Tình trạng “ngồi nhầm ghế”, không đúng vai, không thuộc bài còn phổ biến. Nhiều lãnh đạo DNNN có thẩm quyền đưa ra các quyết định có rủi ro cao mà không phải chịu trách nhiệm tương xứng.

LTS- Cho rằng nguyên nhân thất bại của các doanh nghiệp nhà nước thời gian vừa qua chủ yếu xuất phát từ công tác nhân sự, PGS.TS. Lê Quân ĐB Quốc hội, Phó giám đốc ĐHQGHN đề xuất cần chuẩn hóa năng lực và trách nhiệm của lãnh đạo các doanh nghiệp này trong bối cảnh mới. Bởi hiện nay cơ chế quản lý DNNN vẫn còn tình trạng “vừa đá bóng, vừa thỏi còi”, mù mờ trách nhiệm.

Ông đánh giá thế nào về hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) thời gian qua?

Gần đây, không ít người  “dị ứng”, thiếu thiện cảm khi nhắc đến DNNN  vì nhìn chung hiệu quả hoạt động của DNNN còn thấp, không ít doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, tham nhũng.

Nhưng không phải tất cả đều như vậy. Những DNNN như Vinamilk, Sabeco, SaigonTourism... là niềm tự hào của thương hiệu Việt. Mặc dù sản xuất kinh doanh ở những lĩnh vực cạnh tranh cao. Và trong môi trường đó các doanh nghiệp này đã nhanh chóng đổi mới mô hình quản trị và kinh doanh, và có tăng trưởng tốt.

Theo ông, những nguyên nhân nào dẫn đến các thất bại của DNNN như báo chí đã nêu?

Có thể thấy nguyên nhân ban đầu là do đầu tư không đúng năng lực cốt lõi của doanh nghiệp, đầu tư ngoài ngành gây thất thoát, đầu tư vượt quá giới hạn cho phép về quản trị rủi ro tài chính.

{keywords}
ĐBQH Lê Quân. Ảnh: Hoàng Anh

Nhưng nhìn sâu xa, nguyên nhân chính dẫn đến sự thất bại của nhiều DNNN là do cơ chế và nhân sự quản lý điều hành của chính các doanh nghiệp đó.

Đầu tư của các DNNN chạy theo tư duy chủ quan, duy ý chí mà không chú ý đến đầu tư linh hoạt và chú trọng phát triển chuỗi giá trị toàn cầu, phân tán rủi ro. Các dự án đầu tư với số vốn lớn thường nhắm vào các tài sản cố định, bất động sản nên nhanh chóng trở thành gánh nặng và các món nợ cho doanh nghiệp khi thị trường suy thoái. Vinashine là ví dụ điển hình. Hay môt số dự án lãng phí nhiều chục ngàn tỷ vừa qua ở Bộ Công thương là do đầu tư chạy theo phân khúc mà các nhà đầu tư thế giới không dám mạo hiểm bởi hệ số đầu tư tài sản cố định quá cao, thì nguy cơ trở thành con nợ là hiện hữu khi thị trường biến động. Quá chú trọng mua sắm tài sản, công nghệ "cứng" có lợi cho người mua và người bán, nhưng nguy hại cho lợi ích quốc gia.

Xin ông nói cụ thể hơn về những điểm yếu trong quản lý, điều hành tại các DNNN?

Thứ nhất, cơ chế quản lý điều hành và giám sát các DNNN chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. Chúng ta tiếp cận chưa chuẩn giữa quản trị công ty và quản lý nhà nước. Vận hành của các DNNN không đi đúng theo các nguyên lý cơ bản của quản trị công ty đáp ứng yêu cầu của thị trường.

Thứ hai, các quy định hiện hành chưa phân định được rõ trách nhiệm, quyền hạn, nghĩa vụ, quyền lợi của từng cá nhân và tập thể, cũng như trách nhiệm của cơ quan chủ quản. Tình trạng “ngồi nhầm ghế”, không đúng vai, không thuộc bài còn phổ biến. Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp có thẩm quyền đưa ra các quyết định có rủi ro cao mà không phải chịu trách nhiệm tương xứng.

Vậy cần phải làm những gì để có thể sửa chữa các lỗ hổng như ông vừa nói?

Thứ nhất, các doanh nghiệp vận hành phải đảm bảo các nguyên lý: minh bạch, hiệu quả, phòng ngừa rủi ro kinh doanh, phòng tránh được nguy cơ lạm quyền của đội ngũ lãnh đạo. Cơ chế quản trị DNNN của Việt Nam cần phải tuân thủ nghiêm túc các nguyên tắc này.

Mặc dù hầu hết các thành viên hội đồng thành viên đều do cơ quan chủ quản bổ nhiệm để đại diện phần vốn nhà nước. Hội đồng thành viên hoạt động theo nguyên tắc tập thể lãnh đạo. Nhưng thực tế vẫn hình thành tư duy cấp trên cấp dưới giữa ủy viên và chủ tịch hội đồng thành viên. Quy định hiện hành thiếu cơ chế kiểm soát quyền lực của chủ tịch hội đồng thành viên.Giữa các thành phần vẫn thiếu tính độc lập. Đôi khi rất khó phân định được đâu là quyết định của cá nhân chủ tịch hội đồng thành viên và đâu là quyết định ký đại diện cho hội đồng.

