Chia sẻ trên mạng xã hội Trung Quốc, một phụ huynh nước này cho biết, đã chi 700.000 nhân dân tệ (tương đương 2,4 tỷ đồng) trong 3 năm cho con học thêm để đổi lấy 645/750 điểm tại kỳ thi tuyển sinh đại học. Xoay quanh câu chuyện có không ít ý kiến trái chiều. Nhiều người đặt câu hỏi, với sự đầu tư lớn như vậy kết quả đạt được có xứng đáng? Để trả lời cho câu hỏi này, theo Sohu cần xét trên nhiều yếu tố.
Thứ nhất, từ góc độ kinh tế, 700.000 NDT là số tiền lớn, thậm chí là gánh nặng với nhiều gia đình. Khoản tiền này, phụ huynh có thể sử dụng cho nhiều mục đích như mua nhà, đầu tư hay tiết kiệm cho tương lai. Việc đầu tư cho con học thêm không mang lại "lợi nhuận" rõ ràng. Điểm cao có thể đỗ đại học top đầu, nhưng thành công trong cuộc sống còn phụ thuộc các yếu tố như kỹ năng mềm, kinh nghiệm thực tế và cả may mắn.
Điểm thi đại học không chỉ phụ thuộc vào học thêm, còn liên quan đến sự nỗ lực, phương pháp học và môi trường học tập. Đầu tư nhiều tiền cho con học thêm nếu kết quả không như kỳ vọng sẽ là rủi ro lớn. Ngay cả khi con đạt điểm cao đỗ đại học tốt, cơ hội việc làm và sự phát triển nghề nghiệp tương lai vẫn là ẩn số không thể sắp đặt trước.
Thứ hai, dưới góc độ giáo dục, việc đối mặt với kỳ vọng lớn của gia đình có thể gây áp lực tâm lý cho học sinh, dẫn đến lo âu, thậm chí trầm cảm. Sự căng thẳng ảnh hưởng sức khỏe thể chất, tinh thần và kết quả học tập của học sinh. Quá tập trung học thêm để đạt điểm cao làm hạn chế sự phát triển của trẻ. Nếu phụ thuộc nhiều vào giáo viên trong quá trình học sẽ khiến học sinh thiếu khả năng tư duy độc lập, giao tiếp và làm việc nhóm…
Áp lực học cũng gây tác động tiêu cực đến học sinh. Lớn lên trong môi trường học tập căng thẳng khiến các em dễ mất niềm yêu thích và sự nhiệt huyết với việc học, thậm chí còn sợ đến trường. Hơn nữa, học thêm với chi phí cao tạo rào cản đối với học sinh khó khăn, làm gia tăng bất bình đẳng trong giáo dục. Dù vướng nhiều tranh cãi nhưng phải khẳng định học thêm đã hỗ trợ học sinh lấp đầy lỗ hổng kiến thức và đạt kết quả tốt kỳ thi đại học.
Thứ ba, về góc độ xã hội, câu chuyện phản ánh rõ nét tình trạng lo lắng của phụ huynh đối với nền giáo dục hiện tại ở Trung Quốc. Để giúp con nổi bật trong kỳ thi đại học đầy cạnh tranh, phụ huynh sẵn sàng đầu tư lớn. Điều này, vô tình biến việc học tập trở nên thực dụng.
Câu chuyện đặt ra vấn đề của nền giáo dục Trung Quốc. Một mặt, kỳ thi đại học là phương thức để tuyển chọn nhân tài, trong đó điểm thi đóng vai trò quan trọng. Mặt khác, liệu việc đánh giá năng lực và tiềm năng phát triển tương lai của học sinh chỉ dựa trên điểm số có hợp lý không? Hay nền giáo dục nước này có nên chú trọng vào rèn luyện phẩm chất và khả năng sáng tạo của học sinh?