- Một số trường hợp việc chuyển đổi vị trí công tác, tuyển chọn, quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm cán bộ còn thiếu minh bạch, có biểu hiện tiêu cực, “chạy chức, chạy quyền”.
Theo báo cáo của Chính phủ về công tác phòng chống tham nhũng năm 2017 gửi QH, cả nước đã chuyển đổi vị trí công tác 29.261 cán bộ, công chức, viên chức. Thực hiện việc chuyển đổi là cần thiết nhằm phòng ngừa tham nhũng, tuy nhiên, một số nơi thực hiện chưa thường xuyên, còn hình thức, thiếu kiểm tra, thanh tra.
Một số trường hợp có biểu hiện tiêu cực
Theo UB Tư pháp của QH, việc chuyển đổi vị trí công tác đã được Chính phủ quan tâm, chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện. Tuy nhiên, qua giám sát, phản ánh của dư luận cử tri và báo chí cho thấy việc chuyển đổi đối với một số vị trí công tác chưa phù hợp, nhất là ở các vị trí chỉ có một cán bộ, công chức, viên chức đảm nhiệm hoặc vị trí công tác đòi hỏi tính chuyên môn, nghiệp vụ cao.
Một số trường hợp việc chuyển đổi vị trí công tác, tuyển chọn, quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm cán bộ còn thiếu minh bạch, có biểu hiện tiêu cực, “chạy chức, chạy quyền”.
Có trường hợp điều động, bổ nhiệm cán bộ thiếu nhiều điều kiện, tiêu chuẩn, phẩm chất, năng lực, đặc biệt là chưa đáp ứng điều kiện về chuyên môn, nghiệp vụ, bằng cấp, chưa thật sự tiêu biểu, thiếu kinh nghiệm thực tế.
Qua kết quả thanh tra, kiểm tra của Bộ Nội vụ từ năm 2011 đến tháng 9/2017 tại một số bộ, ngành, địa phương cho thấy, việc bổ nhiệm lãnh đạo, quản lý còn nhiều trường hợp thiếu điều kiện, tiêu chuẩn của chức danh lãnh đạo; trong đó thiếu điều kiện về trình độ chuyên môn (thậm chí thiếu bằng đại học theo quy định) như ở các tỉnh Đắk Nông, Thái Bình, Thanh Hóa, Bắc Ninh.
Kết quả thanh tra của Bộ Nội vụ cũng cho thấy, việc bổ nhiệm lãnh đạo, quản lý còn thiếu về các điều kiện, tiêu chuẩn khác (trình độ lý luận chính trị, quản lý nhà nước, chứng chỉ ngoại ngữ…) diễn ra phổ biến ở nhiều bộ, ngành, địa phương như Bộ NN&PTNT, tỉnh Gia Lai, Thái Bình, Sóc Trăng…
Thậm chí, có trường hợp bổ nhiệm cả cán bộ có trách nhiệm trong việc làm thua lỗ, thất thoát lớn vốn, tài sản nhà nước như trường hợp bổ nhiệm Trịnh Xuân Thanh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang; bổ nhiệm lãnh đạo quản lý ở Ban chỉ đạo Tây Nam bộ, Sở Xây dựng tỉnh Thanh Hóa…
Ngược lại, cũng có trường hợp lợi dụng việc điều động, điều chuyển công tác để trù dập cán bộ…
UB Tư pháp cũng chỉ ra tình trạng công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý tham gia kinh doanh hoặc để người thân trong gia đình kinh doanh trong lĩnh vực do mình trực tiếp quản lý.
Tình trạng bố trí người thân trong gia đình vào vị trí vi phạm pháp luật Phòng chống tham nhũng; bổ nhiệm, đề bạt người thân vào các vị trí lãnh đạo, quản lý khi chưa đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định.
Một số vụ việc sau khi được dư luận phản ánh đã được cơ quan chức năng khẩn trương kiểm tra, xử lý nghiêm và khắc phục như việc bổ nhiệm lãnh đạo quản lý đối với con trai bị bệnh tâm thần xảy ra tại BV Đa khoa huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp; vụ việc “cả họ làm quan” xảy ra tại huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương…
Theo UB Tư pháp, thực tế này đang gây bức xúc, bất bình trong dư luận, làm giảm sút lòng tin của nhân dân về công tác phòng chống tham nhũng.