Thứ hai, phân định vai trò giữa hội đồng thành viên, ban tổng giám đốc chưa phù hợp với thông lệ quản trị. Tình trạng vừa đá bóng, vừa thổi còi trong quản trị công ty tại DNNN còn phổ biến. Đây là nguyên nhân dẫn đến khó thuê giám đốc điều hành là người nước ngoài.

Thứ ba, quy chế đánh giá lãnh đạo doanh nghiệp chưa bám sát bộ chỉ số đánh giá hiệu suất hoạt động của doanh nghiệp. Khi việc đánh giá vẫn được tiến hành bởi bản thân đội ngũ lãnh đạo doanh nghiệp hoặc lãnh đạo cơ quan chủ quản, tính minh bạch không cao, không kịp thời.

Cơ chế thanh tra, kiểm toán hiện hành chủ yếu dừng lại ở tuân thủ quy định của pháp luật; chưa nhấn sâu và kịp thời đến hiệu quả và kết quả thực hiện các chỉ số kinh doanh theo quý, sáu tháng và hàng năm. Tình trạng trách nhiệm đẩy cho tập thể, thành tích dành cho cá nhân; các quyết định sai chưa gắn với văn hóa từ chức, cơ chế đào thải, bồi thường và chịu trách nhiệm hình sự. Khác với doanh nghiệp tư nhân, nhiều ứng viên không dám nhận chức lãnh đạo vì áp lực và trách nhiệm; thì dường như tại DNNN ai cũng mong muốn và sẵn sàng đón nhận cơ hội được bổ nhiệm vào vị trí lãnh đạo doanh nghiệp bởi quyền lợi nhiều nhưng trách nhiệm không cao.

Thứ tư, hội đồng thành viên các DNNN thiếu vắng chuyên gia độc lập, chuyên gia tài chính, pháp lý có năng lực quản trị rủi ro cao. Chính vì vậy, năng lực quản trị rủi ro cho các dự án đầu tư trung và dài hạn rất hạn chế.

Thứ năm, khi chúng ta đề cao vai trò của các bộ, ngành để thẩm định và phê duyệt chủ trương thì tiềm ẩn nguy cơ "quy trình" đúng, nhưng đáp án có thể không phù hợp với nhu cầu thị trường.

Vừa rồi đã có rất nhiều động thái từ Chính phủ cho thấy quyết tâm đổi mới quản lý DNNN. Ông có chia sẻ gì về câu chuyện này?

Chính phủ đang xây dựng đề án đổi mới quản lý DNNN theo hướng sẽ thành lập ủy ban quản lý vốn nhà nước và xóa bỏ cơ chế bộ chủ quản. Chủ trương này đúng và phù hợp trong bối cảnh hiện nay. Một số hướng nên ưu tiên giải quyết bao gồm:

Thứ nhất, cần đổi mới mô hình quản trị. Trong đó làm rõ mô tả công việc, quyền hạn, trách nhiệm, quyền lợi của ủy ban quản lý vốn, của người đại diện vốn, của từng thành viên hội đồng thành viên, của chủ tịch hội đồng thành viên, của tổng giám đốc, của giám đốc tài chính, giám đốc nhân sự… Phân định rõ: vai trò định hướng, vai trò điều hành và vai trò kiểm soát. Cần tách biệt vai trò định hướng và kiểm soát ra khỏi vai trò điều hành; tạo tiền đề để thuê giám đốc điều hành.

Thứ hai, phải làm sao để tăng tính phản biện, tăng vai trò của chuyên gia và có cơ chế kiểm soát quyền lực trong hoạt động của hội đồng thành viên. Bên cạnh hoạt động của ban kiểm soát, cần có hoạt động đánh giá định kỳ của ủy ban kiểm toán độc lập. Cần chuẩn hóa quy trình phê duyệt các dự án đầu tư có số vốn lớn để tăng cường phản biện.

Thứ ba, đổi mới cơ chế giao kế hoạch kinh doanh hàng năm, gắn với ứng dụng bộ chỉ số KPI, gắn với trách nhiệm giải trình và cơ chế bổ nhiệm, miễn nhiệm theo kết quả thực hiện kế hoạch được giao. Nên mạnh dạn bỏ hẳn cơ chế quản lý công chức với lãnh đạo DNNN. Mạnh dạn áp dụng cơ chế thù lao theo kết quả kinh doanh với lãnh đạo doanh nghiệp thay vì trả lương theo trần như quy định hiện hành; nhưng thanh toán có lộ trình để gắn trách nhiệm với các rủi ro tài chính trung hạn.

Thứ tư, ban hành bộ chuẩn khung năng lực với các chức danh lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp để qua đó đào tạo, bồi dưỡng, sàng lọc. Cần loại bỏ việc luân chuyển nhân sự giữa các vụ, cục từ đơn vị chủ quản sang làm việc tại các doanh nghiệp.

Quản trị công ty khác về bản chất với quản lý nhà nước. Một lãnh đạo doanh nghiệp đòi hỏi phải đáp ứng chuẩn khung năng lực sát với từng vị trí đảm nhận.

Cám ơn ông đã dành thời gian.

Minh Châu thực hiện