
Tại họp báo Bộ Nội vụ ngày 28/4, ông Phan Trung Tuấn, Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương cho biết căn cứ quy định tại Nghị quyết số 76/2025 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính năm 2025, địa phương chủ động việc đặt tên, đổi tên của đơn vị hành chính cấp xã cho phù hợp với thực tiễn của địa phương.
Địa phương quyết chuyện đặt tên xã, phường
Việc đặt tên đảm bảo tên gọi dễ đọc, dễ nhớ, ngắn gọn, bảo đảm tính hệ thống, khoa học, phù hợp với các yếu tố truyền thống lịch sử, văn hóa của địa phương và được nhân dân đồng tình ủng hộ.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội định hướng khuyến khích đặt tên của đơn vị hành chính cấp xã theo số thứ tự hoặc theo tên của đơn vị hành chính cấp huyện (trước sắp xếp) có gắn với số thứ tự để thuận lợi cho việc số hoá, cập nhật dữ liệu thông tin.

Tên của đơn vị hành chính cấp xã không được trùng với tên của đơn vị hành chính cùng cấp trong phạm vi đơn vị hành chính cấp tỉnh hoặc trong phạm vi đơn vị hành chính cấp tỉnh dự kiến hình thành sau sắp xếp.
Dự kiến, Bộ Nội vụ sẽ trình Chính phủ đề án chung về sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã trước ngày 6/5 để trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.
Trong khi đó, tên của đơn vị hành chính cấp tỉnh hình thành sau sắp xếp sẽ được đặt theo tên của một trong các đơn vị hành chính trước sắp xếp, phù hợp với định hướng sắp xếp đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Vì vậy theo ông Phan Trung Tuấn, các địa phương toàn quyền quyết định việc đặt tên đơn vị hành chính cấp xã sau sắp xếp. Theo đó, có thể dùng một trong những tên của đơn vị hành chính cấp xã hiện nay, hoặc có thể theo danh nhân, hoặc theo đơn vị hành chính cấp huyện để đặt tên.
“Việc đặt tên có gắn với con số hay không cũng do địa phương toàn quyền quyết định để đạt được hiệu quả trong quản lý và tạo sự đồng thuận trong nhân dân. Bộ Nội vụ không đề xuất phải theo phương án nào”, Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương nói.
Giữ nguyên người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố
Liên quan đến người hoạt động không chuyên trách cấp xã, ông Tuấn cho biết chủ trương của Trung ương là "kết thúc việc sử dụng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã khi mô hình tổ chức chính quyền địa phương hai cấp đi vào hoạt động". Bộ Nội vụ đang nghiên cứu đề xuất chính sách hỗ trợ cho nhóm đối tượng này.
Bộ Nội vụ đang yêu cầu các địa phương báo cáo để tổng hợp lại số liệu cán bộ dôi dư, kể cả số liệu người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, và những người đang làm việc ở cấp xã hiện nay.
"Liên quan đến người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, chúng ta đang phân loại xã khi bố trí người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã. Loại 1 có 14 người, loại 2 có 12 người, loại 3 có 10 người. Như vậy, trung bình mỗi xã có khoảng 12 người hoạt động không chuyên trách, trong khi chúng ta đang có hơn 10.000 xã; sơ bộ có thể tính được số người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã hiện nay”, ông Tuấn nói.
Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương cũng khẳng định "chỉ kết thúc hoạt động của người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, còn ở thôn và tổ dân phố thì giữ nguyên”. Hiện nay chưa có chủ trương của cấp có thẩm quyền về việc dừng sử dụng người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố.
"Bộ Nội vụ sẽ nghiên cứu, dự kiến năm 2026 sẽ trình Chính phủ ban hành một nghị định về tổ chức hoạt động của thôn, tổ dân phố, trong đó có chế độ chính sách cho người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố", ông Tuấn thông tin.


