Công văn gửi Hà Nội của Bộ GD-ĐT đề nghị thành phố chỉ đạo tuyển sinh vào trường THPT chuyên đúng quy định thu hút nhiều ý kiến trái chiều. VietNamNet xin giới thiệu bài viết của độc giả Ánh Ngọc (Hà Nội) về vấn đề này. Nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm riêng của tác giả.
Bạn đọc có ý kiến xin gửi về email: [email protected]. Xin trân trọng cảm ơn.
|
Năm sau nữa con tôi mới lên lớp 6, và gia đình tôi kỳ vọng con vào được các trường top cấp 2 của thành phố, mà xếp thứ tự ưu tiên thì lớp 6 THCS như Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam là số 1.
Do đó, mấy hôm nay, tôi theo dõi rất kỹ thông tin về việc Hà Nội có thể phải dừng tuyển lớp 6 trường Ams cũng như các dòng tranh luận trên nhiều hội, nhóm ở mạng xã hội và báo chí về câu chuyện này.
Là người sắp trong cuộc và đã cùng con chuẩn bị cho "cuộc chiến" - tôi có thể nói đây thật sự là một "cuộc chiến" - giành một suất vào "Ams2" như dự định lâu nay, tôi xin có một vài chia sẻ. Theo tôi, mong muốn con học tập trong môi trường tốt, với đa phần thầy cô, bè bạn ưu tú không có gì là sai. Quan trọng là phải xác định đó là mong muốn của con hay của cha mẹ.
Đầu tiên, những phụ huynh có con đang học tiểu học như tôi hiện nay đa phần là cuối 7x và 8x, thậm chí có phụ huynh 9x. Cùng với sự phát triển kinh tế xã hội và khoa học công nghệ, chúng tôi được tiếp cận với lượng thông tin đa chiều nhiều hơn hẳn những thế hệ phụ huynh trước nên phải khẳng định rằng, việc định hướng cho con vào học ở đâu hầu như không phải theo phong trào hay kỳ vọng cá nhân. Chúng tôi có nghiên cứu, xem xét, tham khảo từ nhiều luồng thông tin cũng như tiếp xúc thực tế.
Nhưng đồng thời, phụ huynh cũng cân nhắc, xác định sức học của con để có kế hoạch rõ ràng cho từng giai đoạn, nhằm phát huy hiệu quả tốt nhất đối với năng lực của bé. Như trường hợp của con tôi, ngay từ khi học mầm non rồi lên lớp 1, bé đã thể hiện sức học nổi trội của mình so với các bạn đồng trang lứa.
Khi nhận ra điều này, gia đình tôi nghiêm túc cho con học tiếng Anh, tìm hiểu các lớp luyện thi lớp 6 vào Ams 2, chuyên ngữ và các trường chất lượng cao rồi bắt đầu cho bé theo học từ năm lớp 2. Chúng tôi cũng cho bé tham gia tất cả những cuộc thi dành cho học sinh tiểu học mà bé thấy hào hứng, và bé đã đạt được nhiều giải thưởng từ các cuộc thi này.
Không nên chê trách, bỉ bôi phụ huynh hám thành tích nên bắt con khổ học từ cấp 1 để vào trường Ams hay những trường chất lượng cao khác mà hãy nhìn những điều tốt đẹp hơn. Chắc chắn rằng các phụ huynh cho con đi thi đã nhìn thấy một môi trường mà con mình gặp được những người bạn giỏi để cùng phấn đấu, học hỏi vì cổ nhân đã đúc kết rằng "học thầy không tày học bạn".
Tôi biết không ít bạn bè của bé cùng chung "chí hướng" thi vào lớp 6 trường top đều có lực học cực tốt và nổi trội ở cả các hoạt động ngoại khóa. Thậm chí, các bé này do có bố mẹ sắp xếp được thời khóa biểu khoa học và học tốt nên việc học không quá áp lực, các con vẫn có thời gian chơi, hoạt động thể thao và có những chuyến đi trải nghiệm ngoài thành phố.
Vậy thì, nếu được học chung với các bạn như vậy chẳng phải là quá tốt cho con mình hay sao? Những em này học cùng một trường không chỉ tốt về mặt học thuật mà còn tốt cho sự phát triển tâm lý, vì kể cả trẻ con cũng thích nói chuyện, học hành với những người tương đồng trình độ, suy nghĩ.
Còn nói về áp lực cạnh tranh gay gắt trong việc thi tuyển đầu vào và học tập sau này sẽ ảnh hưởng tới cuộc sống của con thì theo tôi, trong giáo dục, sự cạnh tranh và việc giành thành tích cao có những giá trị tích cực. Có cạnh tranh mới thúc đẩy sự phát triển, mới có cái mới.
Còn nói về khía cạnh kinh tế, rõ ràng học phí ở trường công rẻ hơn so với các trường ngoài công lập rất nhiều. Cho dù vấn đề này không quá quan trọng đối với những gia đình có kinh tế vững - có lẽ là số đông phụ huynh ở "Ams 2", nhưng mặt khác, với những bé có gia đình kinh tế bình thường mà trúng tuyển thì đây thì rõ ràng hết sức đáng khuyến khích. Các con sẽ được học ở một môi trường phát huy được năng lực mà nếu chỉ có hệ thống trường chất lượng cao ngoài công lập thì các con sẽ không có cơ hội bước vào.
Học sinh nào đủ khả năng thì vào, gia đình nào không lựa chọn thì thôi, cấp 2 trong trường chuyên không hề ảnh hưởng xấu đến các trường khác thì tại sao phải bỏ?
Vậy nên, thay vì nói phải bỏ do không đúng luật, hãy cải tổ và sắp xếp mô hình này. Một nơi có thầy giỏi, bạn giỏi thì nơi đó xứng đáng để được giữ lại.
Ánh Ngọc (Hà Nội)
Học sinh tiểu học, THCS cần có thời gian vui chơi, tham gia các hoạt động văn hóa, thể chất để phát triển toàn diện. Không nên ép các con vừa vào cấp 1 đã lao đến lò luyện thi.
Trước thông tin Hà Nội có thể phải dừng tuyển sinh các lớp không chuyên trong trường chuyên, nhiều phụ huynh bày tỏ sự tiếc nuối, song cũng có không ít ý kiến cho rằng phù hợp.
Lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết sẽ đề xuất phương án giữ ổn định việc tuyển lớp 6 Trường THPT Chuyên Hà Nội-Amsterdam năm học 2024-2025.