Hối lộ bằng tặng quà diễn ra rất phức tạp
Về tặng quà và nộp lại quà tặng, trong năm qua, Chính phủ, Thủ tướng đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương quán triệt và thực hiện nghiêm túc chỉ thị của Ban Bí thư nghiêm cấm tặng quà cho cấp trên dưới mọi hình thức.
Thủ tướng chỉ đạo kiểm tra, rà soát và yêu cầu chấm dứt ngay tình trạng các bộ, ngành, địa phương nhận xe ô tô do DN biếu tặng, đặc biệt là các DN có các hoạt động kinh doanh trong phạm vi quản lý.
Đồng thời thực hiện việc kiểm soát chặt chẽ các xe ô tô đã tiếp nhận trước đây theo đúng quy định về quản lý tài sản nhà nước và sử dụng đúng chế độ, định mức, tiêu chuẩn. Đã xử lý kỷ luật cán bộ cấp cao thiếu gương mẫu trong việc nhận, sử dụng xe ô tô do DN biếu, tặng và sử dụng 2 nhà ở của DN tại Đà Nẵng.
UB Tư pháp đánh giá cao sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng. Tuy nhiên, trong thực tế việc tặng quà để giải quyết công việc, đặc biệt là hối lộ bằng hình thức tặng quà vẫn còn diễn ra rất phức tạp, dưới nhiều hình thức, nhất là việc lạm dụng phong tục truyền thống của dân tộc trong thăm hỏi, tặng quà nhân dịp lễ, tết, hiếu, hỉ…
Việc nộp lại quà tặng hầu như chỉ được thực hiện sau khi phát hiện có sai phạm. Qua một số vụ án được đưa ra xét xử gần đây, dư luận rất bức xúc trước việc tặng quà của ngân hàng Oceanbank và chi hoa hồng cho bác sỹ của công ty cổ phần VN Pharma.
Cụ thể trong vụ án buôn lậu xảy ra tại công ty cổ phần VN Pharma, các bị cáo khai nhận đã chi tiền "hoa hồng" cho bác sĩ tại nhiều bệnh viện lên tới 7,5 tỷ đồng để được bác sĩ kê đơn thuốc cho bệnh nhân.
Trong vụ đại án xảy ra tại Oceanbank, ông Ninh Văn Quỳnh đã thừa nhận và nộp lại 20 tỷ đồng đã nhận của Nguyễn Xuân Sơn. Trong vụ án nhận hối lộ, cơ quan điều tra đã thu giữ tại nhà Nguyễn Trường Duy, cán bộ Hải quan TP.HCM 64 phong bì với tổng cộng gần 1 tỉ đồng, là số tiền hối lộ của các DN…
Mong Bộ Chính trị ra quyết sách với tội phạm chạy chức quyền
ĐB Đỗ Văn Đương cho rằng, chỉ có Bộ Chính trị mới giải đáp và đưa ra các quyết sách để tấn công loại “tội phạm” chạy chức, chạy quyền.
Tổng bí thư: Nghe chuyện chạy chức xót cả ruột
Dư luận nói chuyện chạy chức, chạy quyền, chạy luân chuyển ... bao nhiêu tỷ vào chức này chức kia... - Tổng bí thư nói tại hội nghị công tác tổ chức xây dựng Đảng.
Lầm lẫn tai hại về chạy chức
Anh có nhiều tiền thì mua được nhà đẹp, nhiều người muốn mua một cái nhà đẹp thì cơ bản ai trả giá cao sẽ mua được. Nhưng nếu chức vụ mà đem đấu thầu thì hệ thống hành chính chắc phải đổi là hệ thống hành chính tiền tệ.
Tẩu tán nhân sự
Trong lịch sử tư pháp của nước ta, có lẽ đây là lần đầu tiên người ta nghe đến cụm từ “tẩu tán nhân sự”.
Yêu cầu Bộ Nội vụ xử nghiêm chạy chức
QH yêu cầu Bộ Nội vụ xử lý nghiêm các biểu hiện tiêu cực chạy việc, chạy chức, chạy quyền trong quy hoạch, tuyển dụng, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ, công chức.
Thu Hằng