áp dụng mức phụ cấp ưu đãi nghề 100% đối với cán bộ y tế dự phòng, y tế cơ sở.
Đối với ngành giáo dục được áp dụng chế độ phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy trong các cơ sở giáo dục công lập, chế độ phụ cấp thâm niên nhà giáo.
Chế độ tiền lương, phụ cấp hiện hành được thực hiện từ tháng 10/2004 đến nay, mặc dù đã được điều chỉnh, bổ sung nhiều lần nhưng tiền lương, thu nhập và đời sống của cán bộ, công chức, viên chức nói chung và của viên chức ngành y tế, giáo dục nói riêng vẫn còn nhiều khó khăn.
Căn cứ Nghị quyết số 27/2018 của Hội nghị Trung ương 7, Khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp và Kết luận của Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII về thời điểm thực hiện cải cách chính sách tiền lương mới, Bộ Nội vụ sẽ phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu xây dựng các nội dung cụ thể của chế độ tiền lương mới.
Đồng thời căn cứ tình hình kinh tế - xã hội, khả năng ngân sách năm 2022 và những năm tiếp theo, trình Chính phủ báo cáo Trung ương và Quốc hội thời điểm thực hiện cải cách chính sách tiền lương để tăng lương cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang (trong đó có đội ngũ y tế và giáo viên), bảo đảm phù hợp với yêu cầu tại Nghị quyết số 27.
Xây dựng chế độ tiền lương mới
Cử tri Hà Nội đề nghị cần nghiên cứu, tham mưu Chính phủ sớm thực hiện lộ trình cải cách tiền lương, nâng mức lương tối thiểu cho phù hợp với tình hình phát triển của xã hội và sự tăng giá cả, tránh tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần gia tăng trong thời gian vừa qua; quan tâm đến đối tượng giáo viên, cán bộ, công chức ở cấp xã, phụ cấp đối với cán bộ thôn, tổ dân phố.
Trả lời, Bộ Nội vụ khẳng định đã trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 107/2018 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 27 về cải cách tiền lương. Trong đó, Chính phủ đã phân công nhiệm vụ cho các bộ, cơ quan liên quan xây dựng cụ thể các nội dung của chế độ tiền lương mới, thực hiện từ năm 2021 theo lộ trình.
Tuy nhiên, do tác động của nhiều yếu tố bất lợi, đặc biệt là ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-l9 nên Hội nghị Trung ương 13 khóa XII và Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII đã chỉ đạo lùi thời điểm thực hiện cải cách chính sách tiền lương mới vào thời điểm phù hợp.
Vì vậy, trong năm 2021, 2022, dự toán ngân sách nhà nước chưa bố trí kinh phí để tăng lương và phụ cấp đối với cán bộ, công chức, viên chức (bao gồm cả cán bộ, công chức cấp xã) và lực lượng vũ trang.
Về cải cách chính sách tiền lương đối với người lao động trong khu vực doanh nghiệp và chế độ bảo hiểm xã hội một lần, Bộ Nội vụ cho biết, Nghị định số 38/2022 quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động, trong đó đã quy định mức lương tối thiểu tháng và mức lương tối thiểu giờ áp dụng từ ngày 1/7 vừa qua.
Cụ thể, mức lương tối thiểu vùng: Vùng I là 4.680.000 đồng/tháng; Vùng II là 4.160.000 đồng/tháng; Vùng III là 3.640.000 đồng/tháng, Vùng IV là 3.250.000 đồng/tháng. Tính bình quân 4 vùng là 3.932.500 đồng/tháng (tăng khoảng 6%).
Về mức lương tối thiểu giờ theo vùng: Vùng I là 22.500 đồng/giờ; Vùng II là 20.000 đồng/giờ; Vùng III là 17.500 đồng/giờ, Vùng IV là 15.600 đồng/giờ.
Theo phân công của Chính phủ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có chức năng quản lý nhà nước về chế độ BHXH (trong đó có chế độ BHXH một lần), Bộ Nội vụ phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trình cấp có thẩm quyền quy định chế độ này cho phù hợp, khắc phục tình trạng rút BHXH một lần gia tăng trong thời gian qua như ý kiến cử tri nêu.
Về chế độ phụ cấp đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố, theo quy định hiện hành, việc quy định các chế độ, tiêu chuẩn, định mức đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố ngoài mức khoán theo quy định của Chính phủ thì do UBND cấp tỉnh trình HĐND cùng cấp xem xét, quyết định theo quy định.
Bộ Nội vụ sẽ phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu xây dựng các nội dung cụ thể của chế độ tiền lương mới, trình cấp có thẩm quyền thời điểm thực hiện cải cách chính sách tiền lương để tăng lương cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang (trong đó có đội ngũ giáo viên) và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố.