Trong báo cáo gửi các Đại biểu Quốc hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư giải trình ý kiến đề nghị chuẩn bị giải pháp ứng phó với nguy cơ Mỹ tuyên bố vỡ nợ, vượt quá trần nợ công để hạn chế thấp nhất tác động tới kinh tế Việt Nam.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho hay, Mỹ là thị trường nợ công lớn nhất thế giới. Mức nợ công đã chạm trần 31.400 tỷ USD vào tháng 1/2023. Mỹ chiếm khoảng 1/3 tổng số trái phiếu toàn cầu và Trái phiếu kho bạc Mỹ được coi là tài sản phi rủi ro đứng đầu, mang lại lợi nhuận đảm bảo cho các nhà đầu tư lớn nhỏ và chính phủ nhiều nước. Đây cũng là cơ sở để định giá các công cụ tài chính khác.
Hiện, nguy cơ nước Mỹ phải tuyên bố vỡ nợ đã cận kề nếu mức trần nợ công của Mỹ không được nâng lên trong thời gian đến đầu tháng 6/2023. Nếu Mỹ phải tuyên bố vỡ nợ, hậu quả sẽ rất nặng nề và tác động sâu rộng đến toàn bộ nền kinh tế thế giới.
Tác động đầu tiên và trực tiếp nhất là nhà đầu tư sẽ mất niềm tin vào đồng USD, khiến nền kinh tế suy yếu nhanh chóng. Vỡ nợ có thể dẫn đến kinh tế Mỹ suy thoái.
Moody's Analytics ước tính ngay sau khi vỡ nợ, nền kinh tế Mỹ sẽ giảm gần 1% và tỷ lệ thất nghiệp tăng từ 3,4% lên 5%, khiến khoảng 1,5 triệu người mất việc làm.
Đối với Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng nếu Mỹ vỡ nợ có thể ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam theo 3 kênh tác động chủ yếu: xuất khẩu; thị trường chứng khoán và thị trường tiền tệ, ngoại hối.
Để ứng phó với nguy cơ Mỹ vỡ nợ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, cần chuẩn bị một số giải pháp như sau: Điều hành chắc chắn, linh hoạt các công cụ của chính sách tiền tệ, bảo đảm thanh khoản và an toàn hệ thống ngân hàng, sẵn sàng các biện pháp can thiệp để xử lý các sức ép về lãi suất, tỷ giá, bảo đảm điều hành thị trường tiền tệ, ngoại hối ổn định, thông suốt.
Ngoài ra, Bộ cũng kiến nghị có giải pháp về truyền thông, củng cố, ổn định tâm lý nhà đầu tư trên thị trường tài chính, chứng khoán; Tiếp tục đa dạng hóa hoạt động sản xuất phục vụ xuất khẩu và thị trường xuất khẩu để tránh phụ thuộc vào số ít thị trường.
Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp để phục hồi đầu tư sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường tiêu dùng trong nước, tăng sức chống chịu cho nền kinh tế; đẩy nhanh triển khai thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, trong đó chú trọng đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công một cách hiệu quả. Nghiên cứu khả năng thực hiện một Chương trình phục hồi và phát triển KTXH mở rộng cho giai đoạn đến năm 2025;
"Theo dõi sát diễn biến phản ứng chính sách của các nước, đối tác lớn, động thái dịch chuyển các dòng vốn đầu tư khu vực và toàn cầu để tiếp tục có đối sách, giải pháp thu hút đầu tư nước ngoài phù hợp, hiệu quả", Bộ Kế hoạch và Đầu tư lưu ý.
Tuy nhiên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cập nhật thông tin từ Mỹ cho thấy, Tổng thống Mỹ Joe Biden thuộc Đảng Dân chủ và Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy thuộc Đảng Cộng hòa đã đạt thỏa thuận về nguyên tắc vào cuối ngày 27/5 về việc nâng trần nợ công, ngăn nước Mỹ vỡ nợ vào tháng 6 tới